Nông nghiệp là nền tảng của mối quan hệ đối tác Việt Nam-New Zealand
Thủ tướng Jacinda Ardern nhấn mạnh sự kiện kết nối nông nghiệp hai nước Việt Nam-New Zealand đánh dấu một cột mốc lịch sử của mối quan hệ hiệu quả và cùng có lợi.
Chiều 15/11, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern đã tham dự hội nghị, triển lãm Kết nối nông nghiệp Việt Nam-New Zealand (AgriConnectioNZ) với chủ đề “Đối tác chiến lược trong nông nghiệp.”
Cùng tham dự sự kiện có Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Thương mại và Tăng trưởng xuất khẩu kiêm Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp New Zealand Damien O'Connor, cùng đông đảo doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp Việt Nam và New Zealand.
Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Jacinda Ardern nhấn mạnh, nông nghiệp không chỉ là một lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế hai nước, mà còn là một phần bản sắc văn hóa hai nước. Ở New Zealand, người nông dân là nhân tố then chốt của nền kinh tế.
Do đó, Thủ tướng Jacinda Ardern khẳng định, nông nghiệp là nền tảng của mối quan hệ hai nước kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao cách đây hơn 45 năm. New Zealand và Việt Nam là đối tác "trời sinh" trong lĩnh vực nông nghiệp.
Với cam kết chung về thương mại tự do, cùng uy tín trong việc sản xuất và xuất khẩu lương thực, cả hai quốc gia tự hào là nhà cung cấp lương thực cho toàn thế giới - Thủ tướng Jacinda Ardern bày tỏ.
Thủ tướng Jacinda Ardern lưu ý, những thách thức hiện nay đặt ra cho hệ thống lương thực của hai nước và an ninh lương thực toàn cầu là vô cùng to lớn. Từ biến đổi khí hậu, đến đại dịch và xung đột quốc tế, nhu cầu hợp tác giữa các nước xuất khẩu lương thực chưa bao giờ cấp thiết hơn thế. Quan hệ Đối tác Chiến lược được Việt Nam và New Zealand ký kết năm 2020 là nền tảng vững chắc để hai nước cùng nhau đối mặt với những thách thức này và cùng hưởng lợi.
Nhấn mạnh Việt Nam và New Zealand đều sở hữu hệ thống sản xuất lương thực hiệu quả, Thủ tướng Jacinda Ardern cho rằng, đây tiếp tục là lĩnh vực trọng tâm của cả hai nước và là lĩnh vực mà hai quốc gia sẽ tiếp tục thúc đẩy thương mại và hợp tác. Một ví dụ tiêu biểu là sự hỗ trợ của New Zealand để thương mại hóa các giống cây ăn quả mới, trong đó Dự án phát triển giống cây thanh long.
Thủ tướng Jacinda Ardern đánh giá cao sự hợp tác của hai quốc gia trong việc áp dụng hiệu quả các tiêu chuẩn cao về an toàn thực phẩm, vốn rất quan trọng đối với hệ thống lương thực bền vững toàn cầu, cũng như sự hợp tác phát triển, tăng sức chống chịu và tính bền vững cho người nông dân, cộng đồng nông thôn và cộng đồng dân tộc thiểu số.
Cho biết người dân New Zealand đặc biệt yêu thích trái cây và các loại cam chanh, Thủ tướng Jacinda Ardern bày tỏ vui mừng khi giờ đây người dân nước này sẽ có chanh ăn quanh năm khi Việt Nam cung cấp loại quả này vào thời điểm trái mùa ở New Zealand.
Kết thúc bài phát biểu, Thủ tướng Jacinda Ardern nhấn mạnh, sự kiện kết nối nông nghiệp hai nước đánh dấu một cột mốc lịch sử của mối quan hệ hiệu quả và cùng có lợi. Đây là thời điểm hai nước khởi động quan hệ đối tác trong lĩnh vực nông nghiệp cho thế kỷ tới.
Phát biểu tại sự kiện, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan tin tưởng, qua chuyến thăm quan trọng của Thủ tướng Jacinda Ardern và Đoàn đại biểu cấp cao, đại diện cộng đồng doanh nghiệp New Zealand, ngành nông nghiệp của hai quốc gia tiếp tục cùng “kể với nhau nhiều câu chuyện ý nghĩa, thấu hiểu nhau hơn, lại gần nhau hơn.”
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, hợp tác về nông nghiệp là một trụ cột quan trọng trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và New Zealand. Việt Nam đánh giá cao sự quan tâm của New Zealand dành cho ngành nông nghiệp, tập trung vào chuyển giao kiến thức và công nghệ ở các lĩnh vực: phát triển thị trường nông sản, giống cây trồng chất lượng cao, kiểm dịch động vật, thực vật, an toàn đập và vận hành hồ chứa, an toàn thực phẩm, giảm thiểu phát thải khí nhà kính trong chăn nuôi...
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thời gian qua đã nhận được sự hỗ trợ của New Zealand trong đào tạo nâng cao năng lực tiếng Anh và quản lý cho khoảng 80 cán bộ lãnh đạo, công chức của Bộ; đào tạo nguồn nhân lực cho ngành nông nghiệp (qua Bộ Giáo dục và Đào tạo), với 500 suất học bổng sau đại học, ưu tiên cho các lĩnh vực: nông nghiệp, môi trường và biến đổi khí hậu, quản lý rủi ro thiên tai và an toàn thực phẩm.
Kim ngạch thương mại nông, lâm, thủy sản năm 2021 đạt gần 550 triệu USD, chiếm tỷ trọng 41% tổng kim ngạch thương mại song phương. Hai bên đã ký Thỏa thuận về tạo thuận lợi cho thông quan sản phẩm nông, lâm, thủy sản, thông qua việc sử dụng chứng nhận điện tử, vào tháng 7/2020.
Hiện các nhóm công tác của hai nước đang tiến hành các bước triển khai thử nghiệm hệ thống chứng nhận điện tử, đồng thời thúc đẩy các thủ tục mở cửa thị trường cho các sản phẩm nông sản.
Bộ trưởng mong muốn các doanh nghiệp Việt Nam và New Zealand sẽ hợp tác xây dựng và phát triển các chuỗi giá trị nông nghiệp công nghệ cao, thúc đẩy kết nối giữa hai nước và với thị trường toàn cầu.
Với thông điệp “đồng hành, kiến tạo phát triển” và “tiềm năng của chúng tôi-cơ hội của bạn,” Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định, ngành nông nghiệp Việt Nam sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp New Zealand đầu tư, kinh doanh thành công, bền vững và gắn bó mật thiết, dài lâu.
Tại sự kiện, Thủ tướng Jacinda Ardern cùng Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Thương mại và Tăng trưởng xuất khẩu kiêm Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp New Zealand Damien O'Connor đã chứng kiến lễ ký kết triển khai Kế hoạch xuất khẩu chanh xanh, bưởi Việt Nam sang New Zealand; Biên bản ghi nhớ Thỏa thuận ưu tiên hợp tác giữa Công ty sữa TH True Milk và Công ty sản xuất sữa Waikato (New Zealand).
Bưởi và chanh là loại trái cây có khả năng xuất khẩu thứ 4 và thứ 5 của Việt Nam sang New Zealand sau xoài, thanh long và chôm chôm.
Trong Kế hoạch hành động Đối tác Chiến lược New Zealand-Việt Nam, cả hai nước đã nhất trí khuyến khích tăng trưởng hơn nữa trong thương mại hai chiều và việc ký kết Kế hoạch xuất khẩu canh xanh, bưởi của Việt Nam là một bước tiến quan trọng./.