Nóng lòng vực dậy ngân sách, Saudi Arabia đơn phương cắt giảm sản xuất dầu
Cuối tuần qua, Saudi Arabia tuyên bố đơn phương giảm sản lượng dầu thêm 1 triệu thùng trong tháng 7, tương đương 1% nhu cầu dầu toàn cầu. Trong khi đó, các nước còn lại trong liên minh OPEC+, gồm các thành viên của Tổ chức xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh bên ngoài do Nga dẫn đầu, chỉ nhất trí gia hạn mức cắt giảm sản lượng dầu hiện nay đến hết năm 2024, thay vì đến hết năm 2023 như kế hoạch trước đây. Động thái của Saudi Arabia cho thấy nước này đang nóng lòng thúc đẩy giá dầu để bảo đảm nguồn thu ngân sách phục vụ các siêu dự án để chuyển đổi nền kinh tế.
Các quyết định trên được đưa ra hôm 4-6 sau cuộc họp của liên minh OPEC+ ở Vienna, Áo. Trước lo ngại nguồn cung thiếu hụt, giá dầu Brent ở thị trường London đã tăng hơn 2% lên khoảng 78 đô la Mỹ/thùng vào thứ 5-6.
Ngân hàng Jefferies nhận định động thái giảm sản lượng 1 triệu thùng/ngày trong một tháng duy nhất (tháng 7) cho thấy Saudi Arabia muốn làm nản lòng những nhà đầu cơ bán khống các hợp đồng dầu trên thị trường tương lai. Riyadh cho rằng đây là nguyên nhân chính khiến giá dầu suy yếu trong thời gian vừa qua dù OPEC+ đã tiến hành hai đợt cắt giảm sản lượng dầu tổng cộng 3,66 triệu thùng/ngày vào tháng 10 năm ngoái và tháng 4-2023.
Hồi cuối tháng trước, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia, cảnh báo những nhà đầu tư bán khống “hãy coi chừng”. Phát biểu tại cuộc họp báo hôm 4-6, ông nói quyết định giảm sản lượng 1 triệu/thùng ngày có thể gia hạn, và OPEC+ sẽ “làm bất cứ điều gì cần thiết để ổn định thị trường dầu”.
Giá dầu hiện tại vẫn thấp hơn khoảng 9% so với đầu năm. Có nghĩa là Saudi Arabia vẫn đang ở tình thế thế khó khăn về nguồn thu ngân sách cần thiết cho các dự án khổng lồ nằm ở trung tâm của chương trình Tầm nhìn 2030. Đây là chương trình do Thái tử Mohammed bin Salman, nhà lãnh đạo trên thực tế của Saudi Arabia, phát động nhằm đạt mục tiêu đa đạng hòa nền kinh tế vào năm 2030.
Amena Bakr, thông tín viên của nhà cung cấp thông tin năng lượng của Energy Intel, cho biết giá dầu hiện nay thấp hơn 2-3 đô la / thùng so với mức mà Saudi Arabia mong muốn. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ước tính vương quốc dầu mỏ này cần giá dầu ở mức ít nhất là 81 đô la/thùng để cân bằng ngân sách.
Saudi Arabia lại rơi vào tình trạng thâm hụt ngân sách trong năm nay sau khi ghi nhận thặng dư lần đầu tiên sau gần một thập niên trong năm 2022. Trong quí đầu tiên, Saudi Arabia báo cáo mức thâm hụt 770 triệu đô la khi chính phủ tăng chi tiêu 29%.
Saudi Arabia hiểu rằng ngân sách trong dài hạn không thể chỉ dựa vào một thị trường dầu mỏ đầy biến động. Cùng với nỗ lực kích giá dầu tăng lên, Riyadh cũng đang cố gắng thu hút đầu tư từ nước ngoài.
Với thời hạn cho Tầm nhìn 2030 đang đến gần, Saudi Arabia cần có nhiều kinh phí hơn bao giờ hết để hoàn thành các siêu dự án bao gồm thành phố Neom với trọng tâm là tòa nhà chọc trời cao 518 mét, dài 120 km, có tổng vốn đầu tư 500 tỉ đô la ở phía tây bắc của đất nước.
“Áp lực đối với Saudi Arabia là rất lớn khi có quá nhiều dự án đang đi vào giai đoạn xây dựng. Nước này đang có nhu cầu rất lớn về vốn”. Karen Young, nhà nghiên cứu cấp cao của Trung tâm Chính sách năng lượng toàn cầu ở Đại học Columbia (Mỹ), nhận định.
Mặc dù doanh thu phi dầu mỏ tăng 9% trong quý đầu tiên, nhưng gần 2/3 thu nhập của Saudi Arabia vẫn đến từ việc bán nhiên liệu hóa thạch.
Và vốn đầu tư nước ngoài vẫn còn nằm xa ở mức mà Riyadh kỳ vọng. Saudi Arabia đặt mục tiêu thu hút 100 tỉ đô la đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hàng năm vào năm 2030. Năm ngoái, FDI chảy vào nước này giảm mạnh 60% so với năm 2021, xuống còn 7,9 tỉ đô la.
“Tôi hoan nghênh việc mở rộng, đào sâu, đa dạng hóa thị trường vốn của Saudi Arabia và tôi tin sẽ có thêm nhiều công ty quan trọng niêm yết trên thị trường chứng khoán”, Bộ trưởng Đầu tư Saudi Arabia, Khalid Al-Falih nói tại một sự kiện gần đây khi ra mắt bốn đặc khu kinh tế mới để thu hút các nhà đầu tư với thuế suất thấp, miễn một số thuế hải quan và thực hành tuyển dụng linh hoạt.
Các đặc khu kinh tế mới là một phần trong cách tiếp cận “cây gậy và củ cà rốt” của Saudi Arabia để thu hút vốn nước ngoài. Dù ra nhiều ưu đãi thân thiện với doanh nghiệp, vương quốc ở vùng Vịnh Ba Tư này cho biết sẽ không cho phép các công ty quốc tế tiếp cận các hợp đồng của chính phủ trừ khi họ chuyển trụ sở khu vực đến Saudi Arabia vào một thời điểm nào đó trong năm 2024. Chính sách này được coi là một thách thức trực tiếp đối với Dubai (Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất), trung tâm kinh doanh truyền thống cho khu vực.
Trong nỗ lực đảm bảo sự ổn định trong khu vực và môi trường an toàn hơn cho các nhà đầu tư, Riyadh đã rút lại chính sách đối ngoại diều hâu mà nước này đã áp dụng trước đây. Saudi Arabia hòa giải với Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar, khôi phục quan hệ ngoại giao với Syria, ủng hộ lệnh ngừng bắn ở Yemen và đang bình thường hóa quan hệ với Iran.
Ông Falih nói: “Chúng tôi hành động vì lợi ích của chính mình, nhưng cũng theo cách tốt đẹp cho khu vực. Chúng tôi không muốn đạt lợi ích riêng trong khi làm tổn thương bất kỳ các nước anh em xung quanh”.
Saudi Arabia cũng đóng vai trò trung gian hòa giải trong cuộc xung đột đang diễn ra ở Sudan, quốc gia phía đông châu Phi nằm ngăn cách với Saudi Arabia bởi Biển Đỏ.
“Chúng tôi nghĩ rằng khu vực phát triển du lịch mạnh nhất của Saudi Arabia nằm dọc theo bờ Biển Đỏ. Vì vậy, một cuộc nội chiến ở Sudan và tình trạng bất ổn dọc theo hành lang Biển Đỏ thực sự là điều tồi tệ”, nhà nghiên cứu Karen Young nói
Trong khi duy trì mối quan hệ tốt đẹp với châu Âu và Mỹ, Saudi Arabia cũng đặt cược lớn vào Trung Quốc, đối tác thương mại và khách hàng năng lượng lớn nhất của nước này. Falih lưu ý thêm rằng quan hệ thương mại của Saudi Arabia với Trung Quốc “lớn hơn mối quan hệ thương mại tổng thể với Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ”.
Thương mại song phương giữa Trung Quốc và Saudi Arabia đạt 87,3 tỉ đô la vào năm 2021. Và tại một sự kiện hôm 5-6, các quan chức Saudi Arabia công bố quan hệ đối tác mới với các công ty thép và gốm sứ Trung Quốc với tổng trị giá 5,3 tỉ đô la.
Theo CNN