Nông nghiệp xanh và tiêu dùng xanh
Nông nghiệp xanh được hiểu là tối đa hóa cơ hội khai thác các nguồn tài nguyên sạch giúp tăng trưởng bền vững gắn với bảo vệ môi trường. Giải pháp này được xác định sẽ trở thành hướng đi nhằm xây dựng nền nông nghiệp văn minh thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, giá vật tư nông nghiệp leo thang, thì phát triển nông nghiệp xanh càng giúp tiết giảm chi phí, tiêu dùng an toàn hơn.
(Ảnh minh họa).
Trên địa bàn Thanh Hóa, thông qua các cơ chế khuyến khích của tỉnh đã có nhiều mô hình nông nghiệp được xây dựng theo tiêu chí “xanh”, an toàn. Đó là những cánh đồng sản xuất hữu cơ theo tiêu chuẩn VietGAP, cánh đồng công nghệ cao tổ chức dưới hình thức HTX hoặc liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân tại những vùng trồng rau của TP Thanh Hóa và một số huyện trong tỉnh. Cùng với đó là sự ra đời của nhiều cửa hàng tiêu dùng xanh do một số doanh nghiệp tổ chức khép kín từ sản xuất đến cung ứng và một số quầy hàng thực phẩm hữu cơ được cung cấp bởi chuỗi siêu thị và hệ thống bán lẻ WinMart. Đây là cách làm hướng vào lợi ích cộng đồng khi mà vấn đề mất an toàn vệ sinh thực phẩm đang ngày càng trở nên trầm trọng hơn.
Tuy nhiên có một nghịch lý là nhiều người sản xuất và người tiêu dùng hiện nay đều chưa thực sự mặn mà với nông nghiệp xanh và tiêu dùng xanh. Nhiều người sản xuất vẫn muốn canh tác, nuôi trồng theo phương pháp truyền thống vì không bị gò bó bởi các tiêu chuẩn khắt khe, sản phẩm cũng dễ tiêu thụ hơn. Người tiêu dùng thì còn tư tưởng hoài nghi vào sản phẩm nông nghiệp hữu cơ và còn lý do khác nữa khiến họ chưa mặn mà đó là giá sản phẩm nông nghiệp hữu cơ thường cao hơn so với hàng hóa sản xuất bằng phương pháp truyền thống.
Để hướng tới một nền nông nghiệp thông minh, tiêu dùng thông thái, cuộc sống an toàn, không còn cách nào khác là phát triển nông nghiệp xanh và để nông nghiệp xanh tồn tại thì phải đảm bảo được yếu tố tiêu dùng xanh.
Yêu cầu đặt ra đối với ngành nông nghiệp và nông dân là phải chuyển đổi sang tư duy kinh tế tập thể, hướng tới những “giá trị xanh” được tạo nên từ “chuyển đổi xanh, tiêu dùng xanh, kinh tế xanh”. Nông dân cần tập trung vào nâng cao giá trị, hiệu quả của các mặt hàng mình sản xuất ra. Thực hiện liên kết, liên doanh tạo ra một vòng khép kín từ sản xuất giống, gieo trồng, thu hoạch, chế biến và cung ứng ra thị trường, đủ sức tạo niềm tin cuốn hút người tiêu dùng.
Cùng với đó người tiêu dùng cũng phải thay đổi thói quen sử dụng sản phẩm nông nghiệp từ dễ dãi, tùy tiện, mất an toàn sang lựa chọn có điều kiện và theo yêu cầu. Sẽ rất khó có được một nền nông nghiệp xanh bền vững nếu như sản xuất xanh không gắn với tiêu dùng xanh. Để nông nghiệp xanh “bén rễ” thực sự trên những cánh đồng xứ Thanh rất cần có cái nhìn đồng nhất giữa người sản xuất và người tiêu dùng.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/nong-nghiep-xanh-va-tieu-dung-xanh/155267.htm