Nông dân trẻ và mối duyên với nấm mèo

Với trại nấm tiền tỉ giữa đất Lộc Tân, Bảo Lâm, Ngô Văn Quỳnh không chỉ phát triển cho riêng gia đình mà còn thúc đẩy phong trào trồng nấm của địa phương, cùng đồng hành với bà con xung quanh phát triển cây nấm mèo.

Ngô Văn Quỳnh và nhà nấm sắp được thu hoạch

Ngô Văn Quỳnh và nhà nấm sắp được thu hoạch

12 NĂM GẮN BÓ VỚI NẤM MÈO

Sinh năm 1987 nhưng Ngô Văn Quỳnh, người nổi danh với thương hiệu nấm mèo “anh Quỳnh” đã có 12 năm gắn bó với cây nấm mèo. Ở Thôn 3, xã Lộc Tân, huyện Bảo Lâm, trại nấm của Quỳnh lớn nhất với 10 nhà nấm, chiếm diện tích xấp xỉ 1 ha. Và gắn bó với cây nấm, qua nhiều thăng trầm, người nông dân trẻ đã rút được nhiều kinh nghiệm để làm giàu từ nấm.

Nấm mèo là loại cây trồng khá khó tính, có cách trồng khác biệt với các loại nấm khác. Từ lúc treo bịch tới khi thu hoạch là 3 tháng, trong thời gian ấy cây nấm cần nước, cần chăm sóc phù hợp với thời tiết. Nấm mèo được trồng trong nhà, trên nền nhiệt ổn định và ánh sáng yếu. Vì vậy, trại nấm được làm bằng sắt, có các giàn cứng cáp để treo bịch nấm và lưới đen bọc xung quanh. Để đảm bảo nhiệt độ, trên mái tôn có giàn phun sương, khi thời tiết quá nóng sẽ chạy giàn phun nhằm đảm bảo nhiệt độ trong nhà nấm luôn luôn ổn định. Anh Quỳnh cho biết, nhiều người sử dụng mái lợp lá sẽ không cần giàn phun sương. Nhưng mái lá có nhược điểm là dễ mục nát nên trồng một vài năm phải thay mới, tốn thời gian, do vậy anh sử dụng mái tôn có sẵn giàn phun sương cho thuận lợi.

Với diện tích gần 1 ha nhà nấm, mỗi lần anh Quỳnh treo tới 180 thiên (180 ngàn bịch), riêng tiền giống đã 500 triệu đồng. Giống nấm được lấy từ Đồng Nai với giá 3.400 đồng/bịch. Trong quá trình trồng, nấm được tưới nước đều đặn qua hệ thống phun sương, đảm bảo bịch luôn đạt độ ẩm cần thiết. Anh Quỳnh cho biết: “Nấm mèo chủ yếu cần nước nên nước phải tưới đủ. Tuy nhiên, người trồng cần biết nhìn sự phát triển để thực hiện quy trình hãm nước. Tôi thường hãm 3 lần, cắt nước hoàn toàn 5-7 ngày để tai nấm khô quắt lại, sau đó tưới tiếp để cây nấm nở ra. Quy trình hãm giúp tai nấm dày, đạt chuẩn xuất khẩu, sau khi hãm lần 3 là có thể thu hoạch”. Sau khi thu hoạch, bịch meo được bán trở lại cho người thu mua để về tiếp tục sơ chế lại, bán cho các hộ trồng nấm bào ngư.

Mỗi lần thu hoạch, Ngô Văn Quỳnh thu được 8 tấn nấm mèo khô. Với giá bán 120 ngàn đồng/kg, mỗi lần thu hoạch trừ chi phí cũng được 200-300 triệu đồng. Nấm được trồng 3- 4 lứa/năm, thu nhập từ nấm quả thực không nhỏ với người bạn trẻ này. Quỳnh tâm sự: “Tôi trầy trật với cây nấm mèo từ khi còn rất trẻ. Nhưng trải qua cả thành công, cả thất bại, tôi vẫn gắn bó với cây nấm và nấm đã không phụ lòng người”.

THÚC ĐẨY PHONG TRÀO TRỒNG NẤM

Không chỉ trồng nấm một mình, ở nơi nào Ngô Văn Quỳnh cũng lôi kéo người xung quanh cùng trồng. Quỳnh bảo, nấm ở Lộc Tân mình còn rất ít, chưa bằng một góc của đất Long Khánh, Đồng Nai. Trong khi trồng nấm rất hợp với những nông hộ ít đất, có vốn đầu tư. Vì vậy, Quỳnh luôn động viên bà con, anh em xung quanh cùng trồng nấm mèo. Anh sẵn sàng chia sẻ thông tin về nơi cung ứng giống, mối thu mua, kỹ thuật chăm sóc... Anh Hoàng Sỹ Giáp, hàng xóm nhà Quỳnh khi được thuyết phục cũng vừa triển khai làm 3 nhà nấm trong năm 2020. Sau 4 lứa nấm, anh Giáp cũng có trên trăm triệu thu nhập sau khi trừ hết chi phí. Anh Giáp bảo, do chú Quỳnh động viên, hướng dẫn, thậm chí tự tay thực hiện nhà nấm cho anh đúng kỹ thuật, anh mạnh dạn đầu tư và hiện tại, anh đã coi như “tốt nghiệp” lớp trồng nấm mèo, có nguồn thu khá tốt từ 1 sào trồng nấm.

Không chỉ anh Giáp, còn nhà anh Nỉ, ông Hải.., đều là những nông hộ trong thôn, trong xã theo gương anh Ngô Văn Quỳnh, mạnh dạn đầu tư trồng nấm mèo. Người bạn trẻ không tiếc công, tiếc sức trao đổi kỹ thuật, hướng dẫn cách tưới, cách hãm nước để nông hộ nào cũng cho thu hoạch tốt. Ông Nguyễn Đức Nhẫn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc Tân đánh giá: “Chú Ngô Văn Quỳnh còn trẻ nhưng rất năng động, làm ăn giỏi. Trại nấm của chú là trại lớn nhất xã và cả những xã lân cận. Không chỉ làm một mình, chú Quỳnh còn động viên, hướng dẫn các nông dân xung quanh cùng làm, tạo một nghề mới cho nông dân Lộc Tân chúng tôi. Hiện chú Quỳnh còn là Tổ trưởng Tổ hợp tác nấm Thôn 3, Lộc Tân, tập trung nông dân để phát triển nghề nấm”. Còn Ngô Văn Quỳnh chia sẻ, cây nấm thu nhập nhanh, dễ làm, càng nhiều người làm càng hiệu quả. Vì vậy, mong mỏi của anh là nông dân Lộc Tân phát triển mạnh cây nấm, tạo một thương hiệu nấm mèo mạnh mẽ trên đất cao nguyên.

DIỆP QUỲNH

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/xahoi/202111/nong-dan-tre-va-moi-duyen-voi-nam-meo-3086915/