Nông dân trồng khóm Tắc Cậu thấp thỏm lo ngập

Khóm Tắc Cậu nổi tiếng ở Kiên Giang đang có nguy cơ thu hẹp diện tích trước tình trạng ngập úng do ảnh hưởng của triều cường, nước biển dâng ngày càng diễn biến phức tạp những năm gần đây. Hiện nông dân rất mong các cấp, các ngành sớm có giải pháp bảo vệ diện tích sản xuất khóm đang bị đe dọa.

Khóm Tắc Cậu được trồng chuyên canh trên vùng đất cù lao nằm giữa 2 con sông Cái Bé và Cái Lớn, thuộc địa bàn xã Bình An, huyện Châu Thành. Đây là vùng trũng thấp, dễ bị ngập úng khi có triều cường và nước biển dâng. Việc trồng lúa không mang lại hiệu quả do đất nhiễm phèn, mặn. Vì thế, người dân lên liếp trồng khóm, kết hợp xen canh cau, dừa để tăng hiệu quả kinh tế.

Trái khóm được trồng ở xã Bình An có vị ngọt đặc trưng không nơi nào có được. Thương hiệu khóm Tắc Cậu đã được cấp nhãn hiệu tập thể và ngày càng được người tiêu dùng và du khách biết đến, tìm mua, qua đó giúp nông dân địa phương có cuộc sống ổn định hơn.

Nông dân xã Bình An, huyện Châu Thành thu hoạch khóm.

Nông dân xã Bình An, huyện Châu Thành thu hoạch khóm.

Thế nhưng, những năm gần đây, tình hình biến đổi khí hậu nước biển dâng trên địa bàn tỉnh Kiên Giang ngày càng diễn biến phức tạp, trong đó tình hình nước dâng, triều cường đã gây ngập úng thiệt hại nhiều diện tích cây ăn trái, hoa màu của người dân vùng hạ lưu sông Cái Lớn, Cái Bé.

Vùng sản xuất khóm, cau, dừa thuộc địa bàn các xã Bình An, Vĩnh Hòa Phú, huyện Châu Thành khoảng 5 năm trở lại đây thường xuyên xảy ra ngập úng cục bộ khi nước lớn. Đặc biệt vào thời điểm triều cường dâng cao, kết hợp mưa lớn kéo dài, tình trạng ngập trở nên nặng nề hơn, phần lớn các diện tích rẫy khóm dọc tuyến sông Cái Bé, Cái Lớn bị ngập trong nước.

Theo một số nông dân vùng sản xuất khóm tại Tắc Cậu thuộc xã Bình An, cây khóm khi ngập nước từ 3-5 ngày sẽ bị thối rễ và chết; nếu không chết cũng bị suy cây, kém phát triển, không cho trái. Người trồng chỉ còn cách nhổ bỏ cây chết, tiến hành bồi lắp bùn non lên liếp, tôn cao bờ để trồng lại cây mới.

Ông Huỳnh Tỷ Nhỏ, ngụ ấp An Thành, xã Bình An chia sẻ: “Tình trạng ngập diễn ra từ nhiều năm. Những năm gần đây, tình trạng này có chiều hướng xấu hơn, mực nước dâng cao hơn, thời gian nước dâng và rút nhanh. Những thời điểm không có triều cường, nước lớn cũng gây ngập. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất khóm trên địa bàn. Bởi phần lớn diện tích khóm đều không có đê bao chống ngập, bà con chủ yếu đặt ống bọng để lấy nước vào mương vườn và tiêu thoát nước, ít người trang bị máy bơm tiêu thoát nước” .

Nông dân ấp An Thành, xã Bình An bồi đắp bùn non, trồng lại cây giống khóm.

Ông Lâm Quốc Thành, ngụ ấp An Thành, xã Bình An cho biết thời gian để khóm sinh trưởng đến lúc cho trái phải mất từ 12-18 tháng. Trong quá trình trồng, nông dân tốn công chăm sóc, tốn chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hàng chục triệu đồng. Các diện tích khóm ngập nước bị hư hại, nông dân mất trắng tiền đầu tư ban đầu, chưa kể tốn thêm chi phí đầu tư sản xuất lại.

"Rẫy khóm đang cho trái bị nước ngập hồi đợt triều cường tháng 7-2022, tôi buộc phải nhổ đi trồng lại cây mới. Trước tình hình vật tư phân bón tăng cao, khóm bị ngập làm giảm năng suất, sản lượng, bà con gặp rất nhiều khó khăn, lợi nhuận ngày càng giảm. Nếu tình trạng ngập kéo dài, sẽ có nhiều người phá bỏ cây khóm.”

Khóm chết do ngập nước tại rẫy của ông Lâm Quốc Thành.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Bình An Trịnh Thế Đoàn, trước tình trạng ngập úng khu vực ven sông Cái Bé, Cái Lớn thuộc địa bàn xã gây ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống nhân dân, UBND xã đã phối hợp Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tiến hành rà soát, thống kê lại số hộ bị ảnh hưởng và báo cáo lãnh đạo UBND huyện để xem xét.

Trước mắt, đối với các diện tích khóm, cau, dừa nằm trong vùng ảnh hưởng ngập thuộc 4 ấp An Thành, An Thới, An Lạc, An Ninh, UBND xã Bình An cử cán bộ nông nghiệp xuống địa bàn vận động người dân chủ động bảo vệ sản xuất, chủ động trang bị máy bơm để kịp thời bơm nước ra, hạn chế úng ngập. Đồng thời hướng dẫn nông dân cách chăm sóc khóm, phục hồi để hạn chế thiệt hại.

Cây khóm là cây trồng chính mang lại thu nhập cho người dân xã Bình An, huyện Châu Thành. Trước nguy cơ bị đe dọa bởi tình trạng ngập nước, hiện nông dân rất mong muốn các cấp, các ngành tỉnh sớm đầu tư công trình hạ tầng thủy lợi, đê bao khép kín, giúp người dân địa phương an tâm sản xuất.

Bài và ảnh: THÙY TRANG

Nguồn Kiên Giang: http://baokiengiang.vn//kinh-te/nong-dan-trong-khom-tac-cau-thap-thom-lo-ngap-12170.html