Nông nghiệp công nghệ cao là xu thế tất yếu

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN - PTNT) tỉnh Đồng Nai Nguyễn Văn Thắng nhìn nhận, phát triển nông nghiệp công nghệ cao là xu thế tất yếu của tỉnh. Thông qua đó, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh, giá trị gia tăng đồng thời thúc đẩy kết cấu hạ tầng, nhận diện thương hiệu, đầu tư sản xuất giống cây trồng, vật nuôi...

Quy hoạch 8 vùng nông nghiệp công nghệ cao trên 6.000ha

Phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được xác định là một trong những nhiệm vụ đột phá trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 Nghị quyết tỉnh Đảng bộ khóa XI và được cụ thể hóa thông qua Kế hoạch số 110-KH/TU Ban Chấp hành Đảng Bộ tỉnh Đồng Nai.

Mục tiêu đặt ra đến năm 2025, toàn tỉnh có 40 mô hình ứng dụng công nghệ cao. Song đến nay, chỉ tính riêng lĩnh vực trồng trọt đã có 45 mô hình ứng dụng công nghệ cao, vượt chỉ tiêu chung đề ra cho toàn ngành nông nghiệp. Các mô hình ứng dụng công nghệ cao đều cho năng suất gấp 2 - 3 lần so với sản xuất thông thường.

Phó Giám đốc Sở NN - PTNT Nguyễn Văn Thắng thông tin, hiện ngành nông nghiệp đã phối hợp cùng với các ngành, địa phương nỗ lực triển khai, hỗ trợ và đồng hành cùng nông dân, doanh nghiệp trong việc xây dựng phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

Thời gian qua, hầu hết các địa phương của tỉnh Đồng Nai đều quan tâm quy hoạch các vùng nông nghiệp công nghệ cao. Đây là cơ sở quan trọng để kêu gọi đầu tư, bố trí nguồn vốn đầu tư công để từng bước hoàn thiệt kết cấu hạ tầng các vùng sản xuất. Kết quả, ngành nông nghiệp cùng các địa phương đã xác định quy hoạch được 8 vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao với diện tích 6.500ha.

 Tính riêng lĩnh vực trồng trọt, tỉnh Đồng Nai đã có 45 mô hình ứng dụng công nghệ cao. Nguồn: ITN

Tính riêng lĩnh vực trồng trọt, tỉnh Đồng Nai đã có 45 mô hình ứng dụng công nghệ cao. Nguồn: ITN

Ông Nguyễn Văn Thắng khẳng định, phát triển nông nghiệp công nghệ cao là xu thế tất yếu của tỉnh. Xu hướng này còn giúp thúc đẩy kết cấu hạ tầng, nhận diện thương hiệu, đầu tư sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, đào tạo nhân lực, tiêu thụ sản phẩm... Thời gian tới, Sở NN - PTNT Đồng Nai sẽ tăng cường huy động nguồn lực, ưu tiên đầu tư để từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng các vùng sản xuất tập trung, hình thành vùng nguyên liệu phục vụ chế biến nông sản, phục vụ cho xuất khẩu. Các địa phương đầu tư có trọng tâm theo thế mạnh của mình, tránh dàn trải.

Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai cũng tham gia vào sự phát triển, hình thành các mô hình nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh. Từ đầu năm đến nay, Hội Nông dân tỉnh đã tổ chức 29 đợt cho 673 hội viên nông dân học tập kinh nghiệm các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trong và ngoài tỉnh. Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lê Tuấn Anh cho hay, nhiều nông dân còn được vay vốn từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh để đầu tư nông nghiệp công nghệ cao. Công tác tuyên truyền cũng được chú trọng nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên nông dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất, kinh doanh và có nhiều chuyển biến, góp phần nhân rộng các mô hình hiệu quả.

Nhiều cải tiến, không áp dụng rập khuôn

Là "thủ phủ" chăn nuôi của cả nước, từ rất sớm Đồng Nai đã định hướng phát triển chăn nuôi theo hướng công nghệ cao. Toàn tỉnh có 442 trang trại (chiếm khoảng 21% tổng số trang trại) sử dụng chuồng lạnh, chuồng kín. Với hai vật nuôi chủ lực là heo và gà, chăn nuôi trang trại chiếm khoảng 90%. Trong đó đã có không ít các trang trại chăn nuôi sử dụng công nghệ hiện đại hàng đầu của thế giới. Tiêu biểu có thể kể đến Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát (huyện Long Thành) là đối tác cung cấp nguồn thịt gà an toàn xuất khẩu sang Nhật Bản.

Đối với lĩnh vực nuôi thủy sản, tỉnh cũng phát triển theo hướng công nghệ cao. Trong đó nuôi thủy sản nước lợ tập trung ở huyện Nhơn Trạch và Long Thành với mô hình ứng dụng công nghệ cao nuôi tôm không ngừng tăng nhanh về diện tích, góp phần mang lại giá trị kinh tế cao.

Điểm nổi bật trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao của Đồng Nai là không áp dụng rập khuôn mà có nhiều cải tiến giúp giảm chi phí đầu tư, phù hợp với điều kiện thực tế; ông Vòng Ty Sáng, nông dân người Việt gốc Hoa tại xã Bảo Quang (TP. Long Khánh) chỉ có khoảng 3.000m2 đất nông nghiệp nhưng vẫn có thu nhập tốt với mô hình nuôi dê thịt và trồng hoa; ông Sáng đã áp dụng thành công cách ủ chua dây đậu phộng, cây bắp sinh khối làm thức ăn cho dê. Kỹ thuật ủ cỏ chăn nuôi dê của ông đã đoạt giải nhì của Giải thưởng Sáng tạo khoa học kỹ thuật năm 2022 do Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đồng Nai tổ chức.

Tại huyện Xuân Lộc, nhiều đơn vị đang tiên phong đưa cơ giới hóa, cập nhật, ứng dụng công nghệ, kỹ thuật mới vào sản xuất. Trong đó, HTX Thương mại Dịch vụ nông nghiệp Xuân Tiến ưu tiên ứng dụng công nghệ cao, cho ra những sản phẩm nông nghiệp chất lượng, an toàn với con người và môi trường.

Ông Trần Quang, Giám đốc HTX Xuân Tiến cho hay, hiện HTX đã có nhiều hệ thống máy sấy lúa, máy xay gạo, gieo hạt, máy thu hoạch cho ra hạt bắp, lúa ngay tại cánh đồng… giúp giảm nhân công. HTX Xuân Tiến còn ứng dụng máy bay không người lái (drone) giúp phun thuốc bảo vệ thực vật cho lúa, bắp thuận lợi hơn. Nhờ ứng dụng cơ giới hóa và tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nên lợi nhuận từ mô hình sản xuất lúa đặc sản an toàn của HTX tăng thêm từ 15 - 25% so với cách làm truyền thống. Với giống lúa đặc sản ST24, HTX đã trở thành đơn vị cung ứng sản phẩm gạo chất lượng cao hàng đầu tại địa phương.

Khánh Ngọc

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/nong-nghiep-cong-nghe-cao-la-xu-the-tat-yeu-post390831.html