Nông nghiệp xanh và du lịch cộng đồng 'cùng đi'

Không chỉ nổi danh là vùng trồng chè có diện tích lớn và lâu đời của mảnh đất 'Đệ nhất danh trà', huyện Đại Từ còn được thiên nhiên ưu đãi với khí hậu mát mẻ, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp. Cũng tại nơi đây, đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Dao... vẫn lưu giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống, tạo nên sắc màu đa dạng cho vùng đất nằm ở sườn Đông dãy Tam Đảo. Dựa trên thế mạnh đó, huyện Đại Từ đã định hướng phát triển nông nghiệp xanh gắn với du lịch cộng đồng, giúp người dân nâng cao đời sống trên chính quê mình.

Du khách trải nghiệm đồi chè và văn hóa trà tại xã La Bằng.

Du khách trải nghiệm đồi chè và văn hóa trà tại xã La Bằng.

Hoàng Nông (Đại Từ) trước đây là một xã thuần nông, người dân sinh sống chủ yếu nhờ trồng lúa, làm chè và chăn nuôi nhỏ lẻ, nên đời sống còn nhiều khó khăn. Bù lại, Hoàng Nông được thiên nhiên ưu ái nằm ở chân dãy núi Tam Đảo hùng vĩ, có dòng suối Cửa Tử đẹp như tranh vẽ chảy qua giữa những đồi chè bát úp xanh ngát trải dài tít tắp. Đây cũng chính là điểm nhấn để huyện Đại Từ xây dựng xã Hoàng Nông trở thành điểm du lịch cộng đồng độc đáo, thu hút đông đảo du khách trong những năm gần đây.

Nhờ tận dụng vị trí gần suối Cửa Tử, lại có sẵn những đồi chè đẹp, kiến trúc nhà sàn và nét sinh hoạt văn hóa đặc trưng, nhiều hộ dân trong xã đã mở dịch vụ du lịch homestay. Họ vừa kết hợp giữa sản xuất chè an toàn với du lịch tham quan, trải nghiệm. Du khách có thể tham gia những trải nghiệm độc đáo như: Hái chè, sao chè, trekking xuyên rừng băng suối, ngủ nhà sàn...

Ông Nguyễn Anh Tấn, Chủ tịch UBND xã Hoàng Nông: Mặc dù những ngày đầu bắt tay vào làm du lịch, nhiều người còn bỡ ngỡ, song chính quyền đã trực tiếp cùng bà con đi học hỏi các mô hình du lịch cộng đồng nổi tiếng ở Hòa Bình, Lạng Sơn... Đến nay, các hộ làm dịch vụ cơ bản đáp ứng được nhu cầu của du khách, nhiều hộ sống được nhờ du lịch.

Cùng với Hoàng Nông, xã La Bằng là một trong hai địa phương được huyện Đại Từ lựa chọn triển khai Đề án phát triển khu du lịch sinh thái giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030. Du khách khi đến với La Bằng không khỏi mê đắm trước cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp, thoải mái thu vào tầm mắt một màu xanh ngút ngàn của lúa, của rừng và của những đồi chè nối tiếp đến tận chân trời. Xa xa là dãy núi Tam Đảo hùng vĩ, nơi dòng suối Kẹm thơ mộng chảy qua, ấp ôm xóm làng.

Cả hai xã La Bằng và Hoàng Nông đều có đông đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống. Bà con còn lưu giữ được những làn điệu hát Then, đàn Tính của dân tộc Tày, Nùng; lễ Cấp sắc, Tết nhảy của dân tộc Dao hay trang phục, vật dụng truyền thống của đồng bào các dân tộc. Đây cũng là những địa phương có truyền thống lịch sử cách mạng hào hùng.

Từ thực tế này, ngày 6/7/2022, UBND huyện Đại Từ đã ban hành Đề án số 02/ĐA-UBND về phát triển Khu du lịch sinh thái La Bằng, Hoàng Nông giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030.

Thực hiện Đề án, huyện đã bố trí nguồn lực đầu tư mở rộng tuyến đường từ Quốc lộ 37 qua xã Bản Ngoại đi xã La Bằng, với kinh phí 50 tỷ đồng; mở rộng tuyến đường từ Quốc lộ 37 qua xã Tiên Hội đi xã Hoàng Nông, với kinh phí 77,7 tỷ đồng; mở rộng tuyến đường vào Điểm du lịch sinh thái xóm Đồng Khuân và xóm Cầu Đá, xã Hoàng Nông, với kinh phí gần 19 tỷ đồng...

Để phát triển du lịch, xã La Bằng đã thành lập Câu lạc bộ (CLB) Văn nghệ bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch nông thôn; xã Hoàng Nông thành lập Đội văn nghệ Pả Dung xóm Đồng Khuân và CLB Văn nghệ, dân vũ, thể dục, thể thao xóm La Lương.

Các CLB được hỗ trợ về trang phục, âm ly, loa, míc... phục vụ tập luyện và biểu diễn. Hiện nay, các thành viên đều có thể biểu diễn phục vụ các đoàn khách đến tham quan, trải nghiệm với các tiết mục văn nghệ như hát Then, đàn Tính, hát Sli, hát Lượn của đồng bào dân tộc Tày, Nùng; hát Pả Dung, tái hiện nghi lễ Cấp sắc, Tết nhảy của đồng bào dân tộc Dao. Ngoài ra, du khách còn được cùng bà con tham gia các hoạt động đốt lửa trại, giao lưu văn nghệ, múa sạp...

Du khách khám phá vẻ đẹp suối Cửa Tử, xã Hoàng Nông (Đại Từ).

Du khách khám phá vẻ đẹp suối Cửa Tử, xã Hoàng Nông (Đại Từ).

Nhờ triển khai thực hiện hiệu quả các nội dung Đề án, đến nay, tại các xã La Bằng, Hoàng Nông đã có 2 điểm du lịch được UBND tỉnh công nhận là điểm du lịch của tỉnh. Năm 2024, xã La Bằng đón 35.000 lượt du khách tới tham quan, trải nghiệm (tăng 175% so với năm 2022); xã Hoàng Nông đón 15.000 lượt du khách (tăng 150%).

Trên địa bàn hai xã có 13 cơ sở lưu trú, phục vụ được khoảng 450 khách/ngày; 16 nhà hàng ăn uống, phục vụ được trên 1.000 khách/ngày. Mỗi điểm du lịch hiện có trên 50 lao động làm việc thường xuyên. Ngoài ra, còn hàng chục lao động làm việc trong các hợp tác xã chè, vườn cây ăn trái, bán hàng phục vụ khách du lịch...

Đến nay, ngoài việc duy trì ổn định các tour, tuyến du lịch trên địa bàn và kết nối với các điểm du lịch khác trong tỉnh, huyện Đại Từ cũng đã xây dựng được sản phẩm du lịch cộng đồng nông nghiệp gắn với văn hóa trà.

Thông qua việc hỗ trợ, tạo điều kiện cho các hợp tác xã, doanh nghiệp trên địa bàn xây dựng trụ sở, khu chế biến, khu trưng bày giới thiệu và bán sản phẩm, không gian thưởng trà, đáp ứng các đoàn khách đông người đến tham quan, trải nghiệm; xây dựng các sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao để phát triển sản xuất, xây dựng thương hiệu và hỗ trợ phát triển du lịch.

Để khai thác, phát triển các sản phẩm nông nghiệp, nông thôn, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, sản phẩm OCOP phục vụ du lịch, huyện Đại Từ đã xây dựng thành công các mô hình trải nghiệm cho khách du lịch như: Hái, sao chè trải nghiệm; check-in, trải nghiệm vườn cây ăn trái; ngâm chân, tắm lá thuốc...

Nhóm Yêu thích làm du lịch xanh đang đẩy mạnh một số tour du lịch kết hợp trải nghiệm nông nghiệp địa phương tại huyện Đại Từ.

Nhóm Yêu thích làm du lịch xanh đang đẩy mạnh một số tour du lịch kết hợp trải nghiệm nông nghiệp địa phương tại huyện Đại Từ.

Hiện nay, địa phương đang tiếp tục khảo sát, xây dựng các tuyến du lịch đường dài, đi bộ leo núi tại các xã La Bằng, Hoàng Nông, đạp xe khám phá cung cường vành đai Tam Đảo...

Theo đồng chí Nguyễn Mạnh Hoạt, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Đại Từ: Một thành công rất lớn của Đề án là nhờ du lịch cộng đồng mà ngày càng có thêm nhiều hộ dân ở hai xã La Bằng và Hoàng Nông có nguồn thu nhập ổn định qua việc cung ứng thực phẩm "cây nhà lá vườn". Ngoài trồng lúa, trồng chè, bà con đã mạnh dạn đầu tư nuôi gà bản địa, cá tầm, trồng rau an toàn... để cung ứng cho các hộ kinh doanh du lịch. Nhiều hộ đã mạnh dạn cải tạo nhà ở, nâng cấp cảnh quan để phục vụ nhu cầu vui chơi, nghỉ dưỡng của du khách.

Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, trong giai đoạn tiếp theo, huyện Đại Từ đặt ra “tham vọng” lớn hơn đó là xây dựng các điểm du lịch OCOP, gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa và cảnh quan thiên nhiên của địa phương, góp phần phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.

Thu Hạnh - Khánh Huyền

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202501/nong-nghiep-xanh-va-du-lich-cong-dong-cung-di-a8c0811/