Xã Sơn Ninh (huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) được mệnh danh là "thủ phủ" trám với gần 100 hộ dân trồng loại cây này. Những năm gần đây, trung bình mỗi hộ trồng trám ở đây thu về từ 10 – 25 triệu đồng/mùa thu hoạch. Tuy nhiên, năm nay mất mùa, bà con chỉ thu về được khoảng 30 – 40% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Nguyễn Văn Thân (trú thôn Tạ Sơn, xã Sơn Ninh) cho biết, thời điểm này là chính vụ quả trám đen, những năm trước luôn tấp nập thương lái đến tìm mua. Năm nay, sản lượng quả sụt giảm nghiêm trọng, thương lái cũng không mặn mà đến thu mua.
“Dù vẫn chăm bón đầy đủ như những năm trước, nhưng do thời tiết nắng nóng kéo dài nên tỷ lệ đậu quả ít, sản lượng trám năm nay chẳng đáng là bao", ông Thân cho hay.
Theo nhiều gia đình trồng trám tại Hương Sơn, năm nay mất mùa do ảnh hưởng của thời tiết thất thường, đặc biệt vào thời điểm trám ra hoa gặp thời tiết mưa nhiều nên tỷ lệ đậu trái không cao khiến cây cho sản lượng thấp.
Trám đen Hương Sơn là loại cây mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân địa phương. Tùy vào số cây, trung bình hàng năm mỗi gia đình trồng, bán trám thu về từ 10 - 25 triệu đồng. Đặc biệt, có những hộ trồng nhiều thu nhập lên đến 80 triệu đồng/năm.
Bà Nguyễn Thị Hiền (trú tại xã Sơn Ninh) cho biết, những năm trước trám được mùa, gia đình bà phải thuê người hái trám với chi phí 1 triệu đồng/ngày. Tuy nhiên, năm nay trám mất mùa nên gia đình bà tự hái, không phải thuê người.
Những năm trước, giá trám được thương lái thu mua từ 110.000-130.000 đồng/kg, nhưng năm nay giá tăng lên hơn 150.000 đồng/kg.
Xã Kim Hoa cũng là địa phương có số lượng cây trám đen nhiều ở huyện Hương Sơn với trên 400 gốc. Tuy nhiên, năm nay nhiều gia đình mất trắng, không có thu nhập vì trám không đậu quả.
Sản lượng giảm, thương lái không mặn mà thu mua trám như mọi năm.
Ông Trần Quang Hòa - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hương Sơn cho biết, trám là một loại quả đặc trưng của huyện Hương Sơn, hiện phân bố rất nhiều tại các xã Sơn Ninh, Sơn Bằng, Sơn Tiến, Sơn Phú, Kim Hoa, An Hòa Thịnh… Trám đen là loại đặc sản góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế của địa phương. Năm nay, bà con trồng trám mất mùa, gây ảnh hưởng tới thu nhập, giảm khoảng 40 - 50% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trám có thể chế biến thành nhiều món ăn lạ miệng, hấp dẫn như: trám om, trám muối, xôi trám, trám nhồi thịt, trám kho cá, canh trám nấu gà, trám xào nhộng ong… Trám thường được người dân dùng giải rượu và dùng để chữa 1 số bệnh.
Nguyễn Sơn