Nông sản bội thu, hết cảnh 'được mùa, mất giá'

Trong 6 tháng đầu năm 2024, nhiều sản phẩm chủ lực trong nông nghiệp 'được cả mùa' và 'được cả giá', góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nông sản và thu nhập của người sản xuất. Thời gian tới, nông sản Việt cần tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo chỗ đứng trên thị trường.

Nông sản được mùa, được giá

Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu (XK) rau quả ước đạt trên 3,4 tỷ USD, tăng 28,1% so với cùng kỳ năm 2023, dự kiến cả năm 2024 có thể đạt 7 tỷ USD. Về XK sầu riêng, theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, XK sầu riêng trong tháng 5 đạt 450 triệu USD, tăng 107% so với tháng trước và 34% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 5 tháng đầu năm, mặt hàng này XK đạt 919 triệu USD, tăng hơn 74% so với cùng kỳ năm ngoái. Sầu riêng tiếp tục dẫn đầu kim ngạch trong nhóm rau quả XK. Hiện kim ngạch sầu riêng gấp 3,5 lần so với thanh long, loại quả từng giữ vị trí hàng đầu trong nhóm rau quả XK.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, Trung Quốc vẫn tăng mua sầu riêng Việt Nam đều đặn. Ước tính trong tháng 6, lượng sầu riêng XK sẽ đạt 600 triệu USD, nâng tổng kim ngạch 6 tháng đầu năm lên 1,5 tỷ USD. Sầu riêng Việt Nam có lợi thế với sản lượng dồi dào, thu hoạch rải vụ quanh năm, nhiều thời điểm không bị cạnh tranh trực tiếp với sầu riêng Thái Lan.

Thời gian vận chuyển nhanh và giá thành hợp lý, đặc biệt khi sầu riêng đông lạnh được kiểm soát chất lượng tốt hơn. Tuy nhiên, một số lô hàng gần đây bị cảnh báo nhiễm chất cấm, sẽ ảnh hưởng đến uy tín hàng Việt. Do đó, các doanh nghiệp cần tăng cường kiểm tra chất cấm ngay tại vườn và cơ sở đóng gói để đảm bảo không có lô hàng nào nhiễm chất cấm được XK. Cùng với đó, hiện các nước đang tập trung vào kiểm soát chất lượng, và bảo vệ thương hiệu. Đây cũng là điều mà các doanh nghiệp XK sầu riêng Việt Nam cần chú ý để tăng sức cạnh tranh tại thị trường tỷ dân này.

Trong 6 tháng đầu năm 2024 nhiều sản phẩm chủ lực trong nông nghiệp “được cả mùa” và “được cả giá”.

Trong 6 tháng đầu năm 2024 nhiều sản phẩm chủ lực trong nông nghiệp “được cả mùa” và “được cả giá”.

Theo ông Nguyên, hiện nay, các cơ quan chức năng 2 bên đã và đang nỗ lực hoàn tất các thủ tục để ký nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả dừa tươi, sầu riêng đông lạnh của Việt Nam XK sang Trung Quốc. Khi mở cửa cho hai mặt hàng này XK chính ngạch, kim ngạch XK sang Trung Quốc được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng cao.

Đặc biệt cây sầu riêng năm nay sản lượng tăng mạnh (20,3%) lại có giá ở mức khá cao. Đơn cử tại Tiền Giang, từ cuối tháng 3/2024 là vào kỳ thu hoạch chính thì thời điểm đầu mùa, sầu riêng thu mua tại vườn đã có giá từ 140.000 - 215.000 đồng/kg, trong đó giống Mongthong dao động từ 200.000 - 230.000 đồng/kg, còn sầu riêng giống Ri6 cũng có giá từ 130.000 - 145.000 đồng/kg (tăng khoảng 30.000 đồng so với đầu tháng 3/2023) và là mức tăng cao nhất từ trước đến nay. Đến thời điểm giữa tháng 5, giá bán sầu riêng Monthong vẫn ở mức 100.000 - 110.000 đồng/kg, sầu riêng Ri6 còn 60.000 - 70.000 đồng/kg (cao hơn cùng kỳ 10.000-15.000 đ/kg). Với giá này, mỗi ha sầu riêng thu hoạch sau khi trừ chi phí, nông dân có lãi khoảng một tỷ đồng.

Giá bán hầu hết sản phẩm cây ăn quả tăng, bình quân 6 tháng đầu năm tăng 6,12% so với bình quân cùng kỳ năm trước, trong đó giá cam, quýt, cây có múi tăng 5,03%; giá nhãn, vải chôm chôm tăng 8,98%... Tổng giá trị XK rau quả 6 tháng đầu năm 2024 đạt 3,43 tỷ USD, tăng 28,2% so với cùng kỳ (Chỉ số giá XK hàng rau quả bình quân 6 tháng cũng tăng 1,97% so với cùng kỳ năm 2023).

Riêng cây vải, sản lượng thu hoạch vải 6 tháng đầu năm ước đạt 134,3 nghìn tấn, giảm 17,7% (thời điểm cây ra hoa, thời tiết xuất hiện mưa nhiều khiến hoa bị chột), nhưng giá bình quân 6 tháng đầu năm tăng 20,8% so với bình quân cùng kỳ năm trước. Ngoài cây ăn quả, một số cây lâu năm tăng cả sản lượng thu hoạch và giá bán so với cùng kỳ như hồ tiêu, cao su, chè...

Cần tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm

Ông Đậu Ngọc Hùng, Vụ trưởng Vụ Thống kê nông nghiệp (Tổng cục Thống kê) cho biết, sản xuất nông nghiệp 6 tháng đầu năm 2024 duy trì tăng trưởng ổn định, sản lượng lúa và nhiều cây trồng tăng so với cùng kỳ. Xuất khẩu tăng cao, kim ngạch XK nhóm hàng nông, lâm sản đạt 16,64 tỷ USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2023. Về giá bán sản phẩm: Tính chung 6 tháng đầu năm, chỉ số giá bán sản phẩm nông nghiệp bình quân tăng 10,29% so bình quân cùng kỳ, trong đó chỉ số giá sản phẩm cây hằng năm tăng 11,27%; cây lâu năm tăng 22,3%.

Cây nông nghiệp được đánh giá là được mùa, được giá bởi sản lượng lúa vụ Đông Xuân 2024 đạt 20,32 triệu tấn, tăng 132,5 nghìn tấn (tăng 0,7%) so vụ Đông Xuân năm trước; giá bán sản phẩm ở mức cao, bình quân 6 tháng đầu năm 2024 giá lúa tăng 20,41% so cùng kỳ; giá gạo XK bình quân cũng tăng 18,33% so với cùng kỳ năm 2023 (XK gạo ước 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 4,68 triệu tấn với kim ngạch 2,98 tỷ USD, tăng 10,4% về lượng và tăng 32% về giá trị).

Sản lượng cây ăn quả 6 tháng đầu năm đạt khá, trong đó: Sầu riêng đạt 487,7 nghìn tấn, tăng 20,3% so cùng kỳ; ổi đạt 201,4 nghìn tấn, tăng 5,9%; mít 405,8 nghìn tấn, tăng 4,2%; chanh leo 79,4 nghìn tấn, tăng 3,5%; nhãn đạt 199,6 nghìn tấn, tăng 102,9%; cam đạt 519,4 nghìn tấn, tăng 2,4%; xoài, chuối đều tăng 2,3% so cùng kỳ…

Theo ông Đậu Ngọc Hùng, khác với tình trạng trước đây thường là “được mùa thì mất giá”, trong 6 tháng đầu năm nay nhiều sản phẩm chủ lực trong nông nghiệp “được cả mùa” và “được cả giá”. Điều đó được minh chứng qua các con số đã được đưa ra, có thể thấy, hiện tượng “được mùa thì mất giá” không xảy ra trong 6 tháng đầu năm nay. Tuy nhiên, bài học về sự phát triển quá nhanh, không theo định hướng và thiếu kiểm soát chất lượng sản phẩm vẫn là những điều cần phải được lưu tâm, đặc biệt tại các vùng trồng không phù hợp như nhiễm mặn, nhiễm phèn hoặc vùng không chủ động được tưới tiêu sẽ gây thiệt hại lớn về năng suất và chất lượng sản phẩm.

Được mùa mất giá, được giá mất mùa là đặc tính thời vụ, do vậy để giảm bớt áp lực tiêu thụ nông sản mùa vụ, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng, cần nghiên cứu để giảm bớt tính mùa vụ trong sản xuất nông nghiệp như rải vụ, trái vụ giảm bớt áp lực cho tiêu thụ và nâng cao lợi nhuận; đầu tư nhiều hơn cho công nghệ sau thu hoạch, máy móc thiết bị, phương tiện thu hoạch, bảo quản, vận chuyển phù hợp với các sản phẩm rau quả để giảm bớt tỷ lệ hư hỏng (35-40%). Đầu tư kho chứa, bảo quản sử dụng công nghệ cao, để lưu trữ rau quả lâu hơn nhằm điều tiết lượng sản phẩm tham gia thị trường khi vào chính vụ hoặc khi gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ.

Khuyến khích đầu tư cho công nghiệp chế biến nông sản để giảm tỷ trọng xuất tươi, xuất thô và để chế biến các sản phẩm không đạt tiêu chuẩn XK khi đó có thể chia sẻ lượng sản phẩm tham gia thị trường trong mùa thu hoạch đồng thời tạo thêm giá trị gia tăng cho sản phẩm nông sản. Xây dựng các liên kết sản xuất tiêu thụ thực chất, ổn định, bền vững. Tham gia sâu vào chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị sản phẩm trong nước và tại các thị trường trọng điểm để có nhiều khách hàng hơn, thị phần lớn hơn.

Để cạnh tranh XK bền vững, tránh tình trạng “được mùa mất giá”, ông Đậu Ngọc Hùng cho rằng, sản phẩm nông sản của Việt Nam phải tiếp tục nâng cao chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, đồng thời việc phát triển phải bảo đảm theo quy hoạch, định hướng, cập nhật kịp thời những yêu cầu kĩ thuật, cũng như nắm bắt đầy đủ thông tin, nhu cầu thị trường bán sản phẩm.

Lưu Hiệp

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/thi-truong/nong-san-boi-thu-het-canh-duoc-mua-mat-gia-i736463/