Nông dân trồng thanh long gặp khó khi vào chính vụ

Từ tháng 6 đến tháng 9, thanh long vào vụ thu hoạch chính, sản lượng tăng cao hơn nhiều so với các tháng khác trong năm. Tuy nhiên, nhiều năm qua, khi rộ vụ thu hoạch, nông dân trồng thanh long luôn trong vòng luẩn quẩn được mùa rớt giá.

Nông dân tại xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc thu hoạch thanh long ruột đỏ. Ảnh:B. Nguyên

Nông dân tại xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc thu hoạch thanh long ruột đỏ. Ảnh:B. Nguyên

Theo đó, nhiều nông dân trồng thanh long chủ động điều chỉnh mùa vụ, tập trung làm thanh long nghịch vụ. Ngoài ra, thu hút đầu tư vào chế biến cũng là lời giải cho bài toán khó về đầu ra của cây trồng này.

Chính vụ nhiều rủi ro

Những tháng mùa khô năm 2024, thương lái săn đón nông dân trồng thanh long ruột đỏ, sẵn sàng trả giá cao để mua trái cây này. Nhất là những tháng cao điểm mùa khô, thị trường xuất khẩu trái thanh long tăng cao, trong khi sản lượng thanh long cho thu hoạch thấp hơn cùng kỳ mọi năm do ảnh hưởng của khô hạn. Theo đó, giá thanh long ruột đỏ bán tại vườn luôn ở mức cao, từ 30 ngàn đồng/kg trở lên.

Khi bắt đầu vào chính vụ, thanh long liên tục rớt giá. Hiện thanh long xuất khẩu loại 1 chỉ bán được từ 6-8 ngàn đồng/kg, còn lại có giá dưới 5 ngàn đồng/kg, thấp hơn giá thành sản xuất.

Ông Bùi Đình Đức, chủ trang trại trồng thanh long ruột đỏ với diện tích lớn tại xã Xuân Phú (huyện Xuân Lộc), phân tích mùa mưa không chỉ là chính vụ thu hoạch thanh long của Việt Nam mà các nước khác, đặc biệt là Trung Quốc, cũng thu hoạch sản lượng lớn. Trung Quốc đang là thị trường lớn tiêu thụ trái thanh long nên xuất khẩu thanh long vào thời điểm này bị hạn chế. Tại thị trường trong nước, những tháng thanh long rộ vụ thu hoạch cũng là mùa đa dạng các loại trái cây hè, ảnh hưởng đến sức tiêu thụ. Đây là những nguyên nhân khiến vào chính vụ, giá thanh long luôn thấp, nhiều thời điểm dưới giá thành sản xuất.

Tính đến cuối năm 2023, tổng diện tích trồng thanh long ruột đỏ trên địa bàn tỉnh chỉ còn hơn 1,1 ngàn hécta, giảm hàng trăm hécta so với thời điểm vài năm trước đó.

Theo đó, mùa thu hoạch chính vụ, nhiều nhà vườn trồng thanh long trên địa bàn tỉnh đều tỉa bớt hoa, giảm bớt sản lượng thu hoạch. Trang trại của ông Đức hiện chỉ để lại khoảng 25% tổng sản lượng thu hoạch của cây trồng này để duy trì việc làm cho nhân công.

Ông Nguyễn Văn Thanh, nông dân tại xã Xuân Phú, chia sẻ thêm, vào mùa mưa, cây trồng xuất hiện nhiều loại bệnh như: thối gốc, thối cành, đốm trắng..., gây tốn kém chi phí chăm sóc, phòng và trị bệnh cho cây trồng này. Đặc biệt, bệnh nấm tắc kè hiện vẫn chưa có thuốc đặc trị nên dễ bị lây lan, gây hại lớn trên cây thanh long. Ngoài ra, mùa mưa, vỏ trái cũng mỏng hơn, mẫu mã cũng không đạt nên tỷ lệ trái đạt chuẩn xuất khẩu rất ít. Ngay cả tại thị trường nội địa, tỷ lệ thanh long không đạt bị bỏ lại vườn cũng cao hơn so với mùa nắng.

Cần được tiếp sức đầu tư chế biến

Thanh long ruột đỏ từng là trái cây đặc sản thuộc tốp đầu về thu nhập. Thời hoàng kim của cây trồng này, mùa khan hàng, thanh long sốt giá, thương lái có thể trả cho nhà vườn từ
60-70 ngàn đồng/kg nên nông dân có thể đạt lợi nhuận 1 tỷ đồng/hécta/năm. Do đó, nông dân trên địa bàn tỉnh đua nhau trồng thanh long.

Vài năm trở lại đây, giá thanh long dần “hạ nhiệt”, nhiều thời điểm vào chính vụ, giá thanh long rớt xuống chỉ còn vài ngàn đồng/kg. Ông Đoàn Trung Ngọc từng là nông dân tiên phong trồng thanh long ruột đỏ với diện tích cả chục hécta tại xã Hưng Thịnh, huyện Trảng Bom. Thế nhưng hiện nay, gia đình ông đã bỏ cây thanh long, chuyển sang mô hình canh tác khác. Theo ông Ngọc, thanh long cho thu hoạch quanh năm nên chi phí phân, thuốc, công chăm sóc cũng lớn hơn các cây trồng khác. Vài năm trở lại đây, cứ vào chính vụ là trái cây này lại rớt giá, nông dân không mặn mà chăm sóc khiến dịch bệnh xuất hiện nhiều, họ buộc phải chặt bỏ vì không còn hiệu quả về kinh tế.

Để loại trái cây này bớt “long đong”, việc đầu tư vào chế biến là giải pháp được quan tâm. Tuy nhiên, thu hút đầu tư nhà máy chế biến ngay tại vùng trồng vẫn là bài toán khó.

Ông Bùi Đình Đức cho biết thêm: “Địa phương có diện tích thanh long lớn nên tôi rất quan tâm đến việc đầu tư nhà máy chế biến thanh long ngay tại vùng trồng. Có nhiều khách hàng đặt vấn đề mua các sản phẩm chế biến từ thanh long. Tuy nhiên, đầu tư cơ sở chế biến cần vốn đầu tư lớn, vượt quá sức nhà vườn. Chúng tôi mong được hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư chế biến. Đây là giải pháp về thị trường tiêu thụ, giúp cây trồng này mang lại hiệu quả kinh tế cao và phát triển bền vững hơn”.

Cùng mong muốn, Chủ tịch UBND xã Xuân Phú Huỳnh Tấn Hậu cho biết, vùng đất này rất phù hợp để phát triển cây thanh long ruột đỏ. Với hơn 150 hécta thanh long, đây vẫn là cây trồng chủ lực của địa phương. Vì vậy, địa phương rất quan tâm hỗ trợ nhà vườn trong tập huấn về kỹ thuật trồng, vận động nông dân liên kết thành lập hợp tác xã. Địa phương cũng tạo mọi điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư về kho bãi, nhà máy chế biến sâu để cây trồng này phát triển bền vững hơn.

Bình Nguyên

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202408/nong-dan-trong-thanh-long-gap-kho-khi-vao-chinh-vu-6245a86/