Nông nghiệp số - chuyến tàu không thể bỏ lỡ
BÀI CUỐI
CHUYỆN KHÔNG CHỈ RIÊNG NGÀNH NÔNG NGHIỆP
BPO - Để nông nghiệp số thực sự “cất cánh”, ngành nông nghiệp Bình Phước đang đẩy mạnh chuyển đổi số có trọng tâm, trọng điểm. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn cần tháo gỡ để vận hành chuyến tàu chuyển đổi số nông nghiệp.
CẦN CÓ “SỐ” ĐỂ CHUYỂN ĐỔI NÔNG NGHIỆP
Mới đây, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Bình Phước tổ chức hội thảo thúc đẩy chuyển đổi số ngành NN&PTNT.
Thời gian qua, tỉnh Bình Phước đã và đang tích cực đẩy mạnh chuyển đổi số ở cả 3 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Bình Phước quyết tâm đến năm 2025, cơ bản hình thành chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số trên địa bàn tỉnh.
Đặc biệt, chuyển đổi số trong ngành NN&PTNT đạt được những kết quả rất tích cực trên nhiều lĩnh vực. Theo đó, đã cấp 19 mã vùng trồng các loại cây ăn quả phục vụ xuất khẩu với diện tích 1.997,8 ha, sản lượng khoảng 223.539 tấn/năm. Toàn tỉnh có 22 hợp tác xã (HTX) ứng dụng công nghệ cao vào quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn trong và ngoài nước, trong đó có 18 HTX nông nghiệp đạt các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, RA, Organic. Nhiều sản phẩm nông nghiệp được cấp chứng nhận OCOP 3 sao, 4 sao và nhiều hộ nông dân được hỗ trợ đưa sản phẩm nông nghiệp lên các sàn thương mại điện tử.
Tuy nhiên hiện nay, hạ tầng số, nền tảng số trong nông nghiệp của tỉnh còn nhiều khó khăn, hạn chế. Trang thiết bị, máy tính kết nối chưa đồng bộ, hệ thống quản lý nhà nước về nông nghiệp còn hạn chế. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chưa có điều kiện để tiếp cận các hệ thống phần mềm cơ sở dữ liệu nông nghiệp, phần mềm quản lý, thu thập dữ liệu về điều kiện tự nhiên, diễn biến thời tiết, sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt và nuôi trồng thủy sản. Trình độ dân trí còn thấp, đời sống một số nơi còn nghèo nàn, lạc hậu, sản xuất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ theo phương thức truyền thống là những cản trở trong tiến trình chuyển đổi số ngành nông nghiệp.
Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Phước Phạm Thụy Luân cho biết, để chuyển đổi số trong nông nghiệp trước hết phải có công cụ “số” trong tay. Hiện nay, hầu hết mọi người đều sử dụng điện thoại thông minh, tuy nhiên không phải ai cũng sử dụng thông thạo. Mặt khác, để chạy được thiết bị cần có mạng internet nhưng do địa hình phức tạp, nhiều khu vực trên địa bàn Bình Phước vẫn chưa được phủ sóng thì smartphone cũng không khác gì viên gạch.
“Cùng với các chính sách đã rõ ràng, ngành nông nghiệp Bình Phước sẽ phối hợp các sở, ban, ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền để nông dân hiểu rõ: Trong thời kỳ đổi mới, hội nhập, họ phải là nông dân thời đại 4.0, dám nghĩ, dám làm, dám đầu tư để áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, thay đổi phương thức sản xuất, tiếp cận thị trường nhằm tối ưu hóa quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng và giá trị nông sản”.
Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Phước PHẠM THỤY LUÂN
Để xây dựng được hạ tầng số, nền tảng số, chính quyền số trong nông nghiệp, cần đảm bảo điều kiện về sóng internet, phương tiện, trang thiết bị và hệ thống quản lý nhà nước từ cấp tỉnh đến cơ sở đảm bảo thông suốt thông tin trong triển khai, tuyên truyền chủ trương, chính sách đến cập nhật, phản hồi, nắm bắt thông tin, kết quả từ cơ sở, đảm bảo tính hai chiều. Bên cạnh đó, nâng cao nhận thức người dân và HTX, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới trong công tác chuyển đổi số ngành nông nghiệp.
“Qua chuyển đổi số cho thấy, nếu biết cách khai thác hiệu quả sẽ mang đến những giá trị mới bền vững cho sản xuất nông nghiệp. Không chỉ vậy, chuyển đổi số nông nghiệp còn giúp nông dân sản xuất với chi phí thấp, nhưng bán ra với giá cao. Người sản xuất được kết nối trực tiếp, đưa nông sản tới tay người tiêu dùng, hạn chế khâu trung gian. Đồng thời, giúp mọi người kết nối với nhau dễ dàng, thuận lợi hơn. Qua đó khẳng định, chuyển đổi số trong nông nghiệp là hướng đi tất yếu đối với mọi doanh nghiệp, HTX nếu không muốn bị bỏ lại trên chuyến tàu này” - Giám đốc Sở NN&PTNT Phạm Thụy Luân chia sẻ.
ĐẨY MẠNH CÔNG NGHỆ SỐ TRỌNG ĐIỂM
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Bình Phước, bên cạnh kết quả đạt được, việc ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp tại tỉnh còn manh nha và mới mẻ. Thực tế cho thấy, ở lĩnh vực trồng trọt, phương thức sản xuất truyền thống vẫn rất phổ biến, chủ yếu dựa vào sức lao động của con người. Các mô hình ứng dụng công nghệ mới, chuyển đổi số vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay, đa số mới chỉ ứng dụng ở một số khâu nhất định. Bởi trình độ ứng dụng công nghệ của đa phần nông dân hiện nay thấp, chưa kể đến yếu tố về nguồn lực đầu tư hạn chế.
Trên cơ sở cụ thể hóa Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ, Bình Phước đã ban hành chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2020-2025 với những mục tiêu, nhiệm vụ cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng chú trọng nông nghiệp hiện đại, thông minh.
Theo Thạc sĩ Nguyễn Đức Tùng, Tổng thư ký Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam, chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn, lực cản làm chậm quá trình như: doanh nghiệp tham gia chuyển đổi số còn ít, chất lượng nguồn nhân lực có chuyên môn cao trong nông nghiệp số còn hạn chế, người nông dân vẫn e ngại trong chuyển đổi số. Một khó khăn lớn nữa là ngành nông nghiệp chưa thu hút được nhiều vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong khi cả nông dân và doanh nghiệp đều khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng trong nước. Đây là một trong những vấn đề then chốt, một điểm nghẽn, bởi mục tiêu phát triển công nghệ luôn đi kèm với nhu cầu cao về nguồn lực tài chính.
“Để chuyến tàu nông nghiệp số không bị bỏ lỡ, chúng ta tiếp tục thực hiện đề án chuyển đổi số trong nông nghiệp nhưng cần rà soát những gì có thể làm trước, cái gì làm sau để thực hiện hiệu quả. Chúng ta không giải quyết tất cả vấn đề mà còn phải xã hội hóa, như thế sẽ tiết kiệm được nguồn lực trong thực hiện chuyển đổi số và áp dụng ngay vào cuộc sống hằng ngày. Chúng ta sử dụng dữ liệu để chỉ đạo, điều hành quản lý nhà nước nhanh chóng và kịp thời”.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT LÊ MINH HOAN
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, dữ liệu trong lĩnh vực NN&PTNT là rất lớn, muốn chuyển đổi số phải có dữ liệu thực để số hóa. Điều này đòi hỏi các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương, từ doanh nghiệp, HTX đến từng nông dân không chỉ nâng cao nhận thức mà còn phải trang bị đầy đủ kiến thức. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ ngành nông nghiệp không chỉ hiểu về công nghệ mà còn phải nắm bắt được thông tin, quy hoạch, định hướng của Chính phủ, của ngành…