Nông nghiệp Tây Ninh: Bứt phá để hoàn thành các nhiệm vụ giai đoạn 2021-2025
Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của chính quyền các cấp, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, sản xuất nông nghiệp của tỉnh đạt được một số kết quả quan trọng
Trong năm 2023, ngành Nông nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn do tác động bất lợi của thời tiết, giá cả vật tư nông nghiệp, tiền công lao động tăng, giá cả sản phẩm nông nghiệp thiếu ổn định, nguy cơ dịch bệnh trên cây trồng và vật nuôi vẫn còn hiện hữu.
Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của chính quyền các cấp, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, sản xuất nông nghiệp của tỉnh đạt được một số kết quả quan trọng.
Duy trì sản xuất ổn định
Tình hình sản xuất được duy trì tương đối ổn định, các cây trồng chính phát triển tốt; hầu hết các sản phẩm nông nghiệp đáp ứng nhu cầu của thị trường, được tiêu thụ chủ yếu ở trong nước. Việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất ngày càng rộng rãi, góp phần làm tăng năng suất, chất lượng nông sản.
Theo Sở NN&PTNT, nông nghiệp của tỉnh có bước tăng trưởng mạnh nhất kể từ khi thực hiện kế hoạch giai đoạn 2020-2025 với tổng giá trị sản phẩm (GRDP) của ngành năm 2023 đạt 21.725 tỷ đồng, đóng góp 19,8% trong cơ cấu GRDP của tỉnh, với tốc độ tăng trưởng đạt 3% (vượt kế hoạch 0,9%). Bên cạnh đó, hầu hết các chỉ tiêu của ngành trong chỉ tiêu theo dõi kinh tế - xã hội của tỉnh đều đạt và vượt so với kế hoạch.
Cơ cấu nông nghiệp tiếp tục chuyển dịch theo định hướng, tỉnh ban hành và triển khai thực hiện Đề án vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Tây Ninh và huyện Tân Châu, tiếp tục chuyển đổi 1.615 ha cây trồng có năng suất, hiệu quả kinh tế thấp như: mía, cao su… sang phát triển các cây trồng khác có giá trị kinh tế cao như: chuối, mì, sầu riêng… nâng giá trị sản phẩm thu được trên 1 ha lên 109 triệu đồng/ha/năm (tăng 3 triệu đồng so cùng kỳ).
Chăn nuôi tập trung, an toàn sinh học phát triển ổn định, với 587 trại gia súc và 110 trại gia cầm, tăng 8% so cùng kỳ, trong năm không có dịch bệnh xảy ra.
Nổi bật là việc thu hút đầu tư chăn nuôi mạnh mẽ, UBND tỉnh đã phê duyệt chủ trương đầu tư cho 17 dự án với tổng mức đầu tư 1.019 tỷ đồng, đến nay có 146 dự án chăn nuôi đang hoạt động, trong đó có các nhà đầu tư chiến lược là Tập đoàn Hùng Nhơn, Công ty BAF, Công ty Vinamilk…góp phần hình thành các chuỗi liên kết.
Triển khai phương án phát triển rừng bền vững, thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng, trồng mới 608 ha rừng, trên 345.000 cây giống phân tán. Quyết liệt xử lý các sai phạm trên đất lâm nghiệp. Thực hiện Đề án phát triển vùng nuôi trồng chuyên canh thủy sản gắn với hệ thống kênh thuộc công trình thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa, diện tích nuôi trồng duy trì 570 ha với tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng đạt 15.100 tấn.
Còn nhiều khó khăn
Theo Sở NN&PTNT, năm 2023, sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn do thời tiết, giá vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi, dịch vụ nông nghiệp, tiền công lao động tăng mạnh, đầu ra của sản phẩm nông sản không ổn định…
Bên cạnh đó, việc thu hút, mời gọi doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp còn khó khăn, nông dân và doanh nghiệp chưa mạnh dạn đầu tư công nghệ, trang thiết bị, ứng dụng công nghệ cao do vùng nguyên liệu còn đan xen, khó thực hiện cơ giới hóa; đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố thời tiết, dịch bệnh, thị trường, đòi hỏi nguồn vốn lớn, tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 vừa tăng số lượng chỉ tiêu, tiêu chí và vừa tăng mức độ yêu cầu đạt chuẩn; một số chỉ tiêu, tiêu chí Trung ương quy định chưa sát với thực tế địa phương.
Ngoài ra, kinh tế hợp tác, HTX nông nghiệp, tổ hợp tác vẫn còn hạn chế trong khâu quản lý, chưa xây dựng được phương án phát triển sản xuất - kinh doanh, chưa thể hiện vai trò dẫn dắt trong thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp. Mô hình HTX nông nghiệp kiểu mới quy mô lớn chậm được hình thành và phát triển. Việc triển khai thực hiện một số chính sách vẫn còn chậm do khó khăn trong các quy trình, thủ tục cũng như các điều kiện, quy định thụ hưởng chính sách.
5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm
Tại hội nghị tổng kết ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024, ông Trần Văn Chiến- Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, năm 2024 là năm bứt phá để hoàn thành các nhiệm vụ giai đoạn 2021-2025, theo đó, ngành nông nghiệp Tây Ninh tập trung hoàn thành các chỉ tiêu: duy trì tốc độ tăng trưởng GRDP của ngành từ 3% trở lên; nâng giá trị sản phẩm thu được trên 1 ha đất trồng trọt từ 109 lên 112 triệu đồng/ha/năm; duy trì tỷ lệ che phủ của rừng đạt 16,3%.
Đến cuối năm 2024, toàn tỉnh có 68 xã nông thôn mới (NTM) (95,8%), 25 xã NTM nâng cao (35,2%), 4 xã NTM kiểu mẫu (5,6%); 4 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM (44,4%).
Theo Sở NN&PTNT, với mục tiêu phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị một cách bền vững, thời gian tới tiếp tục cơ cấu lại ngành, đổi mới tư duy kinh tế nông nghiệp: tập trung triển khai từ 1-2 dự án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo các đề án vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Tây Ninh và vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao huyện Tân Châu, nhằm giúp từng bước phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp đạt tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm, hướng tới đáp ứng yêu cầu xuất khẩu (VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ).
Song song đó, ngành nông nghiệp tiếp tục định hướng phát triển chăn nuôi tập trung, trang trại quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, sử dụng các biện pháp an toàn sinh học trong trong chăn nuôi và xử lý chất thải nhằm tăng hiệu quả sản xuất, bảo đảm môi trường, phát triển chăn nuôi ổn định, bền vững; hỗ trợ, tạo điều kiện thu hút đầu tư cơ sở giết mổ và nhà máy chế biến sâu các sản phẩm chăn nuôi sau giết mổ.
Đồng thời, ngành nông nghiệp đẩy mạnh chương trình phát triển sản phẩm OCOP, phấn đấu có thêm từ 20-25 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP, trong đó có ít nhất 5 sản phẩm được đánh giá, xếp hạng 4 sao.
Hướng dẫn các địa phương lập hồ sơ đề nghị xét công nhận các nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh theo quy định. Phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố, rà soát, tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch bố trí dân cư trung hạn, hằng năm và giai đoạn 2021-2025.
Lãnh đạo tỉnh tham quan trang trại chăn nuôi bò sữa tại Công ty Vinamilk (huyện Bến Cầu).
Ông Trần Văn Chiến nhấn mạnh, để đạt được những mục tiêu trên, tỉnh sẽ tập trung triển khai thực hiện tốt 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm như: Đề án vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh Tây Ninh và huyện Tân Châu; phương án sử dụng đất bàn giao về địa phương quản lý của các công ty nông nghiệp để tập trung triển khai dự án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; thu hút đầu tư; các dự án công trình, dự án trọng điểm phát triển sản xuất…
Tiếp tục cơ cấu lại ngành, đổi mới tư duy kinh tế nông nghiệp, theo dõi tình hình sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với hình thành vùng nguyên liệu tập trung, trang trại chăn nuôi quy mô lớn, từ đó, sớm hình thành 1-2 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo định hướng đã phê duyệt.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp thực hiện các chính sách về nông nghiệp, nhất là các chính sách liên kết sản xuất, hỗ trợ lãi vay, chứng nhận GAP, thủy lợi nhỏ, tưới tiết kiệm, giá nước sạch nông thôn, hệ thống xử lý nước hộ gia đình… nhằm bảo đảm các chính sách được nhanh chóng đi vào cuộc sống.
Chú trọng việc liên kết vùng, hợp tác các tỉnh, thành phố, viện, trường.. thực hiện các mô hình khuyến nông, hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật để tăng năng suất, chất lượng, đem lại hiệu quả sản xuất cho nông dân; song song đó, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số trong công tác quản lý, vận hành các phần mềm, ứng dụng, hệ thống của Trung ương và của tỉnh bảo đảm hỗ trợ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp yên tâm sản xuất.
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình MTQG xây dựng NTM, chương trình Mỗi xã một sản phẩm, chương trình xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường. Theo dõi, đôn đốc thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cơ bản- nhất là dự án trọng điểm tưới tiêu phía Tây sông Vàm Cỏ giai đoạn 2 bảo đảm tiến độ thi công và giải ngân đạt 100%.