Nông nghiệp đột phá nhờ những nghị quyết đúng và trúng

Nông nghiệp của tỉnh đang phát triển mạnh mẽ, đạt được kết quả toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Từ sản xuất manh mún, canh tác lạc hậu, đời sống nông dân thấp, nông nghiệp tỉnh đã, đang chuyển sang quy mô lớn, hiện đại. Tốc độ tăng trưởng ngành nông, lâm, thủy sản tăng bình quân 4,35%/năm; giá trị sản xuất trên 1 ha đất canh tác trồng trọt đạt 128,4 triệu đồng/năm. Đến nay, toàn tỉnh có 58 xã về đích NTM (chiếm 44,27%); có 7 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 46 khu dân cư kiểu mẫu, 151 vườn mẫu; 71 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh.

Nghị quyết số 12 về phát triển nuôi cá lồng bè vùng thủy điện hồ Hòa Bình đã góp phần tạo sinh kế bền vững cho người dân. Ảnh chụp tại Công ty TNHH thủy sản Hải Đăng.

Nghị quyết số 12 về phát triển nuôi cá lồng bè vùng thủy điện hồ Hòa Bình đã góp phần tạo sinh kế bền vững cho người dân. Ảnh chụp tại Công ty TNHH thủy sản Hải Đăng.

Đạt được kết quả trên là nhờ Tỉnh ủy đã kịp thời ban hành các nghị quyết quan trọng về phát triển trồng trọt, cải tạo vườn tạp, phát triển chăn nuôi bền vững, phát triển nuôi cá lồng, hỗ trợ tiêu thụ nông sản hàng hóa… Các nghị quyết của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp, nông thôn đi vào cuộc sống như "luồng gió mới”, tạo khí thế thi đua lao động sản xuất hăng say trong nông dân.

Thực hiện nghị quyết về phát triển trồng trọt và cải tạo vườn tạp, diện tích cây ăn quả có múi và rau an toàn được mở rộng, góp phần tăng trưởng ngành trồng trọt đạt 5,4%, chiếm trên 67% giá trị sản xuất ngành nông nghiệp. Nhóm cây trồng chủ lực như cây ăn quả có múi giá trị thu nhập cao, đạt trên 500 triệu đồng/ha/năm, cây rau đạt 270 triệu đồng/ha. Hình thành vùng sản xuất cây ăn quả có múi ở các huyện: Cao Phong, Kim Bôi, Lạc Thủy, Tân Lạc, Lạc Sơn, Lương Sơn, Yên Thủy. Hiện có trên 11,5 nghìn ha cây ăn quả có múi, diện tích kinh doanh khoảng 8 nghìn ha, sản lượng trên 15 vạn tấn. Diện tích được chứng nhận an toàn thực phẩm, VietGAP, hữu cơ 2 nghìn ha. Bên cạnh đó, đã hình thành mô hình liên kết doanh nghiệp với nông dân trong sản xuất tiêu thụ nông sản. Liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị đem lại hiệu quả; tỷ lệ tiêu thụ nông sản qua hợp đồng tăng, đạt trên 30% sản lượng; xác định được 14 khu vực trồng trọt tập trung ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học tại 7 huyện, với diện tích 289,5 ha. Toàn tỉnh cải tạo được 6,2 nghìn ha vườn tạp các loại, với 28,5 nghìn hộ tham gia, hình thành nhiều vườn cây đặc sản với các loại cây trồng như bưởi đỏ, bưởi da xanh…

Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết số 15 về phát triển chăn nuôi bền vững, tốc độ tăng trưởng chăn nuôi đạt 6,38%. Tổng đàn gia súc, gia cầm phát triển ổn định; chất lượng, giá trị đàn vật nuôi tăng. Tổng đàn hiện có: trâu 116 nghìn con, bò 84,8 nghìn con, dê 52 nghìn con, gia cầm 7,7 triệu con. Tỉnh hình thành các vùng chăn nuôi tập trung; chất lượng đàn giống được cải thiện về năng suất, chất lượng, công tác quản lý giống lợn được triển khai thực hiện; công tác bảo tồn, phát triển giống lợn, gia cầm bản địa được chú trọng, quan tâm (lợn bản địa Đà Bắc, gà Lạc Thủy, Lạc Sơn…).

Đối với người dân vùng hồ sông Đà, Nghị quyết số 12 về phát triển nuôi cá lồng bè vùng thủy điện hồ Hòa Bình là phao cứu sinh để thoát nghèo, tạo sinh kế bền vững. Đến nay, có 4,7 nghìn lồng, sản lượng trên 4 nghìn tấn, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho trên 2.000 lao động. Toàn tỉnh có 20 cơ sở nuôi cá lồng quy mô trên 20 lồng/cơ sở, 4 cơ sở nuôi trên 100 lồng. Tiêu biểu như Tập đoàn Marvin đang triển khai dự án nuôi cá diêu hồng và rô phi ứng dụng công nghệ cao 24 lồng tròn, thể tích 2.000 m3/lồng/100 ha mặt nước; sản lượng dự kiến trong thời gian tới khoảng 5 nghìn tấn/năm. Công ty Việt Đức với 100 lồng nuôi cá tầm; Công ty TNHH Cường Thịnh nuôi 200 lồng; HTX Hiền Lương (Đà Bắc) nuôi 120 lồng… Các doanh nghiệp, HTX đã liên kết với hộ dân vùng hồ để phát triển nuôi cá lồng.

Phát huy những thành tựu đạt được, giai đoạn 2020 - 2025, ngành nông nghiệp tỉnh phấn đấu phát triển an toàn, hiệu quả, sản xuất hàng hóa lớn gắn với thị trường tiêu thụ, gắn kết chặt chẽ với công nghiệp chế biến, du lịch, bảo vệ môi trường, sinh thái, thích ứng biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thông minh trong sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Rà soát lại quy hoạch và phân loại rừng, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển rừng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến. Hoàn thiện bản đồ thổ nhưỡng, bản đồ vùng khí hậu của tỉnh. Phấn đấu tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành nông, lâm, thủy sản bình quân hàng năm đạt 4,5 - 5%. Triển khai mạnh mẽ, đồng bộ Chương trình MTQG xây dựng NTM...

Thu Thủy

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/12/149114/nong-nghiep-dot-pha-nho-nhung-nghi-quyet-dung-va-trung.htm