Nông nghiệp xanh: Tìm cơ hội trong thách thức

Ngành nông nghiệp đang chịu nhiều thách thức do tác động của biến đổi khí hậu. Đứng trước thách thức này, nhiều doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp trong nước đã sớm chuyển mình, đầu tư đổi mới công nghệ, xây dựng vùng nguyên liệu bền vững hơn, ổn định chất lượng sản phẩm, gia tăng chuỗi giá trị sản phẩm để có thể tham gia sâu vào hệ thống phân phối trên thị trường toàn cầu.

Nhiều doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp trong nước, nhất là các doanh nghiệp tư nhân đã sớm chuyển mình, đầu tư đổi mới công nghệ, xây dựng vùng nguyên liệu bền vững - Ảnh: VGP/MT

Nhiều doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp trong nước, nhất là các doanh nghiệp tư nhân đã sớm chuyển mình, đầu tư đổi mới công nghệ, xây dựng vùng nguyên liệu bền vững - Ảnh: VGP/MT

Trong những năm gần đây, biến đổi khí hậu không chỉ gây ra các hiện tượng thời tiết cực đoan mà còn ảnh hưởng đến nông nghiệp, làm giảm diện tích đất canh tác, hạn hán và sâu bệnh dẫn đến năng suất canh tác thấp hoặc mất mùa hoàn toàn.

Hiện tượng nóng lên toàn cầu đang tác động đến sản lượng rất nhiều cây trồng. Hạn hán còn gây hoang mạc hóa một số vùng, đặc biệt vùng Nam Trung Bộ, vùng cát biển, trung du, miền núi. Theo các nhà nghiên cứu, biến đổi khí hậu dự kiến làm giảm 12% diện tích sản xuất nông nghiệp ở đồng bằng sông Hồng và 24% ở đồng bằng sông Cửu Long. Theo kịch bản biến đổi khí hậu nước biển dâng 1 m, năng suất canh tác lúa ở vùng đồng bằng sông Cửu Long có nguy cơ giảm 40% và nhiều cây trồng khác cũng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Đứng trước thách thức này, nhiều doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp trong nước, nhất là các doanh nghiệp tư nhân đã sớm chuyển mình, đầu tư đổi mới công nghệ, xây dựng vùng nguyên liệu bền vững hơn, ổn định chất lượng sản phẩm, gia tăng chuỗi giá trị sản phẩm để có thể tham gia sâu vào hệ thống phân phối trên thị trường toàn cầu.

Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển của TTC AgriS quy tụ các chuyên gia, nhà khoa học, kỹ sư tài năng để kiến tạo những giải pháp nông nghiệp tiên tiến, tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng cao để nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm từ cây mía, dừa - Ảnh: VGP/MT

Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển của TTC AgriS quy tụ các chuyên gia, nhà khoa học, kỹ sư tài năng để kiến tạo những giải pháp nông nghiệp tiên tiến, tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng cao để nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm từ cây mía, dừa - Ảnh: VGP/MT

Tiên phong của các doanh nghiệp tư nhân

Có thể kể đến Công ty cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa (TTC AgriS), một doanh nghiệp tốp đầu trong ngành mía đường và các sản phẩm từ cây dừa, lúa gạo đã tạo thu nhập cho hơn 8.000 hộ nông dân trồng cây mía và tạo việc làm cho hơn 40.000 lao động các địa phương trên cả nước. Đặc biệt, với việc đầu tư cho công nghệ cao trong ngành nông nghiệp của mình, TTC AgriS đang nỗ lực hội nhập sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu, làm lực lượng nòng cốt góp phần vào phát triển kinh tế đất nước.

Bà Đặng Huỳnh Ức My, Chủ tịch HĐQT TTC AgriS cho biết, TTC AgriS luôn mang khát vọng đồng hành cùng đất nước trong lộ trình chuyển đổi kinh tế xanh, tham gia mở rộng chuỗi giá trị nông nghiệp đa phương bền vững.

"Với mục tiêu tiên phong trong nền nông nghiệp hiện đại, bền vững, gắn với trách nhiệm cộng đồng và đổi mới sáng tạo, hơn 55 năm phát triển, TTC AgriS là doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao dẫn đầu ngành mía đường với 46% thị phần và hiện diện tại hơn 69 thị trường quốc tế. TTC AgriS tạo chuỗi cung ứng vùng nguyên liệu gần 72.000 ha tại Việt Nam, Lào, Campuchia và Australia, bảo đảm đầu vào chế biến đa dạng sản phẩm từ mía, dừa, chuối, gạo... đến thực phẩm dinh dưỡng cao", bà Đặng Huỳnh Ức My chia sẻ.

TTC AgriS tiên phong ứng dụng nền tảng số vào nông nghiệp. Theo đó, TTC AgriS áp dụng hệ thống quản lý doanh nghiệp ERP Oracle đồng bộ giúp doanh nghiệp kết nối vùng trồng đến logistics và phân phối, chuẩn hóa truy xuất nguồn gốc, tăng giá trị xuất khẩu và đáp ứng tiêu chuẩn ESG.

Đứng trước nhiều thách thức về biến đổi khí hậu, TTC AgriS cùng chung tay với mục tiêu cam kết đạt Net Zero vào năm 2035 và mô hình kinh tế tuần hoàn tại TTC AgriS, trong đó, doanh nghiệp không chỉ đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số cho sản xuất trong nước mà còn xúc tiến mở rộng hệ sinh thái nông nghiệp xanh sang các quốc gia trong khu vực nhằm đưa doanh nghiệp trở thành đối tác quan trọng trong chuỗi thương mại quốc tế.

Cụ thể, vào ngày 18/4 vừa qua, TTC AgriS đã ký kết với Tập đoàn Sungau Budi của Indonesia triển khai các thỏa thuận hợp tác theo Biên bản ghi nhớ (MOU) ký trước đó vào tháng 3/2025 tại Indonesia về hợp tác chiến lược nâng cao ứng dụng khoa học - công nghệ và phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp của hai nước.

Với hợp tác này, TTC AgriS và Sungai Budi sẽ cùng xây dựng Trung tâm R&D về nông nghiệp bền vững, triển khai mô hình vùng nguyên liệu mía kiểu mẫu (demo farm) trên diện tích 2.000 ha tại Indonesia. Dự án ứng dụng công nghệ canh tác hiện đại, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng nguyên liệu và thúc đẩy chuyển đổi xanh trong chuỗi giá trị cho sản phẩm từ cây mía.

Để xây dựng một môi trường làm việc, nghiên cứu sáng tạo các công nghệ mới trong ngành nông nghiệp, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển của TTC AgriS mới khánh thành đã quy tụ các chuyên gia, nhà khoa học, kỹ sư tài năng để kiến tạo những giải pháp nông nghiệp tiên tiến, tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng cao để nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm từ cây mía, dừa từ đó phát triển hơn nữa xuất khẩu.

TTC AgriS và Sunga Budi sẽ cùng hợp tác liên doanh trong năm 2025 mở rộng quy mô 300 triệu lít các sản phẩm từ dừa - Ảnh: VGP/MT

TTC AgriS và Sunga Budi sẽ cùng hợp tác liên doanh trong năm 2025 mở rộng quy mô 300 triệu lít các sản phẩm từ dừa - Ảnh: VGP/MT

Tập trung vào các cây trồng chủ lực

Riêng đối với ngành dừa, TTC AgriS và Sunga Budi sẽ cùng hợp tác liên doanh trong năm 2025 mở rộng quy mô 300 triệu lít các sản phẩm từ dừa. Trong đó, trong giai đoạn 1 triển khai sản xuất và thương mại sản phẩm từ dừa quy mô 120 triệu lít cung ứng cho thị trường Indonesia và quốc tế, đồng thời phát triển 20.000 ha vùng nguyên liệu dừa hữu cơ với sự tham gia hợp tác của nông dân địa phương Indonesia.

Về sản lượng, TTC AgirS liên tiếp 5 năm duy trì sản lượng hơn 1 triệu tấn đường cung ứng cho thị trường nội địa và quốc tế trên nền tảng vùng nguyên liệu gần 72.000 ha tại 4 nước Việt Nam, Lào, Campuchia và Australia. Nhờ ứng dụng công nghệ thu nước từ quá trình bố hơi nước mía trong khâu luyện đường, TTC AgirS còn sản xuất hơn 3,6 triệu lít nước tinh khiết Miaqua. Ngoài ra, 100% nước thải sau sản xuất được xử lý và tận dụng để giải nhiệt máy móc, tưới cây, nuôi cá, hệ thống xử lý nước thải đạt quy chuẩn Việt Nam 40:2011/BTNMT; 100% nhà máy và văn phòng triển khai 5 S trong quản lý vệ sinh môi trường làm việc.

Về quản lý vùng nguyên liệu đối với cây dừa và cây mía, thời gian qua TTC AgriS áp dụng phương pháp thiên địch thả ong mắt đỏ trên diện rộng để diệt sâu đục thân mía. Phương pháp cho kết quả tỉ lệ sâu hại chỉ xuất hiện khoảng 1-2%. Thời gian tới, tiếp tục nhân rộng phương pháp này trên quy mô lớn, mục tiêu 60.000 ha cây mía.

Với sự hỗ trợ của Chính phủ cùng các bộ, ngành, đối tác và người nông dân, TTC AgriS đã triển khai thành công mô hình nông nghiệp thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu. Biến thách thức thành cơ hội, đó là thành quả của tư duy dám nghĩ, dám làm, thử nghiệm áp dụng các giải pháp sáng tạo kết hợp chuyển đổi số để từ đó xây dựng một nền nông nghiệp hiệu quả cao, góp phần tích cực vào sự phát triển nền kinh tế đất nước.

Minh Thi

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/nong-nghiep-xanh-tim-co-hoi-trong-thach-thuc-102250507153327793.htm