Nông dân vùng sâu Đắk Lắk đổi đời nhờ cây dứa

Nhờ chuyển đổi cây trồng phù hợp điều kiện tự nhiên, nhiều nông dân ở huyện vùng sâu Đắk Lắk vươn lên làm giàu với thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Nông dân xã Cư Đrăm thu hoạch dứa niên vụ 2023-2024. (Ảnh: HTX)

Nông dân xã Cư Đrăm thu hoạch dứa niên vụ 2023-2024. (Ảnh: HTX)

Dứa - cây chủ lực thoát nghèo

Cư Đrăm là xã vùng sâu, có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn của huyện Krông Bông (tỉnh Đắk Lắk).

Với kiểu địa hình đặc trưng của cao nguyên Trung bộ, bị chia cắt khá phức tạp bởi đồi núi, sông suối. Độ cao trung bình trên 1.018m so với mặt nước biển, trong đó độ cao lớn nhất khoảng 1.572m và thấp nhất khoảng 465m.

 Nhiều hộ nông dân ở xã vùng sâu Cư Đrăm thoát nghèo nhờ cây dứa. (Ảnh: TT)

Nhiều hộ nông dân ở xã vùng sâu Cư Đrăm thoát nghèo nhờ cây dứa. (Ảnh: TT)

Theo ông Trần Đức Sơn - Phó Chủ tịch UBND xã, dân số toàn xã hiện có 2.229 hộ với 10.647 nhân khẩu. Có 14 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó hộ dân tộc thiểu số tại chỗ (Ê đê, M' Nông) là 1.615 hộ với 8.446 khẩu (chiếm 72,54%). Số hộ nghèo của xã là 923 hộ với 4.522 khẩu (chiếm 41,41%).

Toàn xã có 12 thôn, buôn (có 5 buôn đồng bào dân tộc thiểu số) với tổng diện tích tự nhiên 16.067 ha. Trong đó đất sản xuất nông nghiệp 5.820 ha.

"Là một xã thuần nông, kinh tế chủ yếu nhờ vào phát triển nông nghiệp. Tuy nhiên, điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng không phù hợp với cây công nghiệp lâu năm. Qua khảo sát, thử nghiệm thực tiễn hơn 5 năm, xã xác định, dứa là cây trồng chủ lực, giúp người dân thoát nghèo bền vững", ông Sơn nói.

 Ông Lê Văn Văn Long - Chủ tịch UBND huyện Krông Bông phát biểu tại Hội chợ trưng bày sản phẩm nông nghiệp huyện năm 2024. (Ảnh: CTV)

Ông Lê Văn Văn Long - Chủ tịch UBND huyện Krông Bông phát biểu tại Hội chợ trưng bày sản phẩm nông nghiệp huyện năm 2024. (Ảnh: CTV)

Trong khi đó, ông Lê Văn Văn Long - Chủ tịch UBND huyện Krông Bông vui mừng cho biết: "Địa phương vừa ký kết hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm dứa với Công ty Cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Doveco). Cụ thể, Doveco sẽ thu mua và bao tiêu toàn bộ sản lượng dứa trên địa bàn với mức giá bảo hiểm cao nhất là 15.000 đồng/quả".

Để cây dứa phát triển bền vững và mang lại hiệu quả kinh tế cao, Chủ tịch UBND huyện Krông Bông cho biết thêm, đang tích cực triển khai các giải pháp nhằm mở rộng quy mô vùng trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn với thị trường tiêu thụ.

Định hướng của huyện, tiếp tục phát triển diện tích trồng dứa ở những vùng đất phù hợp, chủ yếu là xã Cư Đrăm nơi chiếm hơn 82% diện tích dứa của cả huyện. Mục tiêu trong năm 2024 và 2025 trồng thêm gần 330 ha.

 Liên kết với các công ty chuyên sản xuất sản phẩm chất lượng cao giúp ổn định đầu ra cho cây dứa. (Ảnh: TT)

Liên kết với các công ty chuyên sản xuất sản phẩm chất lượng cao giúp ổn định đầu ra cho cây dứa. (Ảnh: TT)

Đổi đời nhờ dứa

Theo thống kê, hiện nay, tổng diện tích trồng dứa trên địa bàn xã Cư Đrăm là hơn 1.768 ha. Chủ yếu là dứa Cayen, đây là giống dứa trái to, nhiều mật cho năng suất cao. Mỗi ha dứa cho thu nhập từ 25 – 30 tấn, tính trừ chi phí hộ dân có thu nhập từ 100 – 150 triệu đồng/1 ha.

 Cây dứa đã giúp nhiều hộ nông dân ở Cư Đrăm đổi đời. (Ảnh: TT)

Cây dứa đã giúp nhiều hộ nông dân ở Cư Đrăm đổi đời. (Ảnh: TT)

"Từ năm 2015 đã có nhiều hộ dân mạnh dạn chuyển từ diện tích cây lâu năm không có hiệu quả sang trồng dứa và đã cho hiệu quả cao. Đặc biệt từ năm 2017 sau cơn bão số 12 làm ảnh hưởng rất nhiều diện tích cây trồng của bà con nhân dân như: cà phê, hồ tiêu và cây ăn quả. Từ đây, người dân đã đẩy mạnh việc đầu tư vào cây dứa giúp thu nhập ngày một khấm khá, nhiều hộ có thu nhập cả tỷ đồng/1 năm", ông Sơn nói.

Chị Trần Thị Len - Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) dứa Cư Đrăm không giấu được niềm vui sướng khi 10/10 thành viên đều có thu nhập hàng trăm triệu đồng từ khi chuyển sang trồng dứa.

Theo lời chị Len, cách đây hàng chục năm, bà con thôn 1 và 2 cũng đã "đánh bạc" với cây hồ tiêu, cà phê ... nhưng nhiều hộ đã trắng tay vì cây chết hoặc năng suất quá thấp do không phù hợp thổ nhưỡng, thời tiết.

 Việc bán chồi giống cũng giúp người dân tăng thêm thu nhập. (Ảnh: TT)

Việc bán chồi giống cũng giúp người dân tăng thêm thu nhập. (Ảnh: TT)

"Hiện nay HTX mới có 10 thành viên vì đầu ra chưa ổn định. Tuy nhiên, sau khi huyện, xã ký kết hợp tác liên kết với các đối tác bao tiêu sản phẩm, HTX sẽ đẩy mạnh việc tổ chức sản xuất theo hướng bền vững bằng cam kết rõ ràng hơn", chị Len nói.

Theo ông Trần Đức Sơn, chị Len là Chủ nhiệm HTX đồng thời là một hộ sản xuất giỏi ở thôn 2.

Hiện nay, gia đình chị Len có 10 ha dứa, thu nhập mỗi năm gần 1 tỷ đồng. Nếu tính trừ hết chi phí sản xuất, nhân công... thì mỗi năm gia đình chị cũng thu nhập trên 700 triệu đồng.

Theo thống kê của UBND xã Cư Đrăm, chỉ riêng thôn 2 đã có tới 20 hộ có thu nhập trên 100 triệu đồng. Trong đó, hộ ông Nguyễn Văn Hùng và ông Lê Văn Thắm trở thành đầu tàu với thu nhập trên 1,5 tỷ đồng/1 năm.

Theo ông Nguyễn Văn Hùng, gia đình có hơn 30 ha nhưng mới chỉ trồng 20 ha dứa. Niên vụ 2024-2025 tới đây, chỉ riêng tiền bán chồi giống (phần mọc dưới cuống quả - PV), gia đình ông có thể thu về hàng trăm triệu đồng.

Ghi nhận thực tế cho thấy, hiện nay nhiều nông dân ở Lâm Đồng, Đắk Nông đã tìm đến xã Cư Đrăm để mua giống với giá dao động từ 1.000 - 1.500 đồng/1 chồi.

"Nếu để dứa ra quả tự nhiên, mỗi cây cho 6-7 chồi, bình quân mỗi ha dứa, người dân có thể thu nhập hàng trăm triệu đồng từ tiền bán chồi giống", chị Len chia sẻ.

Chị Len cũng đồng thời khuyến cáo, thực tế người trồng dứa vẫn còn đối mặt với nhiều nỗi lo như: giá cả bấp bênh, đầu ra không ổn định, thị trường tiêu thụ dứa vẫn phụ thuộc vào thương lái… Vì vậy, việc liên kết theo mô hình HTX với sự bao tiêu sản phẩm sẽ là ưu tiên để phát triển bền vững cho vùng nguyên liệu dứa Cư Đrăm.

Thành Tâm

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nong-dan-vung-sau-dak-lak-doi-doi-nho-cay-dua-post693400.html