Nông dân Tri Tôn thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi

Những năm qua, phong trào nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh (SXKD) giỏi các cấp trên địa bàn huyện Tri Tôn (An Giang) phát triển sâu rộng, từng bước nâng cao về chất lượng, từ đó khơi dậy tinh thần năng động, sáng tạo, vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương của các hội viên nông dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tri Tôn Trần Văn Mì chia sẻ, phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi được xem là diễn đàn lớn để nông dân có điều kiện học tập, trao đổi kinh nghiệm, đoàn kết giúp nhau trong sản xuất, giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng, xây dựng và phát triển nông thôn mới. Qua đó, nhiều nông dân đã đổi mới tư duy trong cách làm ăn, nhạy bén trong ứng dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ thu hoạch và sau thu hoạch vào sản xuất. Chủ động nắm bắt thông tin thị trường, mạnh dạn thử nghiệm và đưa vào SXKD các loại giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với từng vùng, từng địa phương, như: mô hình trồng lúa DS1, lúa Nhật, chuối cấy mô, xoài theo tiêu chuẩn VietGAP, nhãn Ido, mô hình trồng cây dược liệu, rau dưa các loại cùng với chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng an toàn sinh học, gắn với cải tạo vườn tạp, mô hình chăn nuôi theo hướng công nghiệp...

Giai đoạn 2015-2020, trên địa bàn huyện có 19.234 lượt hộ nông dân đạt danh hiệu “Nông dân SXKD giỏi” các cấp. Đặc biệt, có nhiều nông dân không những vươn lên làm giàu cho bản thân với mức doanh thu đạt từ vài trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng/năm, mà còn tạo việc làm cho hàng trăm lao động nông thôn. Điển hình như: mô hình kinh doanh nông nghiệp của nông dân Phan Văn Thụ có tổng doanh thu 26 tỷ đồng/năm, mô hình trồng chuối cấy mô kết hợp chăn nuôi trang trại bò của nông dân Nguyễn Lợi Đức (xã Lương An Trà) với tổng doanh thu đạt 9,8 tỷ đồng/năm, mô hình sản xuất lúa và dịch vụ nông nghiệp của nông dân Lê Văn Búa (xã Tân Tuyến) với tổng doanh thu đạt gần 3 tỷ đồng/năm, mô hình tiểu thủ công nghiệp của nông dân Trần Hiếu Nghĩa (thị trấn Tri Tôn) đạt tổng doanh thu 5 tỷ đồng/năm...

Nông dân đang bao trái xoài để tăng giá trị thương phẩm

Ngoài việc đi đầu trong sản xuất, nông dân còn tích cực tham gia các phong trào xã hội - từ thiện, đền ơn đáp nghĩa, xây dựng và phát triển nông thôn mới với nhiều việc làm mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, như: đóng góp làm cầu, đường, cất nhà Tình thương, mua xe chuyển bệnh, xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, giúp đỡ tương trợ nhau trong sản xuất... với tổng số tiền đóng góp trên 7,2 tỷ đồng, hơn 6.937 ngày công lao động, cất mới 19 cây cầu và sửa chữa 10 cây cầu nông thôn, nâng cấp và sửa chữa 47,25km đường giao thông nông thôn, nạo vét 30km kênh mương nội đồng phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân. Các cấp Hội Nông dân duy trì và xây dựng mới các điểm sáng biên giới, tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc, phòng, chống buôn lậu qua biên giới và tệ nạn xã hội, góp phần xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân vững chắc.

Để phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi ngày càng phát triển theo hướng nâng cao chất lượng, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tri Tôn Trần Văn Mì cho biết, thời gian tới, các cấp Hội Nông dân trên địa bàn huyện sẽ tăng cường thông tin, tuyên truyền, động viên nông dân thay đổi cách nghĩ, quyết tâm vượt khó, tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh về vốn, lao động, đất đai để đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Tập trung xây dựng, nhân rộng những điển hình tiên tiến, xuất sắc phù hợp với từng địa phương. Đẩy mạnh và đổi mới công tác hỗ trợ nông dân về vốn, vật tư, chuyển giao khoa học - công nghệ nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả SXKD. Hướng dẫn nông dân phát triển các loại hình sản xuất hàng hóa, kinh tế gia trại, trang trại, kinh tế hợp tác, phát triển ngành nghề gắn với ứng dụng khoa học - công nghệ, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cây trồng, vật nuôi nâng cao hiệu quả SXKD, giải quyết việc làm lao động nông thôn.

Tăng cường công tác đào tạo nghề cho nông dân, không ngừng nâng cao trình độ sản xuất, kiến thức quản lý kinh tế và thị trường. Thúc đẩy liên kết giữa các mô hình SXKD, giữa các hộ nông dân SXKD giỏi với nhau để đoàn kết, chia sẻ kinh nghiệm và giúp đỡ nhau trong SXKD. Đẩy mạnh thông tin sản xuất và tìm kiếm thị trường. Tăng cường phối hợp và làm cầu nối để các thành phần kinh tế ký hợp đồng sản xuất, tiêu thụ nông sản cho các hộ nông dân SXKD, góp phần gia tăng giá trị sản phẩm và khả năng cạnh tranh, phát triển một nền nông nghiệp bền vững.

TRỌNG TÍN

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/nong-dan-tri-ton-thi-dua-san-xuat-kinh-doanh-gioi-a281011.html