Nông nghiệp Hòa Bình có nhiều điểm sáng

Năm 2024, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức do thiên tai, dịch bệnh… song ngành nông nghiệp Hòa Bình vẫn đạt được những thành tựu đáng kể, các chỉ tiêu phát triển ngành đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra.

Với mục tiêu phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, theo chuỗi giá trị, gắn với thị trường tiêu thụ, bảo vệ môi trường sinh thái, đồng bộ với thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, tỉnh Hòa Bình đã triển khai thực hiện Đề án số 03-ĐA/TU về phát triển nông nghiệp, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Qua 3 năm thực hiện Đề án này, bức tranh nông nghiệp, nông thôn ở Hòa Bình đã có nhiều điểm sáng. Ngành nông nghiệp đã chú trọng hướng dẫn, chỉ đạo sản xuất theo hướng ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thông minh trong sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chủ lực; phát huy lợi thế của mỗi tiểu vùng để tiếp tục phát triển các vùng chuyên canh tập trung.

Cam của huyện Cao Phong đã xuất khẩu ra thị trường Vương quốc Anh.

Cam của huyện Cao Phong đã xuất khẩu ra thị trường Vương quốc Anh.

Bên cạnh việc thúc đẩy sản xuất các sản phẩm chủ lực, hoạt động sơ chế, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm cũng được chú trọng, góp phần nâng cao chất lượng và tăng giá trị của nông sản trên địa bàn.

Năm 2024, các chỉ tiêu của ngành nông nghiệp tỉnh Hòa Bình đều thực hiện đạt và vượt kế hoạch đề ra. Theo đó, tốc độ tăng trưởng GRDP ngành nông, lâm, thủy sản ước đạt 3,25%; giá trị sản xuất (GRDP) ước đạt 13,9 nghìn tỷ đồng. Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tiếp tục có chuyển biến tích cực, tập trung cho các nhóm sản phẩm chủ lực và đặc sản của địa phương gắn với lợi thế của từng vùng sản xuất và nhu cầu thị trường.

Bước đầu khắc phục được tình trạng manh mún ruộng đất, số thửa đất nông nghiệp bình quân/hộ giảm từ 37 - 50% tại các địa phương triển khai thực hiện.

Toàn tỉnh đã chuyển đổi được 1.738 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các cây trồng khác. Các địa phương mở rộng diện tích trồng loại cây có thế mạnh, tạo lợi thế cạnh tranh theo từng vùng, miền như: nhãn, na, chuối duy trì từ 3.000 - 5.000 ha; cây có củ (sắn, dong riềng, khoai sọ...) trên 13.000 ha và cây công nghiệp hàng năm...

Tổng sản lượng xuất khẩu nông sản đạt 23.190 tấn, với tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu đạt 253,576 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, nhiều chỉ tiêu đạt và vượt so với cùng kỳ, trong đó, diện tích cây lương thực có hạt 69,03 nghìn ha, tăng 2,97% so với kế hoạch và tăng 0,45% so với cùng kỳ; tổng đàn bò hiện có 92,6 nghìn con, đạt 104% so với kế hoạch; tổng đàn lợn 539 nghìn con, đạt 109% so với kế hoạch; sản lượng thủy sản ước đạt 12.550 tấn, đạt 105% kế hoạch. Giá trị sản xuất lâm nghiệp theo giá so sánh ước đạt 1,4 nghìn tỷ đồng, tăng 11,1% so với cùng kỳ.

Thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình tiếp tục xây dựng nông nghiệp phát triển toàn diện, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao hướng đến xuất khẩu.

Phấn đấu tốc độ tăng trưởng ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 4,0%; giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt khoảng 15,39 nghìn tỷ đồng. Phấn đấu có thêm 6 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; có 16 sản phẩm OCOP được chuẩn hóa đạt từ 3 sao trở lên...

Tâm Hiền

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/nong-nghiep-hoa-binh-co-nhieu-diem-sang.html