'Nóng' dạy thêm, học thêm, Thường vụ Quốc hội đề nghị Bộ GD&ĐT xem xét để tránh tiêu cực
Trước vấn đề đang thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận là dạy thêm, học thêm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tập hợp dư luận để có điều chỉnh, tránh tiêu cực…
![Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc UBTVQH Nguyễn Thanh Hải phát biểu góp ý tại phiên họp](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_07_106_51419095/bc7deeb5d7fb3ea567ea.jpg)
Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc UBTVQH Nguyễn Thanh Hải phát biểu góp ý tại phiên họp
Sáng nay, 7-2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 1-2025; cho ý kiến đối với một số vấn đề lớn về tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà giáo.
Ở cả 2 nội dung này, qua thảo luận, nhiều ý kiến bày tỏ sự quan tâm đến vấn đề dạy thêm, học thêm. Theo các đại biểu, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) ban hành thông tư về dạy thêm, học thêm đang được dư luận rất chú ý.
Trưởng ban Công tác Đại biểu thuộc UBTVQH Nguyễn Thanh Hải cho rằng, mặc dù Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT ngày 30-12-2024 của Bộ GD&ĐT quy định về dạy thêm, học thêm có những biện pháp “hơi mạnh” nhưng cần thiết để tránh tiêu cực phát sinh.
“Bảo đảm nhu cầu dạy thêm, học thêm chính đáng: Giáo viên giỏi có quyền dạy thêm để có thêm thu nhập, học sinh thiếu hụt về kiến thức hoặc muốn học giỏi hơn nên cần học thêm; nhưng phải tránh xảy ra những tiêu cực gây bức xúc trong xã hội” - bà Nguyễn Thanh Hải nói.
Trưởng Ban Công tác Đại biểu Nguyễn Thanh Hải dẫn lại việc dự thảo Luật Nhà giáo quy định nhiều nội dung liên quan những việc nhà giáo không được làm, trong đó có việc “ép buộc người học tham gia học thêm dưới mọi hình thức”.
“Hành vi cấm là ép buộc người học tham gia học thêm, nhưng nếu người học thêm tự nguyện thì vẫn được?” - bà Hải đặt vấn đề. “Việc ép buộc hay không ép buộc rất khó, vì không ép buộc thì có đơn tự nguyện và phụ huynh cũng phải viết đơn tự nguyện đấy” - bà Hải dẫn chứng thêm, đồng thời chỉ ra, “học sinh có thể không muốn đi học thêm, nhưng nếu không đi lại có khi lại bị phân biệt đối xử”.
Vì vậy, bà Hải đề nghị, cần quy định rõ “tự nguyện nhưng cũng không được thu tiền” để giải quyết triệt để tình trạng dạy thêm trá hình.
![Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn báo cáo tại phiên họp](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_07_106_51419095/9539c0f1f9bf10e149ae.jpg)
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn báo cáo tại phiên họp
Đồng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh so sánh, việc nhà giáo dạy thêm ngoài giờ đúng chuyên môn cũng như thầy thuốc ngoài giờ đi khám bệnh, làm thêm; vấn đề là phải quản lý, tổ chức để tránh trục lợi, tiêu cực.
Theo ông Vinh, nhu cầu học thêm, học tập suốt đời là có thật, và có nhu cầu thì cần có dịch vụ để đáp ứng nhu cầu này. “Chúng tôi có kiến nghị Bộ GD&ĐT nên coi dạy thêm là hoạt động có điều kiện, tổ chức dạy học có nơi, có chỗ, có đăng ký để quản lý chặt chẽ, giảm bớt trục lợi, tiêu cực”- ông Nguyễn Đắc Vinh nói.
Liên quan vấn đề dùng điểm học bạ để xét tuyển, ông Nguyễn Đắc Vinh cho rằng rất dễ phát sinh hiện tượng tiêu cực. Nhiều ý kiến cho rằng nên chú ý kỳ thi tốt nghiệp và thi Đại học, công khai, minh bạch…
Giải trình các ý kiến đại biểu nêu ra về vấn đề dạy thêm, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, tinh thần xây dựng luật hiện nay là không đi vào chi tiết. Bộ sẽ rà soát và các nội dung chi tiết hơn sẽ đưa vào quy định dưới luật. “Như dạy thêm, học thêm có cả một thông tư riêng. Nếu đưa vào chi tiết sẽ khó bao quát hết được" - Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.
Kết luận phiên họp, đối với vấn đề dạy thêm, học thêm, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Bộ GD&ĐT tích cực triển khai thực hiện Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT, đồng thời tập hợp dư luận để có điều chỉnh, chỉ đạo để tránh tiêu cực. “Chúng ta chấp nhận dạy thêm, học thêm nhưng phải quản lý được” - Phó Chủ tịch Quốc hội nói.
Đánh giá cao việc xử lý vi phạm giao thông “không có vùng cấm”
Trước đó, trình bày báo cáo công tác dân nguyện tháng 1 của Quốc hội, Trưởng ban Dân nguyện thuộc UBTVQH Dương Thanh Bình cho biết, trong dịp Tết nguyên đán Ất Tỵ vừa qua, cử tri và nhân dân cả nước đã đón Tết vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm.
Cử tri và nhân dân đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của lực lượng cảnh sát giao thông trong việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Các lực lượng chức năng đã làm xuyên Tết, xuyên đêm, xử lý “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” đối với các hành vi vi phạm, làm tăng ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông đường bộ. Tỷ lệ tai nạn giao thông và số trường hợp vi phạm quy định về nồng độ cồn trong 9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 giảm so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Dương Thanh Bình cũng cho biết, cử tri và nhân dân tiếp tục lo lắng về tình trạng ngộ độc thực phẩm; tình trạng mất an toàn lao động còn xảy ra; tình hình dịch bệnh trong và sau Tết; vấn đề an toàn khi tổ chức các lễ hội truyền thống đầu Xuân và các lễ hội tại các địa phương…