Nông dân vượt khó giữa đại dịch
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều mặt hàng nông sản gặp không ít khó khăn về đầu ra. Tuy nhiên, trong gian khó, nhiều nông dân của tỉnh đã chủ động đưa ra các giải pháp linh hoạt, điều tiết sự phát triển, cũng như sản lượng nông sản nhằm duy trì sản xuất, từng bước thích nghi với thị trường mùa dịch.
“Thay vì để xảy ra tình trạng đứt, gãy sản xuất, gia đình tôi điều chỉnh sản lượng nấm giảm một nửa so với trước thời điểm dịch. Điều này giúp gia đình không chỉ chủ động đầu ra mà còn duy trì được sản xuất, đảm bảo việc làm cho người lao động” - chị Lê Thị Thúy Oanh, chủ trang trại nấm bào ngư, thôn 10, xã Thiện Hưng (huyện Bù Đốp) cho biết.
“Bắt” phôi nấm nảy mầm theo thị trường
Trái ngược với hình ảnh nhiều công ty, xí nghiệp phải đóng cửa vì dịch Covid-19, trại nấm bào ngư với trên 300 ngàn bịch phôi của gia đình chị Lê Thị Thúy Oanh vẫn duy trì hoạt động, sản xuất bình thường.
Chị Oanh cho biết, thời điểm các tỉnh, thành chưa thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg, với trên 300 ngàn phôi, trung bình mỗi ngày chị thu về trên 250kg nấm. Tính ra gia đình chị xuất ra thị trường gần 100 tấn mỗi năm. Với giá bán dao động 40 ngàn đồng/kg, mỗi năm gia đình chị thu về gần 4 tỷ đồng chưa trừ các khoản chi phí.
Dịch Covid-19 bùng phát, chợ đầu mối tại TP. Hồ Chí Minh đóng cửa, các đối tác làm ăn lớn không thể thu mua, đầu ra của sản phẩm bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Do đó, chị Oanh đã phải điều chỉnh sản lượng nấm cho phù hợp với nhu cầu của thị trường.
“Hiện gia đình vẫn duy trì sản xuất, tiếp tục làm phôi để mở rộng trang trại. Tuy nhiên, về sản lượng, chúng tôi điều tiết bằng cách, yêu cầu công nhân thường xuyên kiểm tra, theo dõi, kịp thời nắm bắt sự phát triển của nấm để có hướng xử lý. Đồng thời, bịt hết các đầu ra của phôi nấm để tránh sản phẩm dư thừa, không có nơi tiêu thụ” - chị Oanh chia sẻ. Tuy nhiên, theo chị Oanh, đây chỉ là giải pháp trước mắt để cầm cự vượt qua giai đoạn khó khăn của dịch bệnh. Về lâu dài, việc bịt các phôi sẽ phần nào ảnh hưởng đến chất lượng, sản lượng và quá trình phát triển của nấm.
“Hiện mỗi ngày gia đình chỉ duy trì sản lượng ở mức 100kg, tức giảm hơn một nửa so với thời điểm trước khi dịch bệnh bùng phát. Số nấm này chúng tôi phân phối tại các chợ trên địa bàn huyện, hoặc bán trực tiếp cho người dân địa phương nếu có nhu cầu” - chị Oanh cho biết thêm.
Duy trì sản xuất vì mình, vì mọi người
Thay vì tạm dừng sản xuất, với việc điều tiết sản lượng nấm, gia đình chị Oanh có thể chủ động được đầu ra cho sản phẩm. Điều này không chỉ giúp gia đình chị duy trì nguồn thu để tái sản xuất sau dịch, mà còn tạo việc làm cho lao động địa phương.
Làm việc tại trại nấm từ năm 2018, bà Trần Thị Thanh Trúc, ngụ thôn 10, xã Thiện Hưng cho biết: “Bản thân tuổi đã cao, chỉ thích hợp làm những công việc nhẹ nhàng không đòi hỏi nhiều về sức khỏe. Làm ở đây mỗi tháng tôi thu nhập xấp xỉ 5 triệu đồng, công việc chủ yếu vệ sinh phôi, chăm sóc và thu hoạch nấm. Dịch bệnh thế này có việc làm là tốt rồi. Ở đây còn được gần nhà, làm công việc phù hợp với sức khỏe nên tôi rất vui”.
Cũng gắn bó với trại nấm đã 4 năm, ông Danh Hiền ngụ cùng thôn 10 chia sẻ: “Công việc ở đây khá nhẹ nhàng, ngày nào cũng có việc. Làm đủ 8 tiếng đồng hồ tôi được trả 160 ngàn đồng. Bình thường, mỗi ngày tôi thu khoảng 70kg nấm. Hai tuần nay do ảnh hưởng của dịch, khó khăn về đầu ra, mỗi ngày tôi chỉ thu khoảng 30kg. Dù công việc có giảm nhưng thu nhập của tôi vẫn ổn định như trước”.
Chị Oanh cho biết, có thời điểm trại nấm của gia đình giải quyết việc làm cho trên 15 lao động thời vụ và 5 lao động thường xuyên với mức lương trung bình 5 triệu đồng/người/tháng. Dịch Covid-19 xảy ra, dù ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn thu nhưng gia đình vẫn cố gắng tìm đầu ra để duy trì sản xuất, tạo việc làm cho người lao động.
“Mỗi ngày mình dành khoảng 10kg nấm để hỗ trợ bếp ăn từ thiện và “Gian hàng 0 đồng” trên địa bàn huyện. Ngoài ra, mình cũng giảm giá bán từ 40 ngàn đồng/kg trước đây, xuống còn 30 ngàn đồng/kg để cùng chung tay với chính quyền địa phương và người dân vượt qua giai đoạn khó khăn này” - chị Lê Thị Thúy Oanh chia sẻ
“Lao động tại trại nấm phần lớn là người lớn tuổi, vườn rẫy ít, thu nhập chủ yếu trông chờ vào đồng lương. Nếu mình không cố gắng duy trì sản xuất, hoặc cắt giảm lương sẽ ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của họ. Bản thân tôi sinh ra và lớn lên ở vùng nông thôn nên rất hiểu điều này” - chị Oanh cho hay.
Không chỉ tạo việc làm cho lao động địa phương, trước những khó khăn do dịch bệnh gây ra, đặc biệt từ khi Bình Phước thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, chị Oanh và gia đình đã ủng hộ trên 100kg nấm cho các bếp ăn từ thiện, “Gian hàng 0 đồng” trên địa bàn huyện.
Bằng việc chủ động điều tiết sản lượng, đến thời điểm này trại nấm bào ngư của gia đình chị Oanh vẫn trụ vững giữa đại dịch. Đây có thể là kinh nghiệm quý cho nhà nông trong việc tính toán sản xuất, kinh doanh; điều chỉnh thời vụ, sản lượng, nguyên liệu cho phù hợp với thị trường để tránh thiệt hại do dịch bệnh Covid-19 gây ra.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/125971/nong-dan-vuot-kho-giua-dai-dich