Nông dân từ vỡ nợ đến trở thành tỷ phú nhờ trồng tre lục trúc lấy măng
Ở Tân Yên (Bắc Giang), khi hỏi thăm bà Dương Thị Luyện thì nhiều người biết rõ, bởi đây là vị Giám đốc HTX đã 'hồi sinh' cây tre lục trúc, từ đó nhân rộng mô hình cho hiệu quả kinh tế cao và giúp nhiều bà con nông dân có cuộc sống ấm no.
Tre lục trúc có nguồn gốc từ Trung Quốc và Ấn Độ. Loài cây này ưa khí hậu nhiệt đới, đất ẩm, tốc độ phát triển nhanh, nhân giống bằng hom thân. Khoảng 5 năm nay, tre lục trúc đã bén rễ xanh tươi tại nhiều khu vườn bãi của Tân Yên, cho người trồng những củ măng thơm ngon, giòn ngọt.
Đi lên từ "hai bàn tay trắng"
Trong vườn tre lục trúc, bà Dương Thị Luyện ở thôn Trại Mới, xã Ngọc Châu chia sẻ, bắt đầu từ năm 1995, Bộ NN&PTNT triển khai một dự án trồng thử nghiệm loại măng tre lục trúc tại địa bàn xã nhằm xóa đói, giảm nghèo và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân. Tuy nhiên, được một thời gian ngắn thì dự án gần như bị chìm vào quên lãng.
“Từ năm 2017, gia đình tôi bắt đầu chăn nuôi lợn thì bị dịch bệnh, dẫn đến cảnh thua lỗ trắng tay, nợ gần 4 tỷ đồng. Tưởng chừng như gục ngã trước số phận, phải chuyển nghề sang đi chợ buôn măng, rau để kiếm sống qua ngày thì tôi nhận thấy thị trường tiềm năng của cây măng lục trúc nên bắt đầu tìm tòi nghiên cứu, trồng thử nghiệm mang lại hiệu quả kinh tế cao nên tôi quyết định đầu tư ban đầu với hơn 200 gốc”, bà Luyện kể.
Loài tre vốn dễ trồng, khi về nơi này nhờ hợp chất đất, khí hậu nên nhanh cho ra lứa măng đầu tiên. Vụ đó, gia đình bà Luyện thu về hơn 100 triệu đồng. Phấn khởi, bà cùng em trai tiếp tục cải tạo vườn bãi, trồng hơn 1.000 gốc; đồng thời mày mò nghiên cứu, rút kinh nghiệm chọn lựa cây giống, trồng, chăm sóc và thu hoạch măng sao cho đạt sản lượng và chất lượng cao.
Để quảng bá, phát triển, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, năm 2018, được sự hỗ trợ của cơ quan chuyên môn, bà Luyện đứng ra vận động thành lập HTX Măng lục trúc Lâm Sinh Ngọc Châu với 8 thành viên, trồng hơn 20 ha trong toàn xã.
Măng tre lục trúc hoàn toàn sạch và thơm, giòn, ngon, ngọt nhẹ, có nhiều cách chế biến như làm nộm, luộc, xào, thậm chí có thể ăn sống được nên thị trường cho loại sản phẩm này khá rộng. Trung bình mỗi khóm tre lục trúc cho từ 10 - 15 kg măng. Mùa thu hoạch măng tre lục trúc kéo dài hơn 6 tháng, từ tháng 3 đến tháng 9 âm lịch.
Vào mùa thu hoạch, trung bình mỗi ngày bà Luyện thu được 5 - 7 tạ măng tre. Măng tre thu tới đâu, bà giao cho nhà hàng và thương lái buôn là 50.000 đồng/kg măng tươi chưa bóc, 70.000 - 80.000 đồng/kg măng tươi đã bóc, đạt thu nhập từ 3 - 5 triệu đồng/ngày.
Từ khi đi vào hoạt động, HTX Măng lục trúc Lâm Sinh Ngọc Châu luôn quan tâm, nhân rộng mô hình trồng tre lục trúc lấy măng và bao tiêu cho bà con nông dân từ cây tre giống đến sản phẩm măng, cũng như việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc.
Nhiều nông dân đổi đời
Anh Nguyễn Anh Tú (39 tuổi), ở xã Đại Hóa, huyện Tân Yên cho biết, mấy năm nay, kinh tế gia đình anh phất lên từ măng lục trúc. Trước đây, anh làm thợ mộc nhưng thị trường tiêu thụ ngày càng giảm sút nên thu nhập từ nghề thợ mộc chẳng được bao nhiêu. Qua bạn bè, anh biết đến loại măng lục trúc ở xã Ngọc Châu cho giá trị kinh tế cao. Anh tìm đến HTX Măng lục trúc Lâm Sinh Ngọc Châu để học hỏi cách làm. Anh được Giám đốc HTX Dương Thị Luyện chỉ bảo tận tình cách trồng tre lục trúc và bao tiêu sản phẩm. Năm 2019, anh trồng tre lục trúc để lấy măng, với diện tích 3ha.
Một năm sau, tre lục trúc cho thu hoạch măng. “Tôi có lãi khoảng 800 triệu đồng/ha từ măng lục trúc. Trừ mọi chi phí, với diện tích 3ha trồng tre lục trúc lấy măng, tôi lãi 2,4 tỷ đồng/năm. Hiện, tôi đang mở rộng thêm 4ha trồng tre lục trúc”, anh Tú phấn khởi chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Thảo, cán bộ khuyến nông cơ sở xã Ngọc Châu cho biết, cây tre lục trúc đã và đang đem lại năng suất cao, nguồn thu nhập tốt cho các hộ dân trên địa bàn xã.
Tuy cây tre lục trúc này đòi hỏi kỹ thuật sản xuất khó hơn nhiều loại cây trồng khác nhưng lại rất thích hợp để trồng tại đây. “Chị Dương Thị Luyện là một tấm gương sáng về tinh thần dám nghĩ, dám làm, biết phát huy tiềm năng lợi thế của quê hương xã Ngọc Châu, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang. Những nỗ lực của chị trong trồng tre lục trúc lấy măng đã đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế của địa phương”, bà Thảo đánh giá.
Nhân rộng mô hình
Hiện tại, HTX Măng lục trúc Lâm Sinh Ngọc Châu đã có hơn 28 thành viên tham gia với diện tích gần 100 ha trồng tre lục trúc, trong đó có 50 ha đang cho thu hoạch măng năm thứ 3, diện tích còn lại sẽ cho thu hoạch từ năm sau.
Giám đốc Dương Thị Luyện cho biết thêm, sản phẩm măng lục trúc của HTX được chế biến ra 3 loại sản phẩm chính gồm: Măng tươi, măng khô, măng ngâm ớt. Hiện, giá bán măng tươi thành phẩm 120 nghìn đồng/kg, măng khô 2,5 triệu đồng/kg, măng ngâm ớt 100 nghìn đồng/hộp 2kg.
Mỗi năm, HTX tiêu thụ hàng trăm tấn măng tươi, doanh thu hàng chục tỷ đồng. Riêng năm 2022, HTX thu hoạch hơn 800 tấn măng tươi, trị giá 28 tỷ đồng; xuất tại vườn 50 nghìn gốc tre giống, mang lại lợi nhuận khá. Sản phẩm được cung cấp rộng rãi cho người tiêu dùng trong tỉnh và các tỉnh, thành phố khác như: Hà Nội, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Hải Dương, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh…
Theo ông Ngô Quốc Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Yên, măng lục trúc mang lại giá trị kinh tế cao, trở thành mặt hàng nông nghiệp quan trọng của huyện.
Nhận thấy sản phẩm măng lục trúc có giá trị kinh tế rất cao, cho thu nhập ổn định, lâu dài, huyện Tân Yên đang định hướng mở rộng phát triển tre lục trúc theo hướng liên kết chuỗi.
Đây sẽ là hướng đi bền vững để mở rộng vùng trồng măng đạt tiêu chuẩn hữu cơ, cung cấp thêm các sản phẩm nông sản sạch từ thiên nhiên mang thương hiệu “made in Việt Nam” đến tay người tiêu dùng. Đồng thời, măng lục trúc là sản phẩm chủ lực, đặc trưng của địa phương góp phần phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn, góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo.
Trong những năm gần đây, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm bình quân gần 2%/năm. Đặc biệt, việc phát triển các mô hình sản xuất hiệu quả sẽ giúp huyện Tân Yên đạt mục tiêu thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, nhanh, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo mới; giảm dần khoảng cách giàu nghèo giữa địa phương; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản, nâng cao chất lượng cuộc sống. Mục tiêu cụ thể góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo cả huyện bình quân 1 - 1,2%/năm theo chuẩn nghèo đa chiều của quốc gia giai đoạn 2021 - 2025....
Cụ thể, Tân Yên phấn đấu đến năm 2025 giảm khoảng 4.125 hộ nghèo và hộ cận nghèo so với đầu kỳ theo chuẩn nghèo đa chiều của quốc gia. Hỗ trợ xây dựng, nhân rộng trên 5 - 6 mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo sinh kế, việc làm, thu nhập bền vững cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.