Nông nghiệp Bình Phước: Cần một sự thay đổi - Bài cuối

THƯƠNG HIỆU NÔNG SẢN - TRỄ CŨNG PHẢI LÀM

BPO - Bình Phước hiện có 12.358 ha cây ăn trái, 248 hợp tác xã (HTX), trong đó có đến 166 HTX nông nghiệp. Hiện phần lớn HTX nông nghiệp trên địa bàn vẫn duy trì cách làm cũ, cây trồng cũ với tư duy cũ khiến cho chính nội tại của HTX không đủ sức làm chủ thị trường, giá cả. Do vậy, việc thay đổi tư duy, xây dựng thương hiệu đến định vị lại sản xuất nông nghiệp để khơi thông sản phẩm là việc làm vừa cấp thiết vừa mang tính lâu dài trong điều kiện hiện nay. Sau đây là những phân tích của tiến sĩ Trần Minh Hải, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Tư vấn kinh tế hợp tác Trường Cán bộ quản lý Nông nghiệp và Phát triển nông thôn II, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về vấn đề này.

Mô hình HTX có sự tham gia của cấp ủy và chính quyền

Tiến sĩ có những đánh giá như thế nào về quy mô, chất lượng hoạt động của HTX trên địa bàn tỉnh Bình Phước hiện nay?

Cả nước hiện có 16.500 HTX nông nghiệp. Số lượng HTX nhiều nhưng chỉ dưới 50% hoạt động có hiệu quả thật sự. So với khu vực miền Đông Nam bộ thì HTX của Bình Phước ở nhóm trung bình nhưng tôi thấy rất nhiều tiềm năng. Đặc biệt trong biến đổi khí hậu, chuyển dịch cơ cấu cây trồng ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long thì Bình Phước là vùng đất rất thuận lợi để phát triển các ngành hàng có hiệu quả kinh tế cho người dân. Trong một vài năm tới, sự đầu tư của các doanh nghiệp (DN) sẽ chuyển dần về Bình Phước ngày càng nhiều. Nhưng tôi thấy, nếu HTX Bình Phước cứ để như thế này thì sẽ không đủ năng lực để hợp tác sản xuất với DN. Nếu năng lực, quy mô HTX 37, 38 thành viên rồi làm không theo quy trình nào thì dù có mời Tập đoàn Lộc Trời hay Chánh Thu vào thì người ta cũng cân nhắc đến tính hiệu quả so với địa phương khác có quy mô lớn hơn.

Chúng ta nên xây dựng mô hình HTX có sự tham gia của cấp ủy và chính quyền. Ví dụ vận động cán bộ, nhân viên tham gia làm thành viên HTX, bởi Luật Cán bộ, công chức vẫn cho phép. Khi cấp ủy, chính quyền làm thành viên sẽ dồn nguồn lực tạo thành chuỗi tập trung tháo gỡ khó khăn cho HTX.

Trong điều kiện như vậy thì cách nào để giúp HTX trên địa bàn tỉnh “lớn” hơn, thưa ông?

Bình Phước muốn phát triển được thì trước hết phải quán triệt chiến lược phát triển HTX từ cấp ủy đến chính quyền, kể cả cấp tỉnh, cấp huyện. Khi làm việc với các cơ quan cấp tỉnh của Bình Phước, tôi thấy có sự không đồng nhất về cách hiểu và cách hỗ trợ trong phát triển HTX của tỉnh. Do đó, nguồn lực đầu tư của tỉnh nhiều nhưng lại dàn trải, manh mún và không tạo được điểm nhấn. Vì vậy, tôi nghĩ phải có sự quán triệt từ Tỉnh ủy, lãnh đạo UBND tỉnh, các sở, kể cả HĐND và bí thư, chủ tịch cấp huyện nên có một hội nghị để thống nhất xem là Tỉnh ủy có chủ trương như thế, UBND tỉnh rất ủng hộ như thế mình cần làm những gì? Kể cả những sở mà mình nghĩ không liên quan gì với HTX như Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng phải vào cuộc bởi thật sự rất liên quan, thậm chí còn rất quan trọng bởi đỉnh cao của nông nghiệp là du lịch sinh thái miệt vườn, du lịch văn hóa vùng miền.

TS Trần Minh Hải (thứ hai từ phải sang) trao đổi quy trình kỹ thuật trồng sầu riêng với các thành viên HTX cây ăn trái Nông Thành Phát, xã Phước Tân, huyện Phú Riềng (ảnh chụp trước ngày 27-4-2021)

TS Trần Minh Hải (thứ hai từ phải sang) trao đổi quy trình kỹ thuật trồng sầu riêng với các thành viên HTX cây ăn trái Nông Thành Phát, xã Phước Tân, huyện Phú Riềng (ảnh chụp trước ngày 27-4-2021)

Tiếp nữa là đầu tư. Đầu tư ngắn hạn và dài hạn có chiều sâu về nguồn nhân lực. Trong tư duy của mình hiện nay là việc thành lập HTX để hoàn thành tiêu chí số 13 trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Mình không chú trọng đến nguồn nhân lực. Phải nhớ một điều, HTX là tổ chức kinh tế, họ cần người điều hành, cần kế toán. Nguồn nhân lực là cái khó nhất của HTX hiện nay. Muốn giải quyết cái khó này thì HĐND tỉnh phải có chủ trương rồi UBND tỉnh có kế hoạch triển khai. Chúng ta triển khai từ từ, đưa thế hệ trẻ có trình độ cùng làm với các chú lớn tuổi trong HTX. Khi chúng ta xây dựng, phát triển HTX thì HTX phải đóng vai trò trung tâm trong các kế hoạch chuyển dịch cơ cấu cây trồng, trong kế hoạch triển khai thực hiện nghị quyết của cấp tỉnh, huyện. Tôi nghĩ làm như vậy từ 1-3 năm thì quy mô, phong trào HTX sẽ bài bản hơn.

Phát triển song song hai chiến lược

Năng lực quản trị, kế toán HTX đang còn rất yếu thì làm sao lấy HTX làm trung tâm thực hiện kế hoạch theo nghị quyết của cấp ủy các cấp, thưa tiến sĩ?

Tôi cho rằng có hai chiến lược phát triển song song. Thứ nhất là phải đào tạo, tập huấn rồi đưa đi tham quan, học tập các mô hình hiệu quả theo kiểu tập huấn mô hình. Thứ hai là tận dụng, tích hợp những nguồn lực sẵn có để phát triển HTX. Tôi ví dụ như chủ tịch, bí thư tham gia làm thành viên HTX. Như vậy mỗi tháng ít nhất chủ tịch hoặc bí thư ngồi với HTX một lần sẽ giúp được HTX đưa ra định hướng, chủ trương. Ở cấp xã cũng có cán bộ bán chuyên trách như hội phụ nữ, thanh niên, nông dân, mặt trận… thông qua hoạt động của cán bộ chuyên trách lồng ghép với các hoạt động kinh doanh của HTX. Trong tầm tay của mình nữa là kế toán ngân sách xã hỗ trợ HTX ở giai đoạn đầu…

Nhiều người cho rằng khó khăn nhất của HTX hiện nay là vốn nhưng tôi nghĩ không phải. Khó khăn nhất của HTX Việt Nam nói chung và Bình Phước nói riêng đó là nguồn nhân lực. Khi chúng ta đi vận động nông dân mới nhận ra họ là những người sản xuất giỏi chứ không phải là những người kinh doanh giỏi, thành ra HTX đang yếu chỗ này.

Về lâu dài, HĐND tỉnh cần tính tới chương trình đào tạo hai nguồn nhân lực, giám đốc và kế toán cho HTX. Các tỉnh như: Đồng Tháp, Bến Tre, Long An, Tiền Giang, Hậu Giang, Gia Lai, Kon Tum… người ta đã làm rồi, Bình Phước có thể thực hiện theo lộ trình này. Chúng ta cũng liên kết với các DN, thông qua DN sẽ giúp năng lực quản lý của HTX tăng lên. Một cái không thể thiếu nữa là ứng dụng công nghệ số trong quản lý HTX.

Xây dựng thương hiệu cho nông sản

Nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của HTX là giải quyết đầu ra nông sản cho thành viên, thế nhưng phần lớn các mặt hàng nông sản chưa có thương hiệu hay mã số vùng trồng. Ông đánh giá thế nào về vai trò thương hiệu của nông sản trong khâu tiêu thụ hiện nay?

Đối với Bình Phước có hai chiến lược để đi. Chiến lược trước mắt là tỉnh làm thế nào để mời DN về làm việc với các HTX; hỗ trợ DN, HTX liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm. Tiêu chuẩn thương hiệu lúc này do DN xây dựng. HTX nôm na là làm gia công theo quy mô lớn cho DN. Đây là bước ngắn hạn.

Xây dựng thương hiệu cho nông sản là câu chuyện dài không thể làm một ngày, một buổi. Bây giờ đã trễ rồi, nhưng trễ cũng phải làm.

Xây dựng thương hiệu được là một chuyện, giữ thương hiệu, xúc tiến quảng bá là chuyện khác. Nói đến Bình Phước, người ta nghĩ đến cây điều, cây cao su. Kể cả tôi và rất nhiều DN không nghĩ Bình Phước có sầu riêng với diện tích lớn và chất lượng thơm ngon như thế này. Trong tương lai gần, sầu riêng là một trong những cây trồng có lợi thế cho Bình Phước.

Trong dài hạn, Bình Phước muốn xây dựng được thương hiệu phải có mã vùng trồng. Mã vùng trồng không cấp cho cá nhân mà cấp cho tập thể, cho những vùng có quy mô lớn. Như vậy, thông qua HTX, lựa chọn những ngành chủ lực, sản phẩm chủ lực để đăng ký mã vùng trồng. Từ mã vùng trồng đó chúng ta mới đi theo tổ chức các tiêu chuẩn chất lượng, cái nào làm VietGAP, cái nào làm Global GAP hoặc sản xuất hữu cơ, sản xuất an toàn... Sau đó mới xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu. Trong tương lai gần, sầu riêng là một trong những cây trồng có lợi thế cho Bình Phước. Thị trường lớn nhất vẫn là Trung Quốc. Hằng năm, Trung Quốc nhập khẩu 10 tỷ USD trái cây, trong đó có 2,3 tỷ mua sầu riêng. Hiện nay, mỗi năm chúng ta chỉ bán sang Trung Quốc 11 triệu USD, chiếm 0,4%. Như vậy, thị phần còn lại rất lớn nhưng muốn vào được thị trường Trung Quốc phải có mã vùng trồng, mã đóng gói, thương hiệu. Trung Quốc hiện nay không mua trái sầu riêng mà chỉ mua cơm sầu riêng nên cần xây dựng kho lạnh, đóng gói, nghiên cứu, xúc tiến thị trường, quảng bá sản phẩm rồi liên kết chuỗi, chúng ta phải làm hàng loạt như thế.

Đông Kiểm

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/126376/nong-nghiep-binh-phuoc-can-mot-su-thay-doi-bai-cuoi