Nông nghiệp nỗ lực tăng trưởng trong khó khăn
Để góp phần vào tốc độ tăng trưởng GDP cả nước năm 2025 đạt 8%, ngành Nông nghiệp phấn đấu đạt mức tăng trưởng 4%. Đây là nhiệm vụ không dễ dàng, đòi hỏi phải tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng bền vững, gắn liền với các yêu cầu và tiêu chuẩn quốc tế.
Điểm sáng trong bức tranh kinh tế
Thông tin từ Cục Thống kê (Bộ Tài chính), khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng trưởng, đạt mục tiêu đề ra trong quý I/2025. Qua đó, giá trị tăng thêm của ngành nông nghiệp quý I/2025 là 3,53% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,32 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành lâm nghiệp tăng 6,67%; ngành thủy sản tăng 3,98%.

Đóng gói sản phẩm bưởi da xanh xuất khẩu sang Mỹ. Ảnh minh họa
Theo báo cáo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, tình hình thời tiết khá thuận lợi nên sản xuất trong nước đạt kết quả cao. Tại 63 tỉnh, thành phố đều có mức tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm ngoái, hơn 60% địa phương có mức tăng cao hơn quý I/2024.
Cùng với sản xuất, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản cũng ghi nhận tăng trưởng. Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) Ngô Hồng Phong cho biết, quý I/2025, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của cả nước đạt 15,72 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2024. Đây là con số tăng trưởng khá ấn tượng trong bối cảnh thương mại thế giới biến động khó lường. Trong đó, xuất khẩu nông sản đạt 8,53 tỷ USD, tăng 12,2%; xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi đạt 131,3 triệu USD, tăng 18,5%; xuất khẩu thủy sản đạt 2,29 tỷ USD, tăng 18,1%.
Nông nghiệp đang trở thành điểm sáng trong bức tranh kinh tế của cả nước, trong đó xuất khẩu đóng góp khá lớn. Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Môi trường xây dựng kế hoạch tăng trưởng năm 2025 phấn đấu giá trị gia tăng khu vực nông, lâm, thủy sản là 4 % trở lên. Trong đó, nông nghiệp tăng 3,85% (trồng trọt tăng 2,4 - 2,9%; chăn nuôi tăng 5,7 - 5,98%; thủy sản tăng 4,35%; lâm nghiệp tăng 5,47%). Tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 65 tỷ USD, phấn đấu đạt 70 tỷ USD.

Một cơ sở sản xuất trứng gà thương phẩm tại huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Ảnh: Ngọc Ánh
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy cho hay, kế hoạch trên được ban hành ngay sau khi Mỹ có chính sách áp thuế mới với hàng hóa Việt Nam. Mặc dù phía Mỹ đã lùi thời hạn áp thuế sau 90 ngày, song Bộ vẫn khuyến cáo các DN cần chủ động xây dựng phương án kể cả khi Mỹ áp thuế tới 46%.
Bộ cũng đã tổng hợp kiến nghị của DN, hiệp hội để tháo gỡ khó khăn trước mắt, đặc biệt là việc áp thuế mới của Mỹ. Việc Mỹ lùi thời hạn áp thuế là tín hiệu để hy vọng vào thỏa thuận tốt hơn cho Việt Nam, song Bộ đã chủ động xây dựng kế hoạch, phương án trong trường hợp áp thuế cao.
Đổi mới tư duy, nâng giá trị thương mại cho nông sản
Ngành nông nghiệp xác định, về lâu dài, ngành cần tái cấu trúc ngành mạnh mẽ, sâu rộng hơn. Cụ thể, đối với sản xuất, Bộ phối hợp với các địa phương hỗ trợ các DN thực hiện đồng bộ và hiệu quả các giải pháp phát triển; đẩy mạnh tái cơ cấu ngành theo hướng tuần hoàn, hiệu quả, bền vững, minh bạch, trách nhiệm, tích hợp đa giá trị. Từ đó, tạo ra các sản phẩm có sức cạnh tranh, đặc biệt là tăng tính tự chủ, khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế khi có biến động.
Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang tiếp tục đàm phán, xúc tiến thương mại, xử lý các vấn đề trong thương mại; xây dựng báo cáo thị trường xuất khẩu nông sản, giải pháp ứng phó đối với thay đổi liên quan đến thuế, xuất xứ, tiêu chuẩn kỹ thuật… tại các thị trường: Mỹ, EU, Trung Quốc; chủ động triển khai hiệu quả các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy
Đối với thị trường, Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan trong giám sát thị trường, xúc tiến thương mại; tập trung giải quyết dứt điểm khuyến nghị của EC để gỡ “thẻ vàng” trong năm 2025 cho một số mặt hàng thủy sản.
Đối với thị trường xuất khẩu, ngành tập trung đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở cửa thị trường, đàm phán để tháo gỡ rào cản kỹ thuật, rào cản thương mại, xuất khẩu chính ngạch thêm nhiều nông sản vào thị trường truyền thống, thị trường có tổng kim ngạch xuất khẩu lớn (Trung Quốc, Mỹ, EU, Nga, Brazil, Nhật Bản, Hàn Quốc...); đồng thời mở rộng thị trường mới, nhiều tiềm năng (các nước Hồi giáo, Trung Đông, Châu Phi...).
Cùng với xuất khẩu, việc khai thác thị trường trong nước cũng được ngành nông nghiệp quan tâm, có giải pháp đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm thời vụ, sản phẩm dễ bị tác động của khí hậu; đồng thời có giải pháp ổn định thị trường, đa dạng hóa nguồn cung nội địa, thúc đẩy thương mại điện tử, gắn kết sản xuất với thị trường...
Riêng với thị trường Mỹ, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy lưu ý các DN cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và đáp ứng các tiêu chuẩn của Mỹ. Song song đó, tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước khác, tránh bị phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường. Bộ kỳ vọng nhiều ngành hàng nông, lâm, thủy sản chủ lực của Việt Nam đang có mức tăng trưởng cao, có thể bứt phá và giữ mức tăng trưởng cao trong năm 2025 để bù đắp cho những tác động từ chính sách thuế quan của Mỹ.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/nong-nghiep-no-luc-tang-truong-trong-kho-khan.676083.html