Nông nghiệp chất lượng cao trên vùng đất khô cằn: Hai mô hình thoát nghèo tiêu biểu ở quận Tân Châu, Vũ Hán

Nằm ở vùng ngoại thành phía đông thành phố Vũ Hán, quận Tân Châu vẫn bị xem là vùng đất khó: khô cằn, thiếu nước, không thích hợp trồng lúa hay cây lương thực. Thế nhưng, từ chính nơi tưởng chừng bị bỏ quên ấy, hai mô hình nông nghiệp đặc sắc đã vươn lên, trở thành biểu tượng cho tư duy đổi mới, áp dụng công nghệ và con đường thoát nghèo bền vững.

Vùng đất khô cằn thiếu dinh dưỡng và nguồn nước tưới bị hạn chế đang thay đổi từng ngày nhờ áp dụng các biện pháp canh tác tiên tiến như sử dụng phân hữu cơ, tưới tiết kiệm và áp dụng kỹ thuật cắt tỉa hợp lý để cải thiện chất lượng đất và năng suất trà. Ảnh: Văn Điệp - TTXVN

Vùng đất khô cằn thiếu dinh dưỡng và nguồn nước tưới bị hạn chế đang thay đổi từng ngày nhờ áp dụng các biện pháp canh tác tiên tiến như sử dụng phân hữu cơ, tưới tiết kiệm và áp dụng kỹ thuật cắt tỉa hợp lý để cải thiện chất lượng đất và năng suất trà. Ảnh: Văn Điệp - TTXVN

Một trong hai mô hình ấy là mô hình trồng trà của ông Hồ Toàn Ba, người đã kiên trì khai phá vùng đất đồi trọc không ai đoái hoài. Mô hình còn lại là khu trồng rau thông minh áp dụng công nghệ không dùng đất của bà Vương Quần Anh , Tổng giám đốc Công ty TNHH Công nghệ Nông nghiệp Thông minh Trí Canh Quần Anh.

Phát hiện “vàng xanh” giữa đất cằn: Mô hình trồng trà của ông Hồ Toàn Ba

Sinh ra tại làng Thạch Chủy, xã Cựu Nhai, quận Tân Châu, ông Hồ Toàn Ba từng rời quê vào Quảng Châu lập nghiệp. Năm 2010, sau nhiều năm tích lũy vốn liếng và kinh nghiệm kinh doanh, ông quyết định quay về quê hương phát triển nông nghiệp. Trước mắt ông là những vùng đồi trọc, hoang hóa, không ai mặn mà canh tác.

Nhận thấy đặc điểm khí hậu và thổ nhưỡng ở đây phù hợp với cây trà, ông quyết định khởi nghiệp với loại cây này. Ông thành lập Công ty TNHH Trà Nghiệp Đại Vụ Sơn Vũ, thuê lại hơn 1.200 mẫu đất hoang tại các làng Đại Vụ Sơn, Thạch Chủy, Diêu Hà và Phùng Cương, khởi đầu mô hình trồng trà. Những năm đầu vô cùng gian nan: thiếu kỹ thuật, chưa có thương hiệu, chất lượng chưa ổn định, đầu ra còn bấp bênh.

Ông Hồ Toàn Ba (áo trắng) giới thiệu mô hình trồng trà sạch trên vùng đất khô cằn. Ảnh: Văn Điệp – TTXVN

Ông Hồ Toàn Ba (áo trắng) giới thiệu mô hình trồng trà sạch trên vùng đất khô cằn. Ảnh: Văn Điệp – TTXVN

Không nản lòng, ông lặn lội đến các vùng trà nổi tiếng như Chiết Giang, Phúc Kiến, An Huy… để học hỏi kỹ thuật trồng và chế biến. Trở về, ông xây dựng thương hiệu trà trắng địa phương “Cựu Nhai Bạch Trà”, vừa phát triển vùng nguyên liệu, vừa đầu tư nhà máy chế biến và hệ thống truy xuất nguồn gốc rõ ràng.

Ông Hồ Toàn Ba giới thiệu, đến nay, mô hình đã phát triển thành chuỗi sản xuất – chế biến – tiêu thụ khép kín. Doanh thu mỗi năm đạt hơn 2 tỷ nhân dân tệ, tạo việc làm ổn định cho khoảng 12.000 lao động địa phương. Nhờ những đóng góp nổi bật trong phát triển kinh tế và xóa đói giảm nghèo, ông Hồ Toàn Ba được trao tặng danh hiệu Lao động tiên tiến toàn quốc năm 2020 – một trong những danh hiệu cao quý nhất dành cho người lao động ở Trung Quốc.

Mô hình trồng trà của ông Hồ Toàn Ba đã trở thành một trong những mô hình tiêu biểu trong việc áp dụng nông nghiệp sạch và bền vững tại địa phương, góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho người dân. Ảnh: Văn Điệp - TTXVN

Mô hình trồng trà của ông Hồ Toàn Ba đã trở thành một trong những mô hình tiêu biểu trong việc áp dụng nông nghiệp sạch và bền vững tại địa phương, góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho người dân. Ảnh: Văn Điệp - TTXVN

Không chỉ làm kinh tế, ông còn chú trọng yếu tố cảnh quan và du lịch. Trên các đồi trà, ông trồng xen hàng ngàn cây hoa anh đào, tạo nên khung cảnh thơ mộng vào mỗi mùa xuân. Nhắc đến Vũ Hán, người ta thường nghĩ đến hoa anh đào Đại học Vũ Hán. Thế nhưng nay, đồi trà của ông Hồ Toàn Ba cũng trở thành một địa điểm check-in hoa anh đào mới, thu hút đông đảo du khách và nhiếp ảnh gia.

Từ đất cằn đến không cần đất: Mô hình trồng rau sạch của bà Vương Quần Anh

Khác với ông Hồ Toàn Ba – người chọn loại cây phù hợp với đất đai địa phương – bà Vương Quần Anh lại đi theo một hướng khác: ứng dụng công nghệ để vượt qua giới hạn của đất.

Bà Vương Quần Anh giới thiệu mô hình nông nghiệp thông minh, mọi thao tác đều thực hiện qua bảng điều khiển. Ảnh: Văn Điệp – TTXVN

Bà Vương Quần Anh giới thiệu mô hình nông nghiệp thông minh, mọi thao tác đều thực hiện qua bảng điều khiển. Ảnh: Văn Điệp – TTXVN

Là Tổng giám đốc Công ty TNHH Công nghệ Nông nghiệp thông minh Quần Anh, bà xây dựng khu trồng rau sạch quy mô tại làng Nam Kiều, xã Tam Điếm. Tại đây, rau được trồng hoàn toàn không dùng đất, theo công nghệ khí dung tuần hoàn qua hệ thống hoàn toàn tự động, trong hệ thống nhà kính thông minh.

Bà Vương Quần Anh cho biết mô hình có nhiều ưu điểm nổi bật như tiết kiệm nước, điện, nhờ hệ thống tưới chính xác theo nhu cầu cây trồng; Tiết kiệm nhân công: từ gieo trồng, theo dõi đến thu hoạch đều được tự động hóa và giám sát từ xa; 0 phát thải: không sử dụng thuốc trừ sâu, không có nước thải hay rác thải độc hại; Sản lượng cao: mỗi cây cà chua có thể cho hai vụ mỗi năm, mỗi vụ 7,5kg/cây, thời gian thu hoạch mỗi vụ kéo dài 3 tháng. Hiện có 4.000 cây cà chua đang canh tác, giá bán đạt 50 NDT/kg. Ngoài trồng cà chua, tại nông trại hiện đang trồng ớt xanh và rất nhiều loại bí.

Cà chua được trồng hoàn toàn không dùng đất, theo công nghệ khí dung tuần hoàn trong hệ thống nhà kính thông minh, đem lại giá trị kinh tế cao, chất lượng. Ảnh: Văn Điệp - TTXVN

Cà chua được trồng hoàn toàn không dùng đất, theo công nghệ khí dung tuần hoàn trong hệ thống nhà kính thông minh, đem lại giá trị kinh tế cao, chất lượng. Ảnh: Văn Điệp - TTXVN

Hiện bà đang xin cấp bằng sáng chế quốc gia cho toàn bộ quy trình trồng rau sạch hữu cơ, trong đó đặc biệt là hệ thống nhà kính không trụ cột có thể chịu được động đất, gió bão, tuyết rơi, với tuổi thọ 25–30 năm.

Hệ thống nhà kính “Kim tự tháp” độc quyền không trụ cột có thể chịu được động đất, gió bão, tuyết rơi có tuổi thọ 25–30 năm. Ảnh: Văn Điệp - TTXVN

Hệ thống nhà kính “Kim tự tháp” độc quyền không trụ cột có thể chịu được động đất, gió bão, tuyết rơi có tuổi thọ 25–30 năm. Ảnh: Văn Điệp - TTXVN

Tuy chi phí đầu tư ban đầu cao, nhưng nhờ tiết kiệm toàn bộ chi phí nhân công và quản lý trong quá trình vận hành, mô hình có thể bù đắp và sinh lời rõ rệt. Khu trồng rau sạch này cung cấp ổn định 400–500 kg rau mỗi ngày cho các khách sạn lớn tại Vũ Hán. “Khi đời sống ngày càng nâng cao, người tiêu dùng sẵn sàng trả giá cao hơn để mua nông sản hữu cơ, truy xuất được nguồn gốc” – bà Vương Quần Anh chia sẻ.

Hai hướng đi – Một mục tiêu chung

Từ một vùng đất khô cằn, quận Tân Châu đã cho thấy sự chuyển mình mạnh mẽ nhờ những con người dám nghĩ, dám làm. Dù theo hướng truyền thống như ông Hồ Toàn Ba hay công nghệ cao như bà Vương Quần Anh, cả hai đều chung khát vọng: làm giàu từ nông nghiệp, trên chính quê hương mình.

Trong bối cảnh Trung Quốc đang thúc đẩy chiến lược nông thôn mới, phát triển chất lượng cao, hai mô hình này không chỉ là niềm tự hào của địa phương mà còn là hình mẫu có thể nhân rộng trong toàn quốc.

Câu chuyện của ông Hồ Toàn Ba và bà Vương Quần Anh không chỉ là thành công cá nhân, mà còn truyền cảm hứng cho hàng ngàn nông dân khác ở vùng nông thôn Trung Quốc đang vật lộn với điều kiện tự nhiên khó khăn. Trong bối cảnh quốc gia này thúc đẩy chiến lược “nông thôn mới” và “phát triển chất lượng cao”, những mô hình như ở Tân Châu xứng đáng được nhân rộng, hỗ trợ và ghi nhận.

Dương Ngọc Diệp (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/nong-nghiep-chat-luong-cao-tren-vung-dat-kho-can-hai-mo-hinh-thoat-ngheo-tieu-bieu-o-quan-tan-chau-vu-han-20250522091018284.htm