Nông sản liệu có 'chạy tốt' trên sàn giao dịch hàng hóa?
Một trong những giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh các mặt hàng nông sản là thông qua sàn giao dịch hàng hóa. Nhưng làm sao để thu hút người dân, doanh nghiệp tham gia mô hình này và làm thế nào để vận hành sàn giao dịch hàng hóa hiệu quả đang là điều quan tâm của nhiều người.
Việc Sở Công Thương, Sở NN&PTNT TP.HCM và Sàn giao dịch hàng hóa Việt Nam ký thỏa thuận hợp tác xây dựng sàn giao dịch thịt heo trên địa bàn TP.HCM được cho là một hướng đi phù hợp với điều kiện và xu hướng phát triển của thị trường hàng hóa, vì phần nào giúp người tiêu dùng, người chăn nuôi hạn chế bị thao túng giá.
Nông dân, doanh nghiệp chưa hứng khởi
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội cho biết, sàn giao dịch hàng hóa đi vào hoạt động hiệu quả là ước mong từ nhiều năm nay nhằm hạn chế các khâu trung gian, đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng và người trực tiếp làm ra nông sản.
Tuy nhiên, thực tế Việt Nam đã có những sàn giao dịch nông sản nhưng không trụ được sau một thời gian vận hành. Chính vì vậy, cần tìm ra nguyên nhân để mô hình sàn giao dịch thịt heo và các sàn giao dịch nông sản khác khi đi vào hoạt động vừa bảo đảm được sự trơn tru, vừa tránh sự đổ vỡ không mong muốn.
Thứ nhất, để sàn giao dịch này có thể hoạt động được thì phải có nông sản, cụ thể là có thịt heo. Thế nhưng, theo thống kê, với việc TP.HCM mỗi ngày tiêu thụ khoảng 10.000 con heo được cho là chưa đủ để giao dịch.
Tiếp đó, để giao dịch trên sàn, chất lượng heo phải được bảo đảm sản xuất và có chứng nhận theo quy trình và với số lượng lớn. Vậy, trong 10.000 con heo có bao nhiêu con đảm bảo chất lượng để lên sàn? Trong khi người dân đang gặp khó khăn trong việc chuyển trang trại sản xuất ra ngoài khu dân cư nhằm bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường theo quy định của Luật Chăn nuôi.
Theo ông Vũ Vinh Phú, một lượng heo đảm bảo sản xuất theo quy trình hiện nay nằm ở trong tay các doanh nghiệp, trong đó phần lớn là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Nhưng đặc điểm của các đơn vị này là có đầu ra khá ổn định, lại mạnh về sơ chế, chế biến, liên kết các chuỗi cửa hàng, siêu thị, xuất khẩu… nên chưa chắc họ đã mặn mà với việc giao dịch trên sàn.
Còn đối với người dân, để đưa được heo lên sàn giao dịch, chắc chắn họ phải đầu tư lớn hơn và có thể làm tăng chi phí 5-10%. Trong đó, để lên sàn thuận lợi, người dân cần liên kết với doanh nghiệp thu mua sau đó giết mổ, mã hóa để đưa thông tin lên mạng trước khi giao dịch. Vậy nhưng, nhiều hộ dân vẫn cho rằng việc liên kết tiêu thụ còn khó khăn, trong khi bán heo cho thương lái tại chuồng được cho là thuận lợi, đảm bảo được giao ngay tiền và giảm được nhiều chi phí hơn.
Bên cạnh đó, sàn giao dịch vẫn còn là một khái niệm khá mới đối với các doanh nghiệp, chưa nói đến người dân, Chính vì vậy, để người dân tham gia và thành thạo các giao dịch trên sàn chắc chắn không phải là điều dễ dàng.
Yếu khâu vận chuyển
Theo kinh nghiệm quốc tế, các giao dịch phái sinh hàng hóa muốn trụ vững thì cần tạo được niềm tin vững chắc, tạo được sự công bằng cho người đưa hàng lên sàn giao dịch.
Tuy nhiên, hiện nay, việc tham gia các sàn giao dịch hàng hóa thông qua các giao dịch giao ngay và giao dịch kỳ hạn được cho là không hề đơn giản. Bởi muốn giao dịch kỳ hạn phải được sự cho phép của Nhà nước. Nếu không được quản lý, hình thức giao dịch này có thể trở thành "sòng bạc" và điều này đã từng xảy ra ở các sàn giao dịch vàng mà Nhà nước đã cấm.
Bên cạnh đó, không chỉ heo mà nhiều loại nông sản như tiêu, điều, cà phê, trái cây vốn là thế mạnh của Việt Nam nhưng muốn giao dịch hiệu quả qua sàn thì bắt buộc phải làm tốt khâu vận chuyển.
Tuy nhiên, hiện nay, đối với các nông sản ở Việt Nam, khâu logistics vẫn đang yếu khiến sản phẩm đến điểm đích bị hư hỏng khá nhiều.
PGS.TS Đặng Văn Đông, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả cho biết, nông sản như trái cây, rau củ của Việt Nam khi vận chuyển bị hỏng khá nhiều, có thể lên đến 50-60%. Nếu không làm tốt khâu vận chuyển thì không bảo đảm được chất lượng hàng hóa. Bởi lên sàn là sẽ đấu giá, mà khi đấu giá thì chất lượng chắc chắn phải được bảo đảm mới tạo được niềm tin cho người kinh doanh trên sàn.
Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho rằng để thịt heo giao dịch qua sàn phải có những tiêu chuẩn cụ thể, được áp dụng đại trà. Trong khi ở Việt Nam, muốn làm được điều này cần thời gian khá dài. Ngay như mô hình chăn nuôi từ trang trại đến bàn ăn hiện rất hiếm và ít thành công do chi phí lớn, liên kết lỏng lẻo.
Theo các chuyên gia, nếu sàn giao dịch hàng hóa hoạt động tốt, đúng bản chất sẽ giúp huy động được nguồn vốn lớn trên thị trường. Từ đây sẽ giúp kiểm soát được sản lượng mùa vụ, hạn chế tình trạng bán tháo, huy động được nhiều nguồn lực hỗ trợ cho hệ thống hàng hóa và tạo chỗ đứng cho nông sản Việt Nam.
Để vận hành được sàn giao dịch chắc chắn cần sự liên kết giữa các cơ quan nhà nước để tạo khung pháp lý rõ ràng, đồng bộ cả về các loại hình sản phẩm giao dịch phái sinh hàng hóa trên sàn, về phương thức thanh toán, hàng thực.
Bởi trên thế giới hiện nay, sàn giao dịch hàng hóa phái sinh thường được quản lý bởi Ủy ban Chứng khoán và Bộ Tài chính. Còn ở Việt Nam hiện nay là do Bộ Công thương cấp phép nên rất cần sự phối hợp với Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước, Bộ NN&PTNT để tạo ra cách vận hành, giao dịch thuận lợi, phù hợp với đặc điểm sản xuất, kinh doanh, quản lý ở Việt Nam.