Nông dân thấp thỏm vào vụ hoa tết
Năm nay, ông Đặng Thanh Dục chỉ trồng 400 chậu cúc, giảm hơn nửa so với năm ngoái. Ảnh: THỦY TIÊN
Khoảng 1 tuần nay, các nhà vườn trồng hoa cây cảnh ở phường 9, xã Bình Kiến và Hòa Kiến (TP Tuy Hòa) bắt đầu vào vụ hoa tết. Tuy nhiên, do dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp nên bà con dè dặt xuống giống, giảm diện tích trồng.
Dè dặt xuống giống cúc tết
Từ mùng 10 tháng 7 âm lịch đến nay, nhiều nhà vườn trồng cúc ở TP Tuy Hòa bắt đầu xuống giống cúc tết nhưng rất dè dặt. Ông Đặng Thanh Dục ở phường 9 cho biết: Năm nay, gia đình tôi chỉ trồng 400 chậu cúc. Tôi đã xuống giống được 250 chậu và đang tiếp tục trồng, vì không có người làm nên tốc độ trồng khá chậm, khả năng 1 tuần nữa sẽ xong. Vì dịch bệnh còn phức tạp, sợ không có đầu ra nên năm nay, gia đình tôi trồng giảm hơn nửa so với mọi năm. Đồng thời, tôi cũng chỉ trồng 100 chậu cúc đại đóa, còn lại trồng các loại cúc đỏ và cúc tím. Theo ông Dục, vì có kỹ thuật ươm giống cúc đỏ và tím nên năm nay ông chủ yếu trồng loại này để giảm chi phí, nếu tới tết vẫn còn dịch, bán không được thì bớt mất vốn.
Tương tự, năm nay gia đình bà Trần Thị Vương ở phường 9 cũng giảm hơn một nửa diện tích trồng cúc. Bà Vương cho biết: Để chuẩn bị vụ hoa tết này, gia đình tôi đã đúc chậu, ủ đất từ trước, đến nay đã vô đất xong, đang chờ giống về. Năm nay, tôi chỉ trồng 200 chậu cúc, giảm 300 chậu so với năm trước. Vì dịch còn phức tạp, đi lại khó khăn, gia đình cũng ngại lây nhiễm nên không thuê công như mọi năm, tất cả đều tự làm.
Trong khi đó, nhiều nhà vườn quyết định bỏ vụ, không trồng. Theo bà Nguyễn Thị Sâm ở xã Bình Kiến, tính chi li tất cả khoản đầu tư từ lúc xuống giống đến khi bán thì mỗi chậu cúc có chi phí gần 200.000 đồng, nếu trồng 100 chậu phải đầu tư 20 triệu đồng. Với tình tình dịch bệnh, giãn cách liên tục như hiện nay, không biết đến khi nào mới ổn, nên năm nay bà bỏ vụ.
Lo lắng đầu ra
Để chuẩn bị cho vụ hoa tết năm nay, các nhà vườn trồng mai quất đã phải vào vụ từ cuối năm ngoái nên không thể chủ động giảm diện tích như trồng cúc. Ông Nguyễn Văn Bình ở xã Bình Kiến cho biết: “Vườn mai gia đình có hơn 500 gốc từ 6-10 năm tuổi. Từ đầu tháng 6, tôi đã thúc một đợt phân giúp cây đủ sức nên hiện nhú nụ bằng đầu kim, rất dày. Năm nay, cây trong vườn còn ra được một đợt lá non rất tốt từ cuối tháng 6, đây sẽ là bộ lá chủ lực để nuôi cây, giữ nụ cho hoa nở vụ tết. Nếu vườn nào đón được đợt lá này thì đảm bảo không bị nở sớm”. Cũng theo ông Bình, cả năm chăm bón, nhà vườn chỉ trông chờ vào vụ tết để kiếm ít tiền chi phí cho gia đình, trả nợ phân thuốc cho đại lý. Tính đến nay, chi phí phân, thuốc… đầu tư cho cả vườn 500 chậu mai và 400 chậu quất này đã gần 50 triệu đồng. Đến tết mà không bán được thì không biết lấy đâu ra tiền trang trải chi phí vụ này, đầu tư vụ sau.
Tại các vườn quất khác, nhà vườn đang tập trung phun thuốc diệt bọ trĩ để giữ trái. Hiện quất đã cho trái khá dày với nhiều lứa nên lúc này mà bị sâu bệnh thì ảnh hưởng rất lớn đến lượng trái sau này. Ông Bốn Thành ở xã Bình Kiến cho hay, vườn quất nhà ông đã ra được hai đợt trái, trái lớn bằng đốt ngón cái, trái nhỏ thì bằng đốt ngón út và đang có một lứa bông mới. Sau khi đón lứa này, cây sẽ không đón trái nữa; quất mà ra bông thì nhà vườn sẽ lặt bỏ để dưỡng sức nuôi trái. Năm nay, cây dày trái, hứa hẹn mùa quất đẹp.
“Để nuôi được vườn quất 500 chậu đến nay, gia đình tôi đã phải chi khoảng 25 triệu đồng (chưa tính tiền cây giống vì gia đình tự chiết cành - PV), từ giờ đến tết chắc cũng tốn thêm vài triệu nữa. Toàn bộ chi phí này đều là tiền vay mượn, ghi nợ ở đại lý phân thuốc đợi cuối năm bán sẽ trả. Rất mong các ngành chức năng có biện pháp kiểm soát dịch COVID-19 để cuộc sống sớm bình thường trở lại. Có như vậy, bà con mới bán được cây”, ông Thành nói.
Tổng diện tích trồng hoa, cây cảnh của địa phương khoảng 96ha, trong đó diện tích trồng cúc 25ha. Tuy nhiên, năm nay dịch bệnh phức tạp nên các nhà vườn giảm trồng, bỏ vụ khá nhiều, ước tính diện tích trồng cúc giảm hơn 50%.
Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/82/263210/nong-dan-thap-thom-vao-vu-hoa-tet.html