Nông dân Thanh Hà 'lợi kép' từ trồng cây ăn trái và làm nông nghiệp hữu cơ

Nhờ chủ động phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, ngành nông nghiệp huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương những năm qua có bước tiến vượt bậc theo hướng an toàn sinh thái gắn với xây dựng chuỗi giá trị, mở hướng xóa nghèo, làm giàu cho nông dân.

Năm 2023, xã Thanh Cường là một trong những vùng trồng cây ăn quả lớn nhất ở Thanh Hà. Từ đầu năm đến nay, toàn xã đã trồng hàng chục nghìn cây, nhiều nhất là chuối do đây là cây ngắn ngày, chăm sóc không vất vả như một số loại cây khác, lại cho giá trị kinh tế khá.

Hiệu quả trồng cây ăn trái

Sở hữu vườn chuối rộng hơn 2 sào, dù diện tích không quá lớn, song những năm qua, bà Nông Thị Tú ở thôn Vĩnh Xá có thu nhập ổn định. Năm nay, thời tiết thuận lợi nên việc làm đất, trồng cây đều nhanh hơn so với những năm trước.

Bên cạnh những thuận lợi về thời tiết, để đảm bảo giá trị sản xuất, bà Tú cùng các hộ trồng chuối trên địa bàn thôn luôn chủ động cập nhật kỹ thuật mới, áp dụng phương thức sản xuất hữu cơ, an toàn sinh thái trong quá trình canh tác, qua đó đảm bảo năng suất, chất lượng sản phẩm.

Trồng cây ăn trái là hướng đi hiệu quả của nhiều nông dân ở Thanh Hà (Ảnh: BHD).

Trồng cây ăn trái là hướng đi hiệu quả của nhiều nông dân ở Thanh Hà (Ảnh: BHD).

“Nếu mưa thuận gió hòa, áp dụng sản xuất khoa học, người trồng chuối không bao giờ lo đói. Những năm qua, canh tác thuận lợi, thị trường tiêu thụ ổn định nên bình quân mỗi năm, gia đình tôi thu lãi từ 60-70 triệu đồng”, bà Tú phấn khởi nói.

Ngoài cây chuối, nông dân trên địa bàn xã Thanh Cường còn trồng xen các loại cây có giá trị kinh tế cao như đu đủ, hồng xiêm, bưởi da xanh... Nhiều diện tích vải sớm già cỗi, kém hiệu quả cũng được nông dân thay thế, trồng lại. Mỗi năm, xã thu gần 80 tỷ đồng từ cây ăn quả.

Thực tế cho thấy phong trào trồng cây ở Thanh Hà đã trở thành truyền thống từ nhiều năm qua. Là huyện chưa có nhiều doanh nghiệp nên Thanh Hà vẫn ưu tiên thế mạnh phát triển nông nghiệp hàng hóa, hướng tới nông nghiệp sạch.

Theo lãnh đạo Phòng NN&PTNT huyện Thanh Hà, thời gian qua, huyện xác định phát triển trồng cây ăn quả là thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là quan tâm các loại cây vải, ổi, bưởi, chuối, quất, chanh…

Hình thành vùng chuyên canh

Hiện nay, diện tích cây ăn quả toàn huyện là 6.730ha, trong đó diện tích trồng vải khoảng 3.500ha, diện tích trồng ổi gần 1.600ha, diện tích trồng chuối 350ha, trên 200ha trồng bưởi và khoảng 600ha trồng các loại cây ăn quả khác.

Cây ăn quả được huyện quy hoạch và phát triển thành các vùng tập trung, chuyên canh như: vùng vải sớm ở các xã khu Hà Đông, vùng vải chính vụ ở các xã khu Hà Nam; vùng ổi ở các xã Liên Mạc, Thanh Xuân, Thanh Lang…; vùng quất trái vụ ở các xã An Phượng, Thanh Sơn, Cẩm Chế; vùng chuối ở các xã Thanh Khê, Thanh Cường; vùng bưởi ở xã Thanh Hồng.

Tại các vùng này, việc sản xuất được áp dụng theo quy trình VietGAP đã góp phần tạo ra sản phẩm nông sản sạch, có mẫu mã đẹp, chất lượng cao. Trong đó, quả vải Thanh Hà đã được cấp giấy bảo hộ độc quyền Chỉ dẫn địa lý Thanh Hà; ổi Thanh Hà và bưởi Thanh Hồng được cấp giấy bảo hộ thương hiệu, nhãn hiệu tập thể…

Nhiều vùng chuyên canh nông nghiệp ở Thanh Hà cho giá trị cao, làm giàu cho nông dân (Ảnh: BHD).

Nhiều vùng chuyên canh nông nghiệp ở Thanh Hà cho giá trị cao, làm giàu cho nông dân (Ảnh: BHD).

Để đảm bảo giá trị bền vững, huyện đã tập huấn, hướng dẫn người trồng cây ăn quả chuyển từ sản xuất truyền thống sang tiếp cận chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp. Các hộ trồng vải quả tiêu chuẩn GlobalGAP tiếp cận công nghệ 4.0 trong sản xuất và tiêu thụ. Huyện đã được cấp 78 mã số vùng trồng vải xuất khẩu; cấp mã số cho 59 cơ sở đóng gói vải phục vụ xuất khẩu.

Chính sách hỗ trợ của ngành nông nghiệp đã tạo đòn bẩy cho các mô hình điểm được hình thành. Điển hình, nhận thấy địa phương được thiên nhiên ưu đãi về khí hậu, thổ nhưỡng, đất đai màu mỡ rất phù hợp để phát triển cây ăn quả và rau các loại, nằm trong vùng trọng điểm cây ăn quả của huyện, HTX Nông nghiệp sạch Nam Vũ được thành lập.

Đi vào hoạt động từ năm 2017 với 20 thành viên, HTX đã vận động các thành viên tập trung ruộng đất, quy hoạch vùng trồng ổi tập trung với diện tích 15 ha. Đến nay, HTX đã kết nạp được 50 thành viên tham gia, mở rộng vùng sản xuất tập trung với diện tích 30 ha.

Để chủ động trong khâu sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho các thành viên, HTX đã ký hợp đồng với doanh nghiệp để cung ứng ổi sạch, rau các loại cho các siêu thị, cửa hàng có uy tín. Sản lượng ổi quả tiêu thụ vào hệ thống các siêu thị khoảng 450 tấn/năm, rau củ các loại khoảng 250 tấn/năm.

Ngoài ra, HTX còn cung cấp sản phẩm vào bếp ăn tập thể của các trường học, trung bình khoảng 50 tấn/năm. Năm 2020, HTX đã đăng ký tham gia Chương trình OCOP của tỉnh và sản phẩm “ổi quả” đã được công nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao; doanh thu của HTX đạt trên 5 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 180 triệu đồng.

Trong thời gian tới, tranh thủ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể, HTX Nông nghiệp sạch Nam Vũ tiếp tục phát triển các sản phẩm thế mạnh của HTX, mở rộng diện tích vùng sản xuất tập trung theo tiêu chuẩn VietGAP, đồng thời nâng cao năng lực sơ chế, bảo quản nông sản của HTX đáp ứng nhu cầu thị trường.

Phát huy các lợi thế để làm giàu cho nông dân

Không chỉ có cây ăn quả, huyện Thanh Hà cũng chủ động đa dạng hóa các loại cây trồng, vật nuôi trong quá trình chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, trong đó có rau VietGAP, hữu cơ.

HTX Nông nghiệp sạch Quang Điệp (xã Hồng Lạc) là một trong những điển hình trong khu vực kinh tế hợp tác của huyện Thanh Hà, hiện đã tạo được chỗ đứng vững vàng trên thị trường nhờ sản phẩm rau được trồng và chăm sóc theo hướng nông nghiệp hữu cơ.

Không chỉ là "điểm tựa" của các hộ thành viên, HTX còn tạo việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động ở địa phương, thu nhập bình quân khoảng 5 triệu đồng/người/tháng. Mỗi vụ, HTX thu lãi hàng trăm triệu đồng.

Với những điểm tựa từ nông nghiệp hữu cơ gắn với chuỗi giá trị gia tăng, đặc biệt là thành công của mô hình trồng cây ăn quả, quá trình xóa đói giảm nghèo ở Thanh Hà đã có những bước tiến vượt bậc.

Đến năm 2023, thu nhập bình quân đầu người/năm trên địa bàn huyện đạt 63,9 triệu đồng. Giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1 ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt trên 220 triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,57%.

Thời gian tới, huyện Thanh Hà sẽ tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư các dự án trong lĩnh vực chế biến nông sản, nhất là xây dựng liên kết giữa doanh nghiệp và người sản xuất trong việc đầu tư các mô hình sản xuất lớn tập trung gắn với bao tiêu sản phẩm, nhằm nâng cao thu nhập cho nông dân.

Mỹ Chí

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//kinh-doanh-xanh/nong-dan-thanh-ha-loi-kep-tu-trong-cay-an-trai-va-lam-nong-nghiep-huu-co-1097500.html