Nông nghiệp tăng tốc nhờ liên kết '5 nhà'
Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, ông Nguyễn Trí Ngọc, Phó Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam cho rằng, liên kết chặt chẽ và sâu rộng giữa các tác nhân là yếu tố sống còn để ngành nông nghiệp Việt Nam có thể phát huy giá trị và vươn ra thị trường quốc tế.
Liên kết để vươn xa
Nếu thiếu sự liên kết này, nông nghiệp khó có thể nâng cao tầm vóc và cải thiện thu nhập cho nông dân. Ông Ngọc đặc biệt đề cao mô hình liên kết “5 nhà” (Nhà nước - Nhà khoa học - Nhà doanh nghiệp - Nhà nông - Ngân hàng) như một giải pháp hiệu quả để giải quyết các mâu thuẫn phát sinh trong quá trình hội nhập, không chỉ về mặt kỹ thuật, vốn, mà còn cả quy mô thị trường và chất lượng sản phẩm. Ông cũng khẳng định, phát triển nông nghiệp bền vững, hướng đến sản xuất xanh, hữu cơ là xu hướng tất yếu, đòi hỏi vai trò định hướng của Nhà nước.
Về phía địa phương, ông Ngô Bá Đức, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng xúc tiến thương mại du lịch thuộc Trung tâm xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp Văn phòng UBND tỉnh Hải Dương cho biết, tỉnh đang đẩy mạnh chuyển đổi xanh trong nông nghiệp. Hải Dương tích cực hỗ trợ các hợp tác xã, cơ sở sản xuất và nông dân ứng dụng công nghệ số vào sản xuất và kinh doanh, ví dụ như sử dụng phần mềm kế toán, bao bì và nhãn mác có mã QR.
Các đơn vị cũng chú trọng quảng bá sản phẩm trên các nền tảng trực tuyến như TikTok, Zalo, fanpage, sàn thương mại điện tử, đồng thời tham gia hội chợ và tìm kiếm thị trường cả trong và ngoài nước, đặc biệt là khu vực ASEAN. Việc áp dụng máy móc và hệ thống tự động hóa đã giúp giảm đáng kể chi phí nhân công. Các sản phẩm xanh chủ lực của Hải Dương như vải thiều, cà rốt, rau ăn lá, hành tỏi, bánh đậu xanh và củ ngưu bàng hiện đang được tiêu thụ chủ yếu ở thị trường nội địa và một số quốc gia như Trung Quốc và Hàn Quốc.
“Việc chuyển đổi sang nông nghiệp xanh đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, góp phần tăng thu nhập cho người dân, đóng góp vào ngân sách địa phương, tạo thêm việc làm và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường về các sản phẩm xanh, an toàn, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững”, ông Đức chia sẻ.
Là một điển hình cho thành công của nông nghiệp hữu cơ, ông Trương Thanh Viện, đại diện Hợp tác xã điều hữu cơ Truecoop (Ninh Thuận) chia sẻ về việc đạt chứng nhận quốc tế nhờ cải tiến quy trình và ứng dụng thương mại điện tử để mở rộng thị trường. Nền tảng số đã giúp hợp tác xã tiếp cận khách hàng một cách dễ dàng, không bị giới hạn bởi yếu tố địa lý, từ đó mở rộng thị trường, giảm chi phí và nâng cao hiệu quả phân phối. Trong kỷ nguyên số, việc ứng dụng công nghệ chính là chìa khóa để thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu nông sản xanh.
Đồng quan điểm, ông Dương Trọng Hải, Giám đốc Trung tâm Nông nghiệp số, Tập đoàn VNPT cho rằng, chuyển đổi nông nghiệp xanh tại Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn bởi nền sản xuất manh mún với 10 triệu nông hộ có diện tích đất dưới 0,5ha. Chuyển đổi xanh trước tiên phải dựa trên nền tảng chuyển đổi số, VNPT sẽ hỗ trợ các hộ nông dân nhỏ lẻ liên kết lại trở thành những mảnh đất lớn. Nền tảng số quốc gia đóng vai trò trung tâm kết nối dữ liệu và các bên liên quan là then chốt để hiện thực hóa nông nghiệp xanh và bền vững.

Ngành Ngân hàng tích cực thúc đẩy tín dụng tam nông
Đẩy mạnh tài trợ nông nghiệp xanh
Ông Đào Duy Nam, Phó Giám đốc khu vực miền Bắc Nam A Bank cho biết, ngân hàng đang tập trung nguồn lực tín dụng vào 3 lĩnh vực chủ chốt của nông nghiệp: chuỗi giá trị thủy sản, ngành cao su và trồng chè.
“Chúng tôi tiếp cận các lĩnh vực này một cách sâu sát và từ rất sớm, với ngân sách hiện tại khoảng 10.000 tỷ đồng. Bước đầu, nguồn vốn này đã hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp và người nông dân trong toàn bộ chuỗi giá trị, từ khâu nuôi trồng, chế biến đến tiêu thụ”, ông Nam chia sẻ.
Hưởng ứng chủ trương của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phát triển nông nghiệp xanh và chương trình 1 triệu hecta lúa thích ứng với biến đổi khí hậu, Nam A Bank đã và đang đồng hành cùng các lĩnh vực liên quan. Ngân hàng cam kết sẽ tiếp tục triển khai các chương trình hỗ trợ theo định hướng này. Trước mắt, Nam A Bank đã tài trợ cho một vựa lúa tại ĐBSCL. Tới đây, ngân hàng dự kiến triển khai các gói hỗ trợ về máy móc, thiết bị, công cụ lao động và kỹ thuật cho nông dân nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và khả năng tiếp cận thị trường.
Để thực hiện mục tiêu này, theo ông Nam, Nam A Bank đang tích cực tìm kiếm và triển khai các nguồn vốn xanh từ 3 kênh chính: nguồn vốn trong nước, nguồn vốn quốc tế đã ký kết với Nhật Bản (ước tính 200 triệu USD sẽ sớm được giải ngân theo tiến độ cam kết) và phát hành trái phiếu xanh (đang trong quá trình xin cấp phép với hạn mức 2.000 tỷ đồng). Song song với đó, ngân hàng chú trọng truyền thông, nâng cao nhận thức về nông nghiệp xanh cho nông dân và cộng đồng; cung cấp các công cụ, thông tin cơ bản về nông nghiệp xanh trên nền tảng số, đồng thời hỗ trợ kỹ thuật và tư vấn cho nông dân trong quá trình chuyển đổi sang sản xuất nông nghiệp xanh.
PGS.TS. Luật sư Trần Văn Dũng, chủ sở hữu hãng luật Vũ MacKenzie Việt Nam (VMK) cho rằng, cần cá biệt hóa chính sách tín dụng ưu đãi cho nhà nông, đi sâu vào đặc thù của từng vùng miền. Thay vì tập trung vào tài sản thế chấp, ông Dũng đề xuất các gói vay nên được thiết kế dựa trên phương án sản xuất khả thi và hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Cách tiếp cận này sẽ giảm thiểu rủi ro cho cả người vay lẫn bên cho vay, đồng thời mở rộng cơ hội tiếp cận vốn cho nông dân. Ông cũng chỉ ra tiềm năng của tín dụng vi mô, triển khai thông qua hợp tác giữa ngân hàng, các tổ chức tín dụng địa phương và nền tảng fintech, như một giải pháp hiệu quả cho các hợp tác xã và hộ nông dân quy mô nhỏ.
Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/nong-nghiep-tang-toc-nho-lien-ket-5-nha-164507.html