Nông nghiệp trước biến đổi khí hậu: Kỳ vọng vào đổi mới công nghệ

Chính phủ nhiều quốc gia châu Á đang ngày càng lo ngại trước viễn cảnh biến đổi khí hậu sẽ làm suy yếu an ninh lương thực của họ. Các nước kỳ vọng đổi mới công nghệ là giải pháp chính để đối phó với nguy cơ này.

 Úc năm nay phải đối phó với những đợt hạn hán nghiêm trọng. Đây là quang cảnh một cánh đồng chụp hôm 24-9. Ảnh: Reuters

Úc năm nay phải đối phó với những đợt hạn hán nghiêm trọng. Đây là quang cảnh một cánh đồng chụp hôm 24-9. Ảnh: Reuters

Mùa hè ngày càng nóng hơn

Ông Takeshi Ishisaka, một nông dân trồng lúa 69 tuổi ở tỉnh Toyama, Nhật Bản, vừa hoàn thành vụ thu hoạch của mình vào giữa tháng 9. Ông rất vui, thậm chí bất ngờ với kết quả vụ mùa. “Chất lượng gạo tốt hơn”, ông nói với tờ Nikkei Asian Review và giải thích rằng 100% gạo đạt chất lượng loại I.

Thành quả của ông Ishisaka đã phản ánh nỗ lực 15 năm của tỉnh Toyama trong việc tìm cách phát triển giống lúa mới có khả năng chịu được nhiệt độ cao và các điều kiện thời tiết khắc nghiệt khác. Từ năm 2002, Toyama đã phát hiện ra “mối đe dọa” của biến đổi khí hậu khi tỉnh này chứng kiến một vụ thu hoạch lúa tồi tệ nhất từ trước đến nay. Chỉ một nửa vụ mùa mang lại chất lượng gạo loại I. Nhiệt độ quá cao được xác định là thủ phạm.

“Chúng tôi cần phải có biện pháp”, Yoichiro Kojima - chuyên gia tại Viện nghiên cứu nông nghiệp Toyama nhớ lại. Năm sau đó, Viện bắt tay nghiên cứu những loại giống mới có thể chịu được thời tiết nóng và mưa lớn.

Kết quả là giống lúa có tên Fufufu (sự giàu có) ra đời nhiều năm sau đó bằng cách lai năm giống lúa có các đặc tính khác nhau, như khả năng chịu nhiệt, kháng bệnh, chiều cao cây thấp hơn (để không bị đổ gãy vì mưa lớn)...

Ông Ishisaka bắt đầu trồng Fufufu vào năm 2018 và năm nay đã tăng gấp đôi diện tích canh tác lên 10 héc ta. Trước đây, ông chỉ trồng Koshihikari - một trong những giống lúa nổi tiếng nhất của Nhật Bản, chiếm 30% tổng số lúa được trồng trong nước.

“Mùa hè đang nóng hơn và các giống lúa thông thường đã không còn phù hợp với thời tiết” ông Ishisaka nói.
Theo Cơ quan Khí tượng Nhật Bản, năm 2018, trung bình số ngày có nhiệt độ vượt quá 35 độ C ở 13 khu vực của Nhật Bản là 7,1. Con số này năm 2000 là 3 và năm 1990 là 1,8.

Nông dân Nhật Bản không phải là những người duy nhất cảm thấy nóng. Một báo cáo gần đây của Hội đồng liên chính phủ về biến đổi khí hậu cảnh báo, giá ngũ cốc có thể tăng tới 23% vào năm 2050 do biến đổi khí hậu. Điều này sẽ làm tổn thương người nghèo và gây ra những nguy cơ đặc biệt nghiêm trọng ở các nước châu Á đông dân số.

Theo Thỏa thuận Paris (về chống biến đổi khí hậu), 196 quốc gia đã cam kết sẽ thực hiện các bước để hạn chế mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu trong thế kỷ này xuống dưới 2 độ C. Nhưng Akio Shibata, người đứng đầu Viện nghiên cứu tài nguyên thiên nhiên Nhật Bản, cho rằng sự nóng lên toàn cầu đang “tăng tốc” và nhiệt độ sẽ tăng “nhanh hơn dự kiến.”

Vào tháng 9, Tổ chức Khí tượng Thế giới cho biết nhiệt độ trung bình toàn cầu đã tăng 1,1 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, và tăng 0,2 độ C so với giai đoạn 2011-2015.

Nguy hiểm không chỉ là số liệu trên lý thuyết. Trên khắp châu Á, nhiều quốc gia đang vật lộn với điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Chương trình Lương thực Thế giới cho biết số người bị đói đã tăng lên năm thứ ba liên tiếp vào năm 2018, lên tới 821 triệu người. “Yếu tố chính đằng sau xu hướng này là sự nóng lên toàn cầu” - ông Shibata nói.

Tại Thái Lan, nước xuất khẩu gạo số 2 thế giới, một đợt hạn hán kéo dài trong năm nay đã tấn công các vùng trồng lúa phía Bắc và Đông Bắc, theo sau đó là những cơn mưa xối xả và lũ lụt. Lũ lụt được cho là đã gây thiệt hại từ 20-25 tỉ baht (657-821 triệu đô la Mỹ) và giảm sản lượng 100.000 tấn, tương đương 8% xuất khẩu gạo của Thái Lan. Ủy ban Tài nguyên Nước Quốc gia Thái Lan đã phải đưa ra kế hoạch trị giá 13 tỉ baht để đối phó với hạn hán và lũ lụt.

Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, cũng bị hạn hán “tấn công” trong năm nay. Úc, một nước xuất khẩu lúa mì lớn, lần đầu tiên đã phải nhập khẩu ngũ cốc trong 12 năm do thiếu nước.

Công nghệ mang lại tia hy vọng

Một công ty công nghệ nông nghiệp của Nhật Bản gần đây đã nhận được nhiều đơn đặt hàng từ Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan và Brazil cho sản phẩm tấm phim tích tụ ẩm (hydrogel), có tác dụng giảm đáng kể lượng nước sử dụng để tưới cây.

“Số lượng đơn hàng từ nước ngoài đã tăng gấp ba lần so với hai năm trước đây”, đại diện của công ty này nói.
Chính phủ các nước châu Á hy vọng họ sẽ khai thác các công nghệ mới và cạnh tranh cũng như hợp tác để đảm bảo an ninh lương thực cho người dân của mình. Chẳng hạn, Singapore đã thành lập Công viên sáng tạo lương thực và nông nghiệp, rộng 18 héc ta để nghiên cứu canh tác công nghệ cao. Singapore, mặc dù giàu có, song vẫn ở vị trí bấp bênh vì nhập khẩu tới 90% thực phẩm. Năm 2018, nước này đã nhập 11,3 tỉ đô la Singapore (8,18 tỉ đô la Mỹ) lương thực và thực phẩm.

Việc phụ thuộc lương thực nhập khẩu khiến quốc đảo này dễ bị tổn thương nếu các đối tác hạn chế xuất khẩu để bảo vệ nguồn cung của mình. Singapore đã nhận thức được rủi ro này và tìm cách mở rộng nguồn nhập khẩu tới 180 quốc gia. Họ cũng đặt mục tiêu tăng gấp ba sản lượng lương thực trong nước vào năm 2030.

Ở Philippines, chính phủ đang thu thập dữ liệu rộng rãi và cung cấp lời khuyên cho nông dân về cách đối phó với biến đổi khí hậu. Bộ Nông nghiệp đã đưa ra chương trình Sáng kiến Thích ứng và Giảm thiểu trong nông nghiệp vào năm 2013 để đánh giá mức độ nhạy cảm của cộng đồng nông dân với sự thay đổi thời tiết và đề ra giải pháp xử lý.

“Họ cho chúng tôi biết khi nào trời sẽ mưa, khi nào là thời điểm tốt nhất để trồng, khi nào nên phơi hạt...”, bà Quahao một nông dân nói. Các cộng đồng ở địa phương cũng được giới thiệu các lựa chọn thay thế, như trồng rau và nuôi vịt, để đa dạng hóa thu nhập và nguồn cung cấp thực phẩm.

Một bước tiến lớn trong hợp tác đa phương đã diễn ra hồi tháng 8, khi diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) đưa ra tuyên bố chung về an ninh lương thực, trong đó bộ trưởng nông nghiệp các thành viên thừa nhận tác động ngày càng tăng của biến đổi khí hậu đối với sản xuất.

Ông Shibata của Viện nghiên cứu tài nguyên thiên nhiên Nhật Bản cảnh báo, nếu thất bại trong việc thực hiện các biện pháp đối phó đầy đủ với biến đổi khí hậu, nhiều nguy cơ sẽ xảy đến như nạn đói, xung đột, đặc biệt là ở các quốc gia dễ bị tổn thương ở châu Á.

(Theo Nikkei Asian Review)

Minh Đăng

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/295460/-nong-nghiep-truoc-bien-doi-khi-hau-ky-vong-vao-doi-moi-cong-nghe.html