Nông sản miền Tây: Đừng để xảy ra 'điệp khúc' chặt, trồng
Sau Tết Nguyên đán, sầu riêng tại ĐBSCL tăng giá từng ngày, từ 105.000 đồng/kg lên 140.000 đồng/kg, 180.000 đồng/kg, thậm chí một số nơi thu mua đến 200.000 đồng/kg. Nhà vườn vui mừng vì thông thường giá sầu riêng cao nhất tại vườn cũng chỉ 80.000-100.000 đồng/kg.
Sầu riêng tăng giá kỷ lục
Thương lái Bùi Văn Năm (ngụ tỉnh Vĩnh Long) cho hay, sau Tết Nguyên đán, sầu riêng “sốt” giá do vào mùa nghịch, sản lượng cung ứng ít trong khi thị trường Trung Quốc hút hàng. Giá sầu riêng chưa bao giờ tăng kỷ lục như vừa qua nên nhà vườn rất phấn khởi nhưng đồng thời cũng phát sinh lo ngại người dân đổ xô trồng loại cây ăn trái này tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến điệp khúc “chặt, trồng” đã diễn ra như những loại cây ăn trái khác.
Xã Mỹ Hòa (thị xã Bình Minh) là vùng trồng bưởi Năm Roi nức tiếng ở tỉnh Vĩnh Long nhưng nhiều diện tích trồng bưởi cũng đã chuyển sang trồng sầu riêng. Ông Nguyễn Phương Đông, Trưởng ấp Mỹ Thới 2 cho biết: Ấp có gần 70 hecta trồng bưởi thì có khoảng 20% diện tích đã chuyển sang trồng sầu riêng. Theo một số hộ dân, trồng bưởi từ 3-5 năm thì sau đó cây suy không lớn nên từ năm 2018, nhiều nhà vườn chuyển sang trồng sầu riêng. “Tôi cùng một số anh em trồng 2 hecta sầu riêng, nay đã được hơn 4 năm và chuẩn bị thu hoạch vụ đầu tiên”, ông Đông nói.
Thống kê của Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), năm 2021, cả nước có khoảng 85.000 hecta cây sầu riêng, tập trung tại Tây Nguyên (35.000 hecta), Đông Nam Bộ (20.000 hecta) và ĐBSCL (30.000 hecta). Năm 2022, ước tính diện tích trồng loại cây ăn trái này đã tăng thêm từ 7.000 - 10.000 hecta. Tại TP Cần Thơ, diện tích cây sầu riêng tăng từ năm 2015 đến nay, từ 537 hecta lên 2.487 hecta, tập trung tại các huyện: Phong Điền (1.731 hecta), Thới Lai (333 hecta) và Ô Môn (233 hecta). Theo ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP Cần Thơ, diện tích cây sầu riêng được người dân ĐBSCL, Đông Nam Bộ, Tây Nguyên ồ ạt trồng từ năm 2014.
Trước tình hình này, Bộ NN-PTNT đã có văn bản yêu cầu ngành nông nghiệp khuyến cáo bà con thận trọng khi phát triển diện tích, chỉ trồng ở những vùng chuyên canh, tập trung để đảm bảo vấn đề liên kết, có kết nối được doanh nghiệp tiêu thụ và phải sản xuất đạt chất lượng cao, đảm bảo an toàn, truy xuất tốt nguồn gốc. Cục Trồng trọt khuyến cáo việc chuyển đổi cây sầu riêng cũng như các loại cây ăn trái nói chung không nên thực hiện ồ ạt vì nguồn giống chất lượng cao đáp ứng không kịp, nếu chuyển đổi cũng cần theo quy hoạch của địa phương đã được nghiên cứu. Cây ăn trái cần có thời gian dài để chăm sóc, nếu chất lượng không đạt sẽ mang hiệu quả thấp.
Cam sành rớt giá thê thảm
Không giống như sầu riêng, sau Tết Nguyên đán, các nhà vườn trồng cam sành “rầu thúi ruột”. Trước Tết Nguyên đán, giá cam sành tại vườn ở ĐBSCL từ 11.000-15.000 đồng/kg. Hiện nay, cam sành rớt giá chỉ còn trên dưới 2.000 đồng/kg, mức giá thấp chưa từng thấy. Loại cây ăn trái này từng giúp nhiều nhà vườn trở thành tỷ phú thì thời điểm này nhiều người lại đang rơi vào cảnh điêu đứng. Ông Phan Văn Trí (ngụ xã Thới Hòa, huyện Trà Ôn) có 7 công (1.000 m2/công) cam sành đang cho trái lắc đầu: “Chưa bao giờ giá cam rớt thê thảm như vậy, không có đầu ra”.
Theo ông Nguyễn Anh Pha, Chủ tịch UBND xã Thới Hòa, từ 2014 tới nay, cây cam sành phát triển mạnh và tăng diện tích qua từng năm. Từ 2014, diện tích loại cây này chỉ có 60 hecta nhưng tới năm 2020 thì tăng lên hơn 1.200 hecta và đến năm 2022 thì xã không còn trồng màu và trồng lúa mà chỉ trồng cam sành. “Những năm 2014, 2015, cam sành từ 30.000-35.000 đồng/kg, không chỉ người dân ở xã trồng mà nhiều người nơi khác còn đến thuê đất trồng cam. Người dân địa phương cũng đi qua xã khác thuê đất trồng nữa. Cây cam sành giúp nhiều hộ khá giả, cất nhà cửa khang trang. Duy nhất chỉ có năm nay, giá cam giảm thê thảm như vậy là do đụng vụ cam ở miền Bắc”.
Theo quy hoạch, đến năm 2025, tỉnh Vĩnh Long có 15.000 hecta cam sành nhưng con số hiện tại đã là 17.000 hecta. Diện tích trồng cam sành của tỉnh Vĩnh Long tăng nhanh trong 3 năm qua. Huyện Trà Ôn được xem là thủ phủ trồng cam sành ở Vĩnh Long. Ông Nguyễn Văn Tám, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Trà Ôn cho biết: Địa phương có 21.000 hecta đất nông nghiệp. Diện tích trồng cam tăng rất nhanh, đến đầu năm 2023 lên đến hơn 9.500 hecta. Trong đó, xã Thới Hòa đã chuyển trồng cam sành gần 100%. Các xã có trên 1.000 hecta trồng cam sành như: Hòa Bình, Thuận Thới, Hựu Thành, Trà Côn. Bình quân 1 hecta thu được 50 tấn nên tổng sản lượng thu hoạch cam sành khoảng 480.000 tấn.
Toàn huyện Trà Ôn hiện có trên 45 cơ sở, HTX thu mua cam sành với sản lượng trên 300 tấn/ngày, chỉ bằng khoảng 30% so với điểm trước đây. Từ nay đến hết tháng 3/2023, ước tính sản lượng cam sành toàn huyện thu hoạch khoảng 60.000 tấn. Vì vậy, mỗi ngày huyện Trà Ôn cần tiêu thụ hơn 1.300 tấn. Ngành nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long đã phối hợp cùng các đơn vị có liên quan mời gọi các tổ chức, cá nhân tham gia hỗ trợ tiêu thụ, tìm đầu ra cho cam sành tồn đọng.