Nông dân tiếp cận chính sách trồng màu trong nhà lưới

Nhằm hướng đến sản phẩm hàng hóa an toàn, chất lượng, tranh thủ các nguồn lực, xã Ngũ Lạc, huyện Duyên Hải hỗ trợ nông dân đẩy mạnh phong trào trồng màu trong nhà lưới, tạo hướng phát triển mới cho địa phương, nâng cao thu nhập cho nông dân nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường nông sản sạch như hiện nay.

Ớt sừng vàng trồng trong nhà lưới của nông dân Thạch Rạch Ta Na (bên phải).

Ớt sừng vàng trồng trong nhà lưới của nông dân Thạch Rạch Ta Na (bên phải).

Sau nhiều năm canh tác hoa màu theo phương pháp truyền thống trên diện tích 1.000m2 nhưng hiệu quả không cao, nông dân Thạch Khanh, ấp Thốt Lốt, xã Ngũ Lạc thay đổi cơ cấu cây trồng và phương pháp canh tác mang lại lợi nhuận đạt từ 120 - 150 triệu đồng/năm bằng phương pháp học tập kinh nghiệm từ nhiều mô hình trồng màu trong nhà lưới và tranh thủ sự hỗ trợ của tỉnh thông qua Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông đầu tư xây dựng nhà lưới trồng rau ăn lá trên diện tích 1.000m2 mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ông Khanh cho biết: ban đầu khi tiếp cận mô hình mới, ông còn e ngại về vốn và đầu ra nông sản bấp bênh. Sau khi được hướng dẫn kỹ thuật, quy trình canh tác trong nhà lưới ở mọi công đoạn sản xuất, mở ra hướng phát triển kinh tế cho gia đình. Cùng với đó, ông được hỗ trợ 50 triệu đồng xây dựng nhà lưới và vốn vay 50 triệu đồng từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện để đầu tư vật tư nông nghiệp trồng màu.

Với 1.000m2 đất canh tác nhà lưới, ông trồng chủ yếu chủng loại rau muống xoay vòng nhiều đợt trong năm. Với diện tích trên ông phân chia làm 08 liếp và xuống giống rau muống mỗi đợt cách nhau 07 ngày. Nhờ vậy, ông có lượng rau muống thu hoạch thường xuyên, bình quân bán cho thương lái khoảng 50kg/ngày, thu nhập ổn định. Rau muống là cây trồng ngắn ngày thời gian trồng cho đến thu hoạch dứt điểm 27 ngày giá bán từ 8.000 - 12.000 đồng/kg tùy theo thị trường.

Theo ông Khanh, trồng rau trong nhà lưới hạn chế phân, thuốc, nước tưới phun, tránh tình trạng rau bị dập lá, ngập nước trong mùa mưa, gia đình ông có rau màu trồng và bán thường xuyên hơn.

Nông dân Thạch Rạch Ta Na ngụ cùng ấp được Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ 50 triệu đồng đầu tư trồng thử nghiệm ớt sừng vàng trong nhà lưới trên diện tích 1.000m2 bước đầu đạt kết quả khả quan.

Ông Ta Na cho biết: canh tác trong nhà lưới mang lại hiệu quả cao hơn truyền thống. Ưu điểm trồng màu trong nhà lưới cây trồng ít bị hư hỏng, hạn chế tác hại của yếu tố tự nhiên như mưa dầm, nắng nóng kéo dài, còn giúp cây trồng giữ ẩm và phát triển nhanh, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phòng ngừa một số sâu bệnh thông thường, từ đó sản phẩm cung ứng thị trường an toàn và dễ bán hơn. Trồng màu trong nhà lưới lợi nhuận cao gấp 1,5 lần so với trồng truyền thống, trồng theo phương pháp này có thể xoay vòng nhiều đợt trong năm, tránh được sự chi phối của thời tiết, lợi nhuận bình quân đạt 10 triệu đồng/vụ/1.000m2. Hiện ớt sừng vàng trồng nhà lưới đang thu hoạch cổ 2 bình quân khoảng 10 - 20kg/ngày, giá bán 60.000 - 70.000 đồng/kg.

Đồng chí Lê Minh Tâm, Phó Chủ tịch UBND xã Ngũ Lạc cho biết: nhận thấy phương pháp canh tác nông nghiệp truyền thống trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay dễ dẫn đến vụ mùa thất thường, giảm năng suất, từ nguồn vốn hỗ trợ của tỉnh thông qua Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hỗ trợ vốn cho nông dân trồng màu trong nhà lưới và phân công cán bộ kỹ thuật hướng dẫn từng công đoạn, kỹ thuật khi cần thiết.

Với sự quan tâm hỗ trợ của tỉnh, trên địa bàn xã ngày càng phát triển và mở rộng hình thành vùng nguyên liệu đa dạng hàng hóa nông sản, góp phần đảm bảo năng suất ổn định cho người tiêu dùng, nâng cao thu nhập cho nông dân, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.

Từ năm 2020 đến nay, toàn xã đầu tư 23 nhà lưới hở trên diện tích hơn 03ha, tổng vốn đầu tư gần 1,5 tỷ đồng theo Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐND, ngày 19/3/2021 của HĐND tỉnh ban hành quy định chính sách hỗ trợ tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2021 - 2025, bình quân 45 - 50 triệu đồng/nhà lưới. Năm 2023, xã tiếp tục khảo sát và hỗ trợ 04 nhà lưới khép kín với tổng số tiền 100 triệu đồng.

Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng ứng dụng trong nhà lưới hiện nay đã và đang phát triển thành vùng sản xuất hàng hóa, tạo hướng đi mới, phương thức mới, góp phần đưa sản phẩm nông nghiệp của xã Ngũ Lạc từng bước chuyển dịch từ số lượng sang chất lượng, nâng cao giá trị sản xuất từ 120 - 150 triệu đồng/năm/ha. Đồng thời giảm chi phí sản xuất và những tác động xấu của biến đổi khí hậu.

Bài, ảnh: MẪN QUÂN

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/kinh-te/nong-dan-tiep-can-chinh-sach-trong-mau-trong-nha-luoi-33107.html