Thị xã Việt Yên: Phát triển làng nghề, nâng cao thu nhập cho người dân

Đi đầu về phát triển sản xuất công nghiệp song thị xã Việt Yên vẫn duy trì một số làng nghề truyền thống nhằm tạo việc làm, thu nhập tại chỗ cho người dân. Bên cạnh đó, thị xã cũng rà soát, đưa một số làng nghề bị mai một khỏi danh sách công nhận làng nghề của địa phương.

Dịp này, thời tiết có nhiều ngày nắng nên gia đình ông Trịnh Xuân Kiến, thôn Thổ Hà, xã Vân Hà tranh thủ dậy từ sáng sớm tráng bánh đa nem. Từ nồi tráng bốc hơi ngùn ngụt, những tấm bánh dài được trải lên chiếc phên nứa, sau đó mang ra phơi ở khu nhà văn hóa của thôn. Ông Kiến nói: “Dịp này có nắng to nên chỉ phơi trong thời gian ngắn phải thu vào, nếu không kịp, để lâu bánh sẽ bị giòn, không còn dai nữa”. Theo ông Kiến, ông làm bánh đa nem đến nay đã được hơn 20 năm. Mỗi ngày gia đình làm khoảng 1 nghìn chiếc bánh, trừ chi phí lãi khoảng 400 nghìn đồng. Bánh làm ngày nào thương nhân thu mua hết ngày đó, vì thế, tầm 9 giờ sáng nhiều khách muốn mua mà ông Kiến đã hết hàng.

 Nhờ làm bánh đa nem, nhiều hộ dân thôn Thổ Hà có nguồn thu nhập ổn định.

Nhờ làm bánh đa nem, nhiều hộ dân thôn Thổ Hà có nguồn thu nhập ổn định.

Cùng với gia đình ông Kiến, hiện thôn Thổ Hà có hơn 32% tổng số hộ với khoảng 800 lao động làm bánh đa nem, ngoài ra còn làm bánh đa nướng. Sản phẩm nơi đây đã nổi tiếng trong cả nước, được người tiêu dùng ưa chuộng. Dịp Tết, nhiều thời điểm làng nghề “cháy hàng”, không đáp ứng đủ nhu cầu của khách. Tương tự, làng nghề Yên Viên, xã Vân Hà hiện sản xuất bánh đa nem và nấu rượu với 236/1.139 hộ làm nghề, đạt tỷ lệ 20,72%. Một số sản phẩm rượu Vân như: Nếp cái hoa vàng, rượu hoa cúc tửu, rượu nếp ngâm hạ thổ (Hợp tác xã Vân Hương, xã Vân Hà, thị xã Việt Yên) đã được công nhận OCOP 4 sao. Sản phẩm tiêu thụ thuận lợi.

Được biết, những năm qua, lồng ghép từ các chương trình, thị xã Việt Yên đã đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện cho phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo thêm việc làm, góp phần phát triển KT-XH ở địa phương. Cuộc sống của người dân ngày càng cải thiện.

Đặc biệt, trước thực trạng đường vào làng nghề chật hẹp, thị xã Việt Yên đã đầu tư một tuyến đường nối từ xã Tiên Sơn với thôn Thổ Hà mà không phải qua thôn Yên Viên, xã Vân Hà, qua đó tạo điều kiện thông thương hàng hóa, giao thông thuận lợi hơn. Chị Đặng Thị Thắng, tiểu thương bán hàng ở chợ Quán Thành (TP Bắc Giang) cho biết: “Khi có con đường mới tôi còn dám lái xe về Thổ Hà nhập hàng, chứ đi đường từ Yên Viên sang nhiều hôm bị tắc, mãi không thoát được. Bởi lẽ đường cũ chỉ đủ cho xe máy, xe đạp đi ngược chiều tránh nhau”.

 Cơ sở sản xuất Rượu làng Vân ông Trụ, thôn Yên Viên, xã Vân Hà.

Cơ sở sản xuất Rượu làng Vân ông Trụ, thôn Yên Viên, xã Vân Hà.

Để có định hướng phát triển làng nghề truyền thống, vừa qua, đơn vị chức năng của thị xã Việt Yên phối hợp với Chi cục PTNT (Sở Nông nghiệp và PTNT) kiểm tra, rà soát tình hình hoạt động của các làng nghề. Qua thực tế cho thấy, người theo nghề chủ yếu là lao động trung niên và cao tuổi, sản xuất thủ công kết hợp với máy móc; thị trường tiêu thụ sản phẩm đa phần vẫn ở trong nước.

5 làng nghề của thị xã dần bị mai một, ít lao động tham gia như: Làng nghề Nguyệt Đức, xã Vân Hà chuyên vận tải thủy nội địa còn 25/185 hộ làm nghề; làng nghề Bẩy, phường Tăng Tiến sản xuất mây tre đan còn 102/688 hộ theo nghề, tỷ lệ 14,83%; làng nghề Chằm, phường Tăng Tiến sản xuất mây tre đan, có 25/129 hộ (9,3% số hộ) theo nghề, thu nhập chỉ đạt 2 triệu đồng/người/tháng; làng nghề Chùa và Phúc Long, phường Tăng Tiến còn khoảng 5% hộ theo nghề.

2/7 làng nghề là Thổ Hà và Yên Viên có đông hộ, lao động theo nghề và hoạt động hiệu quả; 5/7 làng nghề dần bị mai một, ít lao động tham gia như: Làng nghề Nguyệt Đức, xã Vân Hà chuyên vận tải thủy nội địa còn 25/185 hộ làm nghề; làng nghề Bẩy, phường Tăng Tiến, sản xuất mây tre đan còn 102/688 hộ theo nghề, tỷ lệ 14,83%; làng nghề Chằm, phường Tăng Tiến sản xuất mây tre đan, có 25/129 hộ (9,3% số hộ) theo nghề, thu nhập chỉ đạt 2 triệu đồng/người/tháng; làng nghề Chùa và làng nghề Phúc Long, phường Tăng Tiến còn khoảng 5% hộ theo nghề.

Tại Điều 5, Nghị định số 52/2018/NĐ-CP ngày 12/4/2018 của Chính phủ quy định các tiêu chí công nhận làng nghề, làng nghề truyền thống, trong đó có tiêu chí tối thiểu 20% tổng số hộ trên địa bàn tham gia một trong các hoạt động hoặc các hoạt động ngành nghề nông thôn. Đối chiếu với quy định này thì 5 làng nghề hoạt động vận tải và sản xuất mây tre đan không đạt tiêu chí. Dự báo, thời gian tới, do trên địa bàn phát triển mạnh công nghiệp, thương mại dịch vụ nên rất khó tăng số hộ làm nghề để đạt được tiêu chí có tối thiểu 20% tổng số hộ trên địa bàn tham gia một trong các hoạt động hoặc các hoạt động ngành nghề nông thôn.

Từ thực trạng nêu trên và căn cứ theo quy định pháp luật, UBND thị xã Việt Yên đề nghị UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Giang xem xét cho thu hồi bằng công nhận làng nghề, làng nghề truyền thống. Những làng nghề phát triển, ổn định sản xuất, kinh doanh, thị xã tiếp tục quan tâm, hỗ trợ, thúc đẩy ngày càng phát triển.

Bài, ảnh: Trường Sơn

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/thi-xa-viet-yen-phat-trien-lang-nghe-nang-cao-thu-nhap-cho-nguoi-dan-143422.bbg