Nông dân Tứ Kỳ lo mất mùa rươi

Nông dân tại nhiều vùng khai thác rươi ở huyện Tứ Kỳ (Hải Dương) đang phấp phỏng lo âu vì vụ rươi năm nay có khả năng bị mất mùa, giảm năng suất.

Ruộng rươi rộng 2 sào ngoài bãi đê sông Thái Bình của gia đình bà Nguyễn Thị Hiện có nguy cơ mất trắng

Ruộng rươi rộng 2 sào ngoài bãi đê sông Thái Bình của gia đình bà Nguyễn Thị Hiện có nguy cơ mất trắng

Do nước sông bị ô nhiễm?

Mấy ngày nay, gần như lúc nào bà Nguyễn Thị Hiện ở thôn An Hộ, xã Quang Trung (Tứ Kỳ) cũng có mặt ở ruộng ngoài đê sông Thái Bình khơi rạch, rắc ngô, đỗ tương nghiền nhỏ để tạo thức ăn cho rươi. Khắp mặt ruộng chi chít lỗ rươi nhưng lòng bà Hiện vẫn nóng như lửa đốt. "Trông thì bình thường thế thôi chứ khả năng vụ này sẽ mất trắng", bà Hiện buồn bã nói.

Để chứng minh, bà Hiện lội xuống ruộng, chọn nơi có nhiều lỗ rươi nhất rồi dùng tay xắn một miếng đất ướt, bửa từng miếng nhỏ. Bà phân tích: "Hãy nhìn xem, không có lấy một con rươi nào. Một chỗ đất này như mọi năm đếm không xuể. Lỗ rươi chi chít vậy thôi chứ thực ra chỉ là vết tích mà chúng đã ngoi lên và chết hết rồi".

Một người phụ nữ là hàng xóm với bà Hiện có ruộng rươi ngay cạnh nói xen: "Nhà tôi và kể cả hơn chục hộ có diện tích khai thác rươi ngoài đê ở xã này cũng đang phải đối diện với nguy cơ mất trắng. Quãng trước nước sông vùng này có màu đen, hôi thối lắm. Ruộng ngâm nước bẩn nhiều ngày khiến rươi chết nổi đầy mặt ruộng".

Bà Nguyễn Thị Hiện xắn một miếng đất dưới ruộng nhưng không có dấu hiệu của rươi trong khi mọi năm vào tầm này sắp cho thu hoạch

Bà Nguyễn Thị Hiện xắn một miếng đất dưới ruộng nhưng không có dấu hiệu của rươi trong khi mọi năm vào tầm này sắp cho thu hoạch

Đất ruộng rươi nhà bà Hiện và mấy hộ xung quanh đa phần là màu nâu đen, nhiều chỗ còn xuất hiện cả tảo xanh. Đưa đất lên mũi ngửi thấy có mùi hôi tanh. Trước đây, nhiều lần về vùng này, tôi thấy đất ruộng rươi chuẩn bị đến kỳ thu hoạch thường là màu nâu vàng kết hợp với váng và không có mùi như hiện tại.

Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp xã Quang Trung Nguyễn Văn Bang xác nhận chuyện rươi bị chết hàng loạt như bà con phản ánh là có thật. Ông cho biết sau bão số 3, nước lũ dâng cao gây ngập lụt khắp vùng khai thác rươi ngoài bãi đê sông Thái Bình. Vì xã Quang Trung thuộc khu vực cuối nguồn nên lượng phù sa dồn về lớn, lấp đi khoảng 40% số lỗ rươi. Đất vùng khai thác rươi bị ngâm nước nhiều ngày, rươi cũng khó sống được.

Vùng khai thác rươi ở xã An Thanh cũng đứng trước nguy cơ giảm năng suất do ảnh hưởng của đợt bão lũ lịch sử vừa qua

Vùng khai thác rươi ở xã An Thanh cũng đứng trước nguy cơ giảm năng suất do ảnh hưởng của đợt bão lũ lịch sử vừa qua

Khi được hỏi liệu nguyên nhân rươi chết có phải do nước sông bị ô nhiễm, ông Bang nói: "Cơ quan chức năng chưa có kết quả xét nghiệm thì không thể khẳng định nhưng có khả năng là vậy. Vì diện tích khai thác rươi của xã ở ngoài bãi đê sông Thái Bình còn chịu ảnh hưởng của dòng nước từ sông Cầu Xe chảy ra. Sau lũ, nước con sông này có vẻ bị ô nhiễm do các loại cây xanh, cá... bị chết trôi theo dòng nước".

Xã Quang Trung có gần 66 ha cho khai thác rươi hiệu quả. Ngoài diện tích khai thác ngoài đê sông Thái Bình có nguy cơ mất trắng, xã này còn nhiều ruộng khai thác rươi phía trong đê. Tuy nhiên, người dân nơi đây vẫn thấp thỏm, lo âu vì nước tại hệ thống kênh mương nội đồng cũng bị ô nhiễm sau đợt mưa bão vừa qua. "Mọi năm ước thu khoảng 100 kg rươi/sào, năm nay thì không dám nói trước được điều gì", ông Bang cho hay.

Tầm này mọi năm, không ít hộ ở xã An Thanh - một trong những nơi có diện tích khai thác rươi lớn nhất Hải Dương với khoảng 257 ha đang khai thác rươi đầu vụ. Năm nay thì khác, mọi thứ gần như vẫn đang "đóng băng".

Mặt ruộng vùng khai thác rươi ở xã An Thanh chi chít lỗ nhưng xắn đất lên thì gần như không có rươi trưởng thành mà chỉ có lác đác rươi non

Mặt ruộng vùng khai thác rươi ở xã An Thanh chi chít lỗ nhưng xắn đất lên thì gần như không có rươi trưởng thành mà chỉ có lác đác rươi non

Trên thửa ruộng khai thác rươi rộng 4 sào của gia đình ở ngoài bãi đê sông Thái Bình, chị Phạm Thị Thúy ở thôn Thanh Kỳ đang cố gắng làm sạch ruộng, tạo môi trường phát triển cho con rươi sau ảnh hưởng của đợt lũ lịch sử vừa qua. "Khoảng 30% số diện tích của gia đình tôi không có lỗ rươi do lượng phù sa bồi đắp nhiều. Xắn đất ở nhiều vị trí trong ruộng cho thấy không có rươi trưởng thành, chỉ có rươi non nhưng mật độ ít hơn mọi năm", chị Thúy thông tin.

Ông Phạm Xuân Luận, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp xã An Thanh cho biết sau đợt bão lũ vừa qua, vùng khai thác rươi rộng 137 ha ngoài bãi đê sông Thái Bình bị ngập trắng. Ruộng rươi bị ngâm nước lâu ngày nên khả năng rươi trưởng thành đã bị chết. Khoảng 120 ha ruộng khai thác rươi trong đê cũng trong tình trạng tương tự khi bị ảnh hưởng bởi nguồn nước bị ô nhiễm do lá cây, thảm thực vật chết thối kết hợp với nắng nóng gây ra khí độc.

Nhiều diện tích ruộng ở xã An Thanh có dấu hiệu của rươi nhưng mật độ ít hơn nhiều so với năm ngoái và khả năng cao thời gian thu hoạch rươi chính vụ sẽ phải lùi lại tận tháng 10 âm lịch

Nhiều diện tích ruộng ở xã An Thanh có dấu hiệu của rươi nhưng mật độ ít hơn nhiều so với năm ngoái và khả năng cao thời gian thu hoạch rươi chính vụ sẽ phải lùi lại tận tháng 10 âm lịch

Ông Luận nhận định: "Theo kinh nghiệm của tôi, khả năng việc thu hoạch rươi chính vụ năm nay sẽ bị đẩy lùi sang tháng 10 âm lịch trở đi. Năng suất rươi ước giảm ít nhất 20-30% so với năm ngoái".

Làm sạch ruộng để hạn chế thất thu

Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp xã An Thanh hướng dẫn nông dân khơi rạch, vệ sinh ruộng khai thác rươi

Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp xã An Thanh hướng dẫn nông dân khơi rạch, vệ sinh ruộng khai thác rươi

Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tứ Kỳ Nguyễn Anh Tuấn cho biết không chỉ 2 xã Quang Trung và An Thanh, những xã còn lại trong huyện có diện tích khai thác rươi như Chí Minh, Tứ Xuyên, Nguyên Giáp, Hà Thanh đều bị ảnh hưởng do mưa lũ. Diện tích ngoài đê do bị ngâm nước nhiều ngày nên rươi trưởng thành bị chết và lượng phù sa bồi lấp một tỷ lệ đáng kể lỗ rươi. Diện tích trong đồng, nguồn nước bị ô nhiễm do cây xanh, thảm thực vật chết thối nên cũng đe dọa tới sự sinh trưởng, năng suất của rươi vụ này. Hiện các hộ dân đang làm mọi cách để vớt vát phần nào.

Một nông dân xã Quang Trung rắc ngô, đỗ tương tạo thức ăn cho rươi

Một nông dân xã Quang Trung rắc ngô, đỗ tương tạo thức ăn cho rươi

Hầu hết các hộ dân có diện tích khai thác rươi ở huyện Tứ Kỳ đã tích cực dọn vệ sinh, đánh rạch nhằm giải thoát nước ứ đọng sau lũ. Họ thường xuyên bơm nước vào ruộng để thau rửa, làm sạch ruộng nhằm giúp rươi có điều kiện sinh sôi, phát triển thuận lợi...

Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp xã Quang Trung liên tục mở cống lấy nước từ sông ngoài vào trong đồng, tạo thuận lợi cho bà con thau rửa nước ô nhiễm trên ruộng. Nhiều hộ nghiền ngô, đỗ tương rắc xuống ruộng để tạo thức ăn cho rươi.

Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp xã Quang Trung mở cống lấy nước từ sông Thái Bình vào trong đồng phục vụ nông dân thau rửa ruộng khai thác rươi

Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp xã Quang Trung mở cống lấy nước từ sông Thái Bình vào trong đồng phục vụ nông dân thau rửa ruộng khai thác rươi

Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp xã An Thanh khuyến cáo: "Bà con cần thau rửa thật sạch ruộng trước khi tạo thức ăn cho rươi. Nếu ruộng chưa được làm sạch, trong đất vẫn còn tồn dư của nước nghi bị ô nhiễm mà đã rắc ngô, đỗ tương thì khi những thức ăn này phân hủy sẽ càng làm cho các loại khí độc phát sinh nhiều hơn. Cần kiểm tra kỹ và chỉ tạo thức ăn cho những ruộng có rươi đang sinh sôi để tránh lãng phí".

BÌNH MINH

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/nong-dan-tu-ky-lo-mat-mua-ruoi-395278.html