Nông dân vùng ven biển phát triển nuôi hàu
Vừa qua, Sở Khoa học và Công nghệ Trà Vinh nghiệm thu đề tài 'Đánh giá khả năng phát triển của hàu Thái Bình Dương và xây dựng mô hình nuôi thương phẩm tại vùng cửa sông tỉnh Trà Vinh' do TS. Trần Văn Phước (Trường Đại học Nha Trang) và các thành viên tham gia nghiên và thực hiện đề tài.

Tiến sĩ Trần Văn Phước (Trường Đại học Nha Trang) kiểm tra phát triển của hàu Thái Bình Dương trong đề tài thực nuôi trên sông Long Toàn.
Qua triển khai nuôi thử nghiệm trên tuyến sông Long Toàn tại 03 hộ dân ở thị xã Duyên Hải; cho thấy tỷ lệ sống của hàu Thái Bình Dương dao động từ 50 - 71%, năng suất nuôi đạt 6,61kg/m2. Đặc biệt, hàu Thái Bình Dương có chất lượng và khả năng thích nghi vượt trội so với hàu bản địa.
Theo tiến sĩ Trần Văn Phước, bên cạnh kết quả đạt được; các nhóm trong nghiên cứu còn tổ chức tập huấn kỹ thuật cho 47 người dân và tổ chức một hội thảo tổng kết mô hình về nuôi hàu. Hình thức nuôi hàu bằng rổ nhựa ưu thế hơn so với nuôi hàu bằng dây treo giá thể, từ tháng nuôi thứ 06 hàu đã có khả năng chống chịu trước các sinh vật địch hại và đến tháng thứ 10, có thể tiến hành thu tỉa hàu khi đã đạt kích thước thương phẩm.
Trên cơ sở đó xây dựng mô hình nuôi thương phẩm, hướng đến mục tiêu nâng cao hiệu quả kinh tế cho người nuôi, đồng thời góp phần phát triển nghề nuôi loài thủy sản mới có giá trị thương mại tại vùng cửa sông của tỉnh Trà Vinh.
Hiện diện tích nuôi hàu trên các cửa sông, ven biển đang phát triển mạnh; trên địa bàn thị xã Duyên Hải hiện có 77 hộ và 01 doanh nghiệp nuôi diện tích trên 100ha (tương đương trên 10 triệu giá thể) tập trung ở Cồn Vượt thuộc xã Hiệp Thạnh, sông Long Toàn, sông Ba Động và huyện Duyên Hải có 17 hộ nuôi hàu treo giàn trên sông, diện tích bè 10.813m2…