Nồng độ 5 loại khí thải CFC lên cao kỷ lục bất chấp lệnh cấm toàn cầu
Dù bị cấm theo Nghị định thư Montreal, nồng độ 5 loại khí CFC đang tăng lên nhanh chóng trong bầu khí quyển từ năm 2010-2020, chạm các ngưỡng cao kỷ lục vào năm 2020.
Khí Chlorofluorocarbon (CFC - hợp chất khí hữu cơ gồm Flo, Clo với Carbon) có khả năng phá hoại tầng ozone-tấm khiên bảo vệ Trái Đất khỏi sức nóng của Mặt Trời, do đó các khí này đã bị cấm trên toàn thế giới.
Tuy nhiên, các nhà khoa học cho biết một số chất CFC do con người tạo ra đã nhiều đến mức cao kỷ lục, làm gia tăng khí thải gây biến đổi khí hậu.
Theo một nghiên cứu đăng trên tạp chí Nature Geoscience ngày 3/4, dù bị cấm theo Nghị định thư Montreal, nồng độ 5 loại khí CFC đang tăng lên nhanh chóng trong bầu khí quyển từ năm 2010-2020, chạm các ngưỡng cao kỷ lục vào năm 2020. Thông qua việc phân tích 5 loại khí CFC được sử dụng ít hoặc không được sử dụng, nghiên cứu cho thấy năm 2020, nồng độ 5 loại khí này trong khí quyển ở mức cao nhất kể từ khi áp dụng phép đo trực tiếp.
Sự gia tăng này có thể xuất phát từ việc rò rỉ khí trong quá trình sản xuất các loại hóa chất để thay thế CFC như hydrofluorocarbons (HFOs). Dù nồng độ các chất khí này hiện chưa đe dọa khả năng phục hồi của tầng ozone, nhưng chúng đang đặt ra mối đe dọa khác khi kết hợp với các loại khí thải khác làm bầu khí quyển nóng lên.
Đồng tác giả nghiên cứu, chuyên gia Luke Western tại Đại học Bristol và Phòng thí nghiệm giám sát toàn cầu (GML) thuộc Cục Khí quyển và đại dương quốc gia Mỹ (NOAA), cho biết các khí thải này đến nay gây tác động nhỏ đến tầng ozone nhưng tác động lớn hơn đến khí hậu.
Lượng CFC nói trên tương đương với lượng khí thải CO2 năm 2020 của Thụy Sĩ, tức là 1% tổng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính của Mỹ. Tuy nhiên, điều đáng nói là con số này đang gia tăng nhanh chóng tỷ lệ thuận với tác động của chúng.
Theo dữ liệu của tổ chức Dự án carbon toàn cầu, các khí CFC là khí gây hiệu ứng nhà kính, có khả năng giữ nhiệt hiệu quả hơn gấp 10.000 lần so với CO2 – nguyên nhân lớn nhất gây sự nóng lên toàn cầu và biến đổi khí hậu. Trong thời gian từ những năm 1970–1980, các khí CFC được sử dụng phổ biến trong các thiết bị lạnh và máy chạy khí dung.
Tuy nhiên, việc phát hiện lỗ thủng tầng ozone tại Nam Cực, hậu quả của việc sử dụng khí này, đã dẫn tới thỏa thuận toàn cầu năm 1987 về việc cấm các khí CFC. Kể từ khi Nghị định thư Montreal có hiệu lực, mối quan tâm toàn cầu đối với các khí CFC đã sụt giảm đáng kể.
Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh những phát hiện trên là “một lời cảnh báo sớm” về một cách thức mới mà các khí CFC gây nguy hiểm cho tầng ozone. Nghị định thư Montreal cấm phát thải các khí gây hại tầng ozone vốn có thể phát tán trong không khí, nhưng không cấm sử dụng các khí này trong sản xuất các loại hóa chất khác như nguyên liệu thô hoặc sản phẩm phụ.
Sự gia tăng nồng độ lượng khí thải này có thể là do các quy trình không tuân theo lệnh cấm hiện tại và việc sử dụng mà không được báo cáo.
Nghiên cứu cho biết cần tìm hiểu thêm để đánh giá nguồn gốc sự gia tăng khí thải CFC gần đây. Tuy nhiên, ông Western cho rằng: “Loại bỏ các khí thải này là cách tốt nhất để giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính”. /.