Nông sản Lào Cai sang thị trường Trung Quốc: Những điểm khó cần tháo gỡ

Thị trường Trung Quốc đang yêu cầu nâng cao chất lượng, mã số vùng trồng, quy trình chăm sóc thu hoạch phải đảm bảo an toàn thực phẩm - đây là điểm khó cần tháo gỡ đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân ở địa phương và ngoài tỉnh Lào Cai.

Ngày 6/8, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lào Cai phối hợp với Công ty trách nhiệm hữu hạn tư vấn Khoa học và Công nghệ SUTECH tổ chức Hội thảo hướng dẫn doanh nghiệp xuất khẩu thực phẩm có nguồn gốc thực vật sang Trung Quốc.

Tham dự có lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lào Cai và đại diện các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, xuất khẩu nông sản (chuối, sắn, chè, quế, thảo quả, dược liệu, gia cầm, thủy sản...) trong và ngoài tỉnh.

Quang cảnh Hội nghị thúc đẩy xuất khẩu nông sản Lào Cai sang thị trường Trung Quốc. Ảnh: Nguyễn Hạnh

Quang cảnh Hội nghị thúc đẩy xuất khẩu nông sản Lào Cai sang thị trường Trung Quốc. Ảnh: Nguyễn Hạnh

Để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, các doanh nghiệp cần chuẩn hóa chất lượng sản phẩm theo yêu cầu của Trung Quốc

Ông Nguyễn Quang Vĩnh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lào Cai cho biết, tỉnh Lào Cai có gần 200 km đường biên giới với 3 cặp cửa khẩu giao thương Trung Quốc đặt tại thành phố Lào Cai, huyện Mường Khương, huyện Bát Xát.

Sau hơn 2 năm thực hiện việc đăng ký xuất khẩu thực phẩm có nguồn gốc thực vật sang Trung Quốc theo Lệnh 248, 249 của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, các doanh nghiệp tại Lào Cai và ngoài tỉnh đã xuất khẩu được một số mặt hàng nông sản sang thị trường Trung Quốc như chuối, sắn, thảo quả và nông sản khác.

Đến thời điểm này, quế và sản phẩm từ quế của địa phương cơ bản được xuất khẩu, trong đó Trung Quốc chiếm gần 100% thị trường xuất khẩu tinh dầu quế của Lào Cai.

Sản xuất quế hữu cơ ở huyện Bảo Thắng (Lào Cai). Ảnh: Quốc Hồng

Sản xuất quế hữu cơ ở huyện Bảo Thắng (Lào Cai). Ảnh: Quốc Hồng

Chế biến tinh dầu quế xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, ở Lào Cai. Ảnh: Quốc Hồng

Chế biến tinh dầu quế xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, ở Lào Cai. Ảnh: Quốc Hồng

Thị trường Trung Quốc đang yêu cầu nâng cao chất lượng, mã số vùng trồng, quy trình chăm sóc thu hoạch phải đảm bảo an toàn thực phẩm - đây là điểm khó đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân ở địa phương và ngoài tỉnh trong việc xuất khẩu.

"Trước đây, Trung Quốc chưa rào hàng rào biên giới, yêu cầu hàng hóa chưa cao. Bên cạnh xuất khẩu chính ngạch, Lào Cai còn xuất khẩu tiểu ngạch qua đường mòn, lối mở. Nhưng từ 2021, Trung Quốc rào lại tuyến biên giới khiến hoạt động xuất khẩu qua đường mòn, lối mở không còn. Nước bạn cũng yêu cầu cao hơn về chất lượng, mã số vùng trồng, quy trình chăm sóc, thu hoạch,… đây là điểm khó đối với các hợp tác xã, hộ nông dân trong việc xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc" - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lào Cai cho biết.

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lào Cai đã nêu thẳng trọng tâm của việc gỡ khó, theo đó, việc xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc cần tuân thủ các qui định về chất lượng và an toàn mới của phía nhập khẩu.

Thời gian qua, một số địa phương, tổ chức và cá nhân chỉ mới tập trung vào công tác mở rộng số lượng diện tích vùng trồng và cơ sở đóng gói mà chưa quan tâm đúng mức đến việc tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu của nước nhập khẩu.

Các đại biểu tham gia Hội thảo cũng cho rằng, để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, các doanh nghiệp cần chuẩn hóa chất lượng sản phẩm theo yêu cầu của Trung Quốc - đây là giải pháp quan trọng nhất để xuất khẩu chính ngạch và mở cửa cho nhiều mặt hàng khác vào thị trường này.

Trồng chè hàng hóa theo tiêu chuẩn VietGAP để xuất khẩu, ở huyện Mường Khương (Lào Cai). Ảnh: Quốc Hồng

Trồng chè hàng hóa theo tiêu chuẩn VietGAP để xuất khẩu, ở huyện Mường Khương (Lào Cai). Ảnh: Quốc Hồng

Các ý kiến cũng cho rằng, thời gian tới, tỉnh Lào Cai cần tiếp tục hỗ trợ đẩy mạnh phát triển vùng nguyên liệu hàng hóa tập trung có chất lượng được chứng nhận đạt các tiêu chuẩn tiên tiến (VietGAP, hữu cơ, HACCP, ISO 22000...);

Cùng với đó, tăng cường liên kết sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm; đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, bảo quản, chế biến, nâng cao chất lượng và giá trị cạnh tranh của nông sản…

Xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc qua Cửa khẩu đường bộ Kim Thành (Lào Cai). Ảnh: Quốc Hồng

Xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc qua Cửa khẩu đường bộ Kim Thành (Lào Cai). Ảnh: Quốc Hồng

Quốc Hồng

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/nong-san-lao-cai-sang-thi-truong-trung-quoc-nhung-diem-kho-can-thao-go-179240806162655864.htm