Nông sản hối hả vào vụ Tết
Những ngày cuối năm, nông dân tất bật chủ động nguồn hàng, bảo đảm đủ nguồn nông sản cung ứng cho người tiêu dùng. Nhiều mặt hàng phục vụ Tết đã sẵn sàng.
Hối hả vào vụ Tết
Nếu như trước đây, lá dong được khai thác tự nhiên chuẩn bị cho mùa Tết, thì vài năm trở lại đây, người dân một số xã như Tân Tiến, Trung Trực, Kiến Thiết (Yên Sơn) bắt đầu đưa lá dong về trồng dưới tán rừng.
Chị Lục Thị Mùi, thôn 5 xã Trung Trực mỗi ngày đều tranh thủ ra vườn đồi, loại bỏ những lá dong bị sâu ăn lá, sâu cuốn lá. Gần 1 ha lá dong đang chuẩn bị vào độ bánh tẻ, mướt mắt dưới tán rừng keo. 5 - 6 năm nay, lá dong trở thành nguồn thu ổn định cho gia đình chị Mùi, với giá bán trung bình 600 - 700 đồng/lá.
Từ vài gốc ban đầu được đánh từ rừng về trồng dưới tán rừng để chủ động cho nhu cầu của gia đình, sau này, nhận thấy nhu cầu của thị trường lớn, trong khi việc khai thác tự nhiên có thể dẫn đến cạn kiệt nguồn cung, gia đình chị Mùi, cùng với gia đình chị Lục Thị Thơ - 2 hộ duy nhất ở Trung Trực trồng lá dong bán - đã mở rộng diện tích lên gần 2 ha, chủ yếu tận dụng diện tích dưới tán rừng. Trung bình mỗi năm, vườn lá dong của chị Mùi cho thu hoạch 2 lần, vào dịp Rằm tháng Bảy âm lịch và dịp Tết Nguyên đán, mỗi đợt cho thu trên 13 nghìn lá. Việc bán hàng cũng ngày càng thuận tiện, khi Internet phát triển, chị chỉ cần giao hàng trên mạng xã hội, thương lái sẽ chủ động đến xem hàng và “chốt đơn” ngay khi ưng ý.
Bắt đầu từ Rằm tháng Bảy âm lịch, Hợp tác xã Cường Đạt, xã Tân Long (Yên Sơn) đã trữ măng để tung sản phẩm vào dịp cuối năm. Hợp tác xã hiện có 3 sản phẩm chính là măng rối, măng mầm và măng củ. Ông Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Hợp tác xã cho biết, vụ Tết năm nay, đơn vị đã chuẩn bị hơn 2 tấn măng khô để phục vụ thị trường, giá bán là 270 nghìn đồng/kg. Sản phẩm chủ yếu được cung cấp qua các siêu thị, cửa hàng tiện lợi và ký kết cung cấp cho các đầu mối tại các tỉnh phía Bắc như Hà Nội, Nam Định...
Phường Hưng Thành - một trong những vựa rau chính của thành phố Tuyên Quang, nông dân cũng đang hối hả vào vụ rau Tết. Với 17 ha, nông dân Hưng Thành tập trung vào các loại rau ăn lá như rau bí, mồng tơi, rau thơm, bắp cải, rau cải... Ông Lê Đình Thanh có hơn 1 ha rau phấn khởi, vì so với mọi năm, năm nay giá rau ổn định hơn, duy trì 12 - 13 nghìn đồng/kg.
Theo ông Lê Đình Trung, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Hưng Thành, dự kiến vụ Tết này, các thành viên sẽ cung cấp cho thị trường khoảng 20 tấn rau các loại. Càng cuối năm, các đợt rét đậm, rét hại đổ về dày hơn, Hợp tác xã hướng dẫn các thành viên phủ ni lông, tránh sương muối, giá rét... ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của cây rau.
Giá ổn định
So với mọi năm, giá bán nông sản dịp Tết năm nay không tăng, thậm chí nhiều mặt hàng có dấu hiệu giảm nhẹ.
Ông Hoàng Đức Hùng, Trưởng liên nhóm sản xuất cam sành hữu cơ xã Tân Thành cho biết, diện tích cam của nhóm hiện duy trì gần 16 ha. Theo tính toán, sẽ có khoảng 80 tấn cam xuất ra thị trường thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán. Hiện, các nhà phân phối, đại lý cấp I đã đặt hàng để các nhà vườn chuẩn bị sẵn sàng. Trong đó, đã có khoảng 10 tấn cam có đơn xuất trước Tết. Còn lại sẽ tập trung vào thị trường dịp sau Tết.
Theo các nhà vườn ở Hàm Yên, năm nay, diện tích cam trên địa bàn tiếp tục có xu hướng giảm do mắc vàng lá thối rễ cục bộ. Diện tích giảm, năng suất, sản lượng cũng giảm theo. Theo thống kê của Trung tâm Cây ăn quả Hàm Yên, toàn huyện hiện còn hơn 50 nghìn tấn cam chuẩn bị xuất vườn dịp Tết Nguyên đán. So với những năm trước, giá cam năm nay nhỉnh hơn, trung bình 10 - 11 nghìn đồng/kg; giá cam hữu cơ được giữ ổn định trên 55 nghìn đồng/kg.
Thời điểm cuối năm, thời tiết diễn biến bất thường, thêm vào đó, giá lợn hơi, giá gà cũng giảm so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của những người chăn nuôi lâu năm, thì từ nay đến cuối năm, giá sẽ có điều chỉnh tăng theo nhu cầu thị trường.
Trang trại chăn nuôi lợn của ông Trịnh Văn Lực, thôn Đô Thượng 4, xã Xuân Vân (Yên Sơn) hiện đang tập trung chăm sóc, đảm bảo trước Tết Nguyên đán sẽ có khoảng 300 con lợn thịt đủ điều kiện xuất chuồng, tương đương với khoảng 25 tấn lợn hơi. So với cùng kỳ năm trước, giá lợn hơi thời điểm này giảm nhẹ, dao động từ 46 - 50 nghìn đồng/kg. Theo ông Lực, nguyên nhân khiến giá lợn hơi giảm là do kinh tế khó khăn, nhu cầu của người dân giảm mạnh. Tuy nhiên, ông Lực dự đoán, từ nay đến cuối năm, giá bán lợn hơi sẽ có sự điều chỉnh, tăng nhẹ khoảng 2 - 3 giá so với hiện tại, tương đương với 52 - 53 nghìn đồng/kg.
Các trang trại chăn nuôi gà trên địa bàn tỉnh cũng đang tất bật chăm sóc đàn, ứng phó với thời tiết rét đậm rét hại. Hợp tác xã Gà thiến Bình Xa (Hàm Yên) hiện đang tập trung “vỗ” cho đàn hơn 2.000 con. Theo Giám đốc Hợp tác xã Nguyễn Thị Nga, tất cả đều đã có đơn đặt hàng của khách, đơn vị hiện không phải lo đầu ra mà chỉ tập trung chăm sóc, bảo vệ đàn khỏi dịch bệnh. Giá bán mỗi kg gà thiến vẫn duy trì mức giá như năm trước, là 150 - 160 nghìn đồng/kg. Chỉ có giá gà mái, gà giò “giảm nhiệt”, khoảng 100 - 120 nghìn đồng/kg.
Sản xuất, chế biến nông sản dịp Tết là mùa làm ăn bận rộn nhất. Dù vất vả, tất bật nhưng nông dân kỳ vọng có một nguồn thu nhập ổn định, khép lại một năm đủ đầy, sẵn sàng cho vụ sản xuất mới.