Nông nghiệp phát huy vai trò trụ đỡ của nền kinh tế

Gần 3 năm qua, khu vực nông - lâm - thủy sản tiếp tục phát triển và phát huy tốt vai trò trụ đỡ của kinh tế tỉnh trong và sau đại dịch COVID-19, phát triển nông thôn đạt kết quả tích cực. Tỉnh tiếp tục triển khai các giải pháp tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững theo Kết luận số 250-KL/TU ngày 9/12/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XI.

Sử dụng máy bay không người lái phun xịt thuốc ở Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Hòa Bình (xã Hòa Bình, huyện Tam Nông) (Ảnh: Mỹ Lý)

Sử dụng máy bay không người lái phun xịt thuốc ở Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Hòa Bình (xã Hòa Bình, huyện Tam Nông) (Ảnh: Mỹ Lý)

Công tác khuyến nông, khuyến ngư, thực hiện chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt được một số kết quả nhất định. Tình hình sản xuất nông - lâm - thủy sản tiếp tục phát triển ổn định, tiêu thụ được bảo đảm. Tốc độ tăng bình quân GRDP giai đoạn 2021 - 2023 của khu vực nông - lâm - thủy sản ước đạt 3,25%/năm (kế hoạch 3,5%/năm). Giá trị ngành hàng chủ lực (lúa gạo, xoài, hoa kiểng, sen, cá tra) tiếp tục gia tăng và tái cơ cấu đi vào chiều sâu. Chuyển dịch cơ cấu cây trồng trên đất lúa sang hoa kiểng, cây ăn trái cho hiệu quả kinh tế cao.

Nhiều mô hình sản xuất tiên tiến được nhân rộng như: mô hình thâm canh xoài theo tiêu chuẩn VietGAP (huyện Cao Lãnh); mô hình hoàn thiện và mở rộng sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn gắn với cơ giới hóa đồng bộ theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến xây dựng thương hiệu sản phẩm; mô hình sản xuất lúa giống theo quy trình “1 phải 5 giảm” tại Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Đông 2 (huyện Tháp Mười); mô hình liên kết, cơ giới hóa sản xuất lúa giống gắn với truy xuất nguồn gốc (huyện Tam Nông); mô hình chăn nuôi dê thịt thương phẩm đã triển khai nhân rộng (huyện Lấp Vò và huyện Cao Lãnh). Chuyển đổi số ngành nông nghiệp bước đầu đã triển khai và vận hành đối với 7 phần mềm nhằm quản lý, số hóa hồ sơ và cơ sở dữ liệu; 10% nông dân biết ứng dụng công nghệ IoT vào quy trình sản xuất, khai thác thông qua mạng internet, mua bán trực tuyến. Phương thức canh tác sản xuất nông nghiệp theo hướng cơ giới, giảm giá thành, an toàn, hữu cơ được lan tỏa mạnh mẽ, diện tích cấp mã vùng trồng phục vụ xuất khẩu tăng cùng với liên kết tiêu thụ tiếp tục được phát huy, giúp nông dân ổn định đầu ra, an tâm sản xuất.

Giá trị sản xuất ngành trồng trọt đến năm 2023 ước đạt 30.029 tỷ đồng, bình quân 3 năm (2021 - 2023) tăng 2,8%/năm. Trong đó, ngành hàng lúa gạo tiếp tục giữ vai trò chủ đạo, đảm bảo an ninh lương thực và phục vụ đầu vào cho ngành công nghiệp chế biến. Xu hướng chuyển đổi canh tác các loại hoa màu và cây công nghiệp ngắn ngày sang chủng loại có giá trị kinh tế cao diễn ra khá mạnh mẽ, lợi nhuận bình quân cao hơn so với năm 2020. Giá trị sản xuất ngành hoa màu và cây công nghiệp ngắn ngày năm 2023 đạt 3.604 tỷ đồng, bình quân 3 năm (2021 - 2023) tăng 7,3%/năm. Giá trị sản xuất cây lâu năm năm 2023 ước đạt 4.922 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 3 năm (2021 - 2023) đạt 4,5%/năm; từng bước phát huy vùng sinh thái nước ngọt phát triển cây ăn trái, gia tăng diện tích có mã số vùng trồng, sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn gắn với truy xuất nguồn gốc hướng đến phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.

TN

Nguồn Đồng Tháp: http://www.baodongthap.vn/nong-nghiep/nong-nghiep-phat-huy-vai-tro-tru-do-cua-nen-kinh-te-115460.aspx