Nông dân xã Hòa Đồng với nhiều mô hình kinh tế hiệu quả
Mô hình nuôi vịt trời thương phẩm mang lại lợi nhuận cao cho nông dân. Ảnh: NGỌC HÂN
Nhiều năm qua, Hội Nông dân xã Hòa Đồng (huyện Tây Hòa) đã tích cực triển khai nhiều mô hình sản xuất, tạo cơ hội cho nông dân mở hướng làm ăn mới có hiệu quả, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, góp phần vào sự phát triển chung của địa phương.
Khẳng định vai trò “bạn nhà nông”
Theo ông Mai Văn Hải, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Đồng, để tạo điều kiện cho hội viên, nông dân làm ăn vươn lên thoát nghèo bền vững, hội đã tập trung phát động nhiều phong trào thi đua, chú trọng đến công tác tuyên truyền, hướng dẫn mọi người chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp với thổ nhưỡng ở địa phương.
Trong năm qua, hội đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh, huyện tổ chức các lớp dạy nghề, tập huấn, chuyển giao KH-CN và triển khai các mô hình sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp như: sản xuất giống nông hộ; sản xuất lúa theo chương trình “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm” và kỹ thuật chăn nuôi bò, heo… giúp hội viên, nông dân nắm bắt và áp dụng vào thực tiễn, nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập.
Bên cạnh đó, hội còn phối hợp với ngành Ngân hàng tổ chức tốt việc tín chấp cho nông dân vay vốn và hướng dẫn sử dụng nguồn vốn đúng mục đích trong sản xuất, kinh doanh. Nhiều hội viên, nông dân sau khi được vay vốn của Ngân hàng NN-PTNT và Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã mạnh dạn đầu tư mở rộng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi của gia đình. Hội đã tín chấp cho hàng ngàn lượt hộ vay vốn với dư nợ hơn 47 tỉ đồng đầu tư phát triển sản xuất chăn nuôi hiệu quả, góp phần cơ bản xóa được hộ đói, giảm được hộ nghèo trên địa bàn xã.
“Ban chấp hành hội xây dựng được 7 CLB nông dân hoạt động mang lại hiệu quả, với tổng số quỹ do nông dân đóng góp trên 650 triệu đồng để hội viên vay phát triển sản xuất; phối hợp với HTX nông nghiệp cấp 1.500kg lúa giống DC6 và 600kg lúa giống ML213 cho nông dân sản xuất; phối hợp Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện triển khai mô hình nuôi cá chình bông thương phẩm trong ao xi măng với tổng mức đầu tư 166 triệu đồng…
Nhờ đầu tư phát triển các mô hình trồng trọt và chăn nuôi phù hợp, đến cuối năm 2019, toàn xã có 809 hộ nông dân đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, chiếm 25% so với tổng số hộ trong xã”, ông Mai Văn Hải cho biết thêm.
Nhiều mô hình làm giàu hiệu quả
Với những cách làm hay, thiết thực trong công tác hội và phong trào nông dân, nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh làm ăn hiệu quả đã được phát huy và nhân rộng.
Một trong những mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao đang được nhiều người dân trên địa bàn xã nhân rộng là mô hình nuôi vịt trời thương phẩm, mỗi hộ nuôi lợi nhuận từ 5-7 triệu đồng/tháng. Ông Đỗ Phụng Trương ở thôn Phú Diễn cho biết: “Sau khi được hội hỗ trợ con giống nuôi vịt trời, nhận thấy đây là mô hình kinh tế tiềm năng và hiệu quả nên tôi đầu tư thêm vốn để xây dựng chuồng trại mở rộng chăn nuôi. Hiện gia đình tôi đã phát triển đàn vịt trời lên 1.000 con thương phẩm và hơn 100 con vịt trời bố mẹ đẻ trứng ấp nở nhân giống. Vịt trời sau khi nuôi trong thời gian hơn 3 tháng được bán với giá từ 180.000-200.000 đồng/kg, lãi cao hơn nuôi vịt thường mà không mất nhiều công chăm sóc, nên nhiều bà con nông dân trong xã đang phát triển mô hình này”.
Nhờ đầu tư phát triển các mô hình trồng trọt và chăn nuôi phù hợp, đến cuối năm 2019, toàn xã có 809 hộ nông dân đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, chiếm 25% so với tổng số hộ trong xã.
Còn gia đình ông Lê Văn Nho và nhiều hộ dân khác ở thôn Vinh Ba nhiều năm trước đây trồng lúa ở vùng trũng nên kém hiệu quả, năm 2017 được hội hỗ trợ giống, kỹ thuật để chuyển đổi sang trồng sen. Sau một năm, các hộ trồng sen không chỉ cho thu nhập khá, mà còn phát triển thêm các loại hình dịch vụ, du lịch xung quanh khu vực trồng sen. “Ruộng sen rực rỡ giữa một vùng đồng quê bát ngát, tôi thấy đẹp nên nghĩ đến việc đầu tư cầu khỉ, chòi canh, trang trí để ruộng sen thêm đẹp. Mỗi khách đến tham quan tôi chỉ thu 10.000 đồng/lượt; đồng thời đầu tư thêm trang phục truyền thống như áo dài, áo bà ba cho khách có nhu cầu thuê để chụp hình... Từ đó tăng thêm thu nhập cho gia đình”, ông Nho phấn khởi nói.
Ngoài gia đình ông Trương, ông Nho…, còn nhiều gia đình hội viên trong xã cũng vươn lên khá giả nhờ sự hỗ trợ nhiệt tình của Hội Nông dân xã và chi hội thôn như: hộ ông Võ Ngọc Tuấn ở thôn Phú Phong với mô hình nuôi rắn hổ trâu; hộ ông Nguyễn Duy Trinh ở thôn Vinh Ba với mô hình nuôi vịt trời thương phẩm.
Với những bước đi mới, nền nông nghiệp của xã Hòa Đồng đang phát triển vững chắc. Trong thời gian tới, ngoài việc nhân rộng những mô hình sản xuất có hiệu quả, hội tiếp tục chủ động phối hợp với các ngành chức năng tìm hiểu, nghiên cứu, tìm ra các mô hình, con giống, cây giống mới có giá trị kinh tế cao để đưa vào sản xuất, giúp nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế gia đình. Đây cũng là việc làm thiết thực góp phần nâng cao vai trò của hội trong việc nâng cao các tiêu chí nông thôn mới ở địa phương”, ông Mai Văn Hải cho biết thêm.