Nông dân Thanh Hà vào mùa chuối Tết
Thời điểm này, nông dân ở nhiều xã của huyện Thanh Hà tất bật vào mùa chuối Tết.
Đắt khách
Nhắc đến chuối Tết ở Thanh Hà phải kể đến xã Thanh Khê. Vốn có kinh nghiệm chăm sóc nên chuối Tết ở đây năm nào cũng đắt khách hơn hẳn những nơi khác.
Dịp Tết, đa số người tiêu dùng sẽ mua chuối tiêu về thờ vì quả chuối dài, cong, nải đẹp, dễ xếp mâm ngũ quả. Vì thế, chuối này sẽ đắt hơn chuối tây. Bà Cao Thị Loan ở thôn Xuân An, xã Thanh Khê có gần 3 mẫu chuối tiêu cho biết: “Chăm sóc chuối Tết đòi hỏi người trồng kỳ công hơn. Để có những nải chuối đẹp, mỗi buồng chuối tôi chỉ để từ 7 - 8 nải rồi bẻ búp. Tôi buộc buồng vào thân cây, bọc nilon để tránh sương, tránh va đập, vỏ quả không bị trầy xước. Đều đặn mỗi tháng bón phân, tưới nước cho cây...”. Thời điểm này hơn 500 buồng chuối của gia đình bà Loan đã được thương lái đặt mua 160.000 đồng/buồng. Nếu đến gần Tết mới mua thì giá mỗi buồng khoảng 400.000 đồng. Gia đình bà đang chăm sóc để quả chuối được đẫy, xanh mã chờ ngày thương lái đến chặt bán.
Những ngày này, gia đình ông Vũ Hữu Định ở thôn Vĩnh Xá, xã Thanh Cường cũng tất bật vì chuối Tết. Hiện gia đình ông có 300 buồng chuối. Thời tiết rét như hiện nay sẽ có khoảng 70% số buồng chuối được bán đúng dịp Tết Nguyên đán. Hiện giá chuối tiêu tăng khoảng 20.000-30.000 đồng/buồng so với năm ngoái. Năm nay, ông Định dự kiến thu lãi khoảng 20 triệu đồng/sào chuối Tết. Ông Vũ Văn Thưởng, một thương lái ở xã Thanh Cường cho biết hiện nay tiêu thụ chuối rất thuận lợi, có đến đâu bán hết đến đó. Riêng chuối Tết đã có nhiều nơi đặt sẵn.
Huyện Thanh Hà hiện có gần 500 ha chuối được trồng nhiều ở các xã Thanh Khê, Thanh Hải, An Phượng. Nếu như trước đây người trồng chuối tự mang đi chợ bán thì nay thương lái đến tận nơi mua. Thời điểm này nhiều vườn chuối đã bán gọn cho tiểu thương. Chủ vườn có trách nhiệm bảo đảm chuối xanh, đẹp mã đến lúc thu hoạch.
Xây dựng nhãn hiệu tập thể
So với nhiều loại cây ăn quả khác của huyện Thanh Hà thì chuối đang là cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao. Nhiều địa phương có điều kiện tự nhiên phù hợp chuyển dần sang trồng chuối như Thanh Cường, Vĩnh Lập, Tân An. Vì vậy, ở đây đã hình thành nhiều vùng trồng chuối quy mô lớn. Với tiềm năng đó, huyện đã hỗ trợ nông dân xây dựng nhãn hiệu tập thể cho chuối nhằm nâng cao giá trị loại quả này. Vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh đã cho phép Hội Nông dân huyện Thanh Hà sử dụng tên địa danh "Thanh Hà" đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm chuối của huyện.
Để chuối sớm có "visa", trong năm 2020, Sở Khoa học và Công nghệ, Hội Nông dân huyện Thanh Hà đã tổ chức tập huấn, hội thảo xây dựng nhãn hiệu tập thể chuối Thanh Hà. Hội thảo đã lựa chọn, thống nhất logo sản phẩm. Tại xã Thanh Khê đã có 14,8 ha chuối được áp dụng quy trình sản xuất VietGAP. Chuối là một trong những loại quả ít sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình chăm sóc. Thời gian tới, huyện Thanh Hà tiếp tục nhân rộng diện tích chuối trồng theo hướng VietGAP ra các địa phương.
Ông Nguyễn Đức Hát, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Thanh Khê cho biết trồng chuối Tết mang lại hiệu quả kinh tế cao, có nhà thu lãi từ 200-300 triệu đồng/vụ, chi phí bỏ ra không nhiều. Tuy nhiên khoảng 3 năm trở lại đây, trên địa bàn có tình trạng chuối chết không rõ nguyên nhân. Cứ gần Tết, buồng chuối đang xanh tốt bỗng héo khô. Để cây chuối phát triển bền vững, cơ quan liên quan cần xác định rõ nguyên nhân chuối chết, hỗ trợ nông dân có hướng khắc phục kịp thời.
Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/nong-nghiep/nong-dan-thanh-ha-vao-mua-chuoi-tet-155801