Nông sản phá kỷ lục
Trái ngược với bức tranh xuất khẩu ảm đạm của nhiều ngành hàng, một số mặt hàng nông sản đã phá kỷ lục trong 5 tháng đầu năm 2023. Tổng giá trị xuất khẩu rau quả đạt 1,97 tỷ USD, tăng 39% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là ngành hàng được dự báo có thể vượt mức 4 tỷ USD trong năm nay.
Nhiều mặt hàng giữ vững vị trí tỷ đô
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tháng 5/2023 ước đạt 4,85 tỷ USD, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 5 tháng đầu năm 2023 đạt 20,26 tỷ USD. Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 10,3 tỷ USD, tăng 9,9%. Giá trị xuất khẩu chăn nuôi ước đạt 190 triệu USD; giá trị xuất khẩu thủy sản ước đạt 3,47 tỷ USD; giá trị xuất khẩu các mặt hàng lâm sản ước đạt 5,52 tỷ USD…
5 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tới các thị trường thuộc khu vực châu Á đạt 9,73 tỷ USD, tăng 2,3%; châu Mỹ đạt 4,42 tỷ USD, giảm 34,6%; châu Âu đạt 2,42 tỷ USD, giảm 13,2%; châu Phi đạt 327 triệu USD, giảm 5,6%; châu Đại Dương đạt 280 triệu USD, giảm 28%. Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản tiếp tục duy trì là 3 thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn nhất của Việt Nam.
Đáng chú ý, nông nghiệp tiếp tục thể hiện vai trò trụ đỡ của nền kinh tế khi nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu có mức tăng trưởng rất tốt, cán cân thương mại tiếp tục xuất siêu, đạt gần 10 tỷ USD… Có 3 mặt hàng nông sản là gạo, cà phê và rau quả đạt kết quả cao chưa từng có.
Theo đó, gạo xuất khẩu đạt 2,02 tỷ USD, tăng 49% so với cùng kỳ năm trước; cà phê đạt 2,02 tỷ USD, tăng 0,2% (khả năng vượt mốc kỷ lục 4 tỷ USD của năm 2022) và rau quả đạt 1,97 tỷ USD, tăng 39%. Không những thế, cả 3 mặt hàng này đều xuất siêu với giá trị lớn khi cà phê thặng dư 1,87 tỷ USD; gạo 1,59 tỷ USD và rau quả 1,21 tỷ USD. Đây có thể coi là điểm sáng của ngành nông nghiệp trong 5 tháng đầu năm.
Trong các mặt hàng rau quả, sầu riêng là mặt hàng có tăng trưởng xuất khẩu tăng mạnh nhất. Theo ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, sầu riêng đang có nhiều lợi thế. Đến nay đã có gần 60.000 tấn xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Trong quý I/2023, Trung Quốc nhập khẩu sầu riêng Việt Nam đạt hơn 26 triệu USD.
Về vùng trồng, có 293 vùng trồng sầu riêng và 115 cơ sở đóng gói đã được phía Trung Quốc cấp mã số xuất khẩu chính thức. Theo ông Nguyên, dự báo xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam có thể đạt con số 1 tỷ USD và lọt vào nhóm hàng nông sản xuất khẩu “tỷ đô”.
Tương tự, trái dừa tươi tuy chưa được cấp phép xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc nhưng là mặt hàng đang ngấp nghé nguồn thu gần 1 tỷ USD từ xuất khẩu. Thống kê của Bộ Công thương cho biết, diện tích dừa cả nước khoảng 188.000ha, sản lượng 1,9 triệu tấn trong năm 2022, mang về doanh thu xuất khẩu hơn 900 triệu USD gồm dừa và các sản phẩm liên quan. Với dư địa còn rất lớn, ngành dừa hoàn toàn có khả năng gia nhập CLB xuất khẩu “tỷ đô” trong tương lai gần.
Cùng với rau quả, gạo là một trong những mặt hàng vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng thời gian qua, là một trong những động lực kéo theo tăng trưởng của xuất khẩu hàng hóa nói chung. “Tháng 4 vừa qua, công ty đã trúng thầu xuất khẩu 11.347 tấn gạo lức hạt dài sang thị trường Hàn Quốc với giá khá tốt, gần 600 USD/tấn. Số lượng và kim ngạch của chúng tôi vượt hơn 30%, như vậy xuất khẩu đạt tới con số từ trước tới giờ chưa có” - ông Phạm Thái Bình - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An chia sẻ.
Còn nhiều dư địa để bứt phá
Thực tế, từ đầu năm 2023 khi Trung Quốc khôi phục hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh bình thường ở biên giới phía Bắc, hoạt động xuất khẩu nông sản của nước ta đã có nhiều khởi sắc, nhất là các địa bàn như Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh… mỗi ngày có hàng trăm xe hàng nông sản xuất khẩu được thông quan.
Hiện nay, tại các địa phương này, lực lượng hải quan đang nỗ lực cùng các lực lượng chức năng triển khai đồng bộ các biện pháp tạo thuận lợi cho hàng nông sản xuất khẩu, nhất là mặt hàng đang vào vụ thu hoạch như vải thiều.
Đánh giá về dư địa xuất khẩu trong thời gian tới, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho rằng, hiện lạm phát đã giảm ở một số thị trường, do đó đây là cơ hội cho xuất khẩu hàng hóa tiêu dùng hồi phục trong những tháng tới đây. Với sự chủ động, sẵn sàng của doanh nghiệp, các đơn hàng xuất khẩu sẽ sớm được đáp ứng.
Đối với ngành gạo, ông Nguyễn Ngọc Nam - Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam chia sẻ, nhu cầu gạo trên thị trường thế giới đang ở mức cao khi nhiều dự báo cho thấy, nửa cuối năm 2023 sẽ có sự gia tăng rủi ro về nguồn cung lúa gạo tại khu vực châu Á. Điều này khiến các quốc gia trong khu vực như Philippines hay Indonesia, Trung Quốc phải tăng cường kho dự trữ quốc gia. Đây là yếu tố giúp các doanh nghiệp xuất khẩu gạo được hưởng lợi trong thời gian tới.
“Bên cạnh đó, nguồn cung gạo từ các quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới như Ấn Độ, Pakistan tiếp tục hạn chế; giá gạo Thái Lan tăng do đồng Baht tăng giá trở lại. Việt Nam đang có lợi thế nguồn cung có sớm từ vụ Đông Xuân, sản lượng và chất lượng lúa gạo ổn định nên dự báo trong ngắn hạn, giá gạo Việt Nam vẫn ở mức tốt” – ông Nam cho biết.
Còn theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, nếu thuận lợi, xúc tiến thương mại mạnh mẽ và quyết liệt, các nhóm ngành hàng như lúa gạo, rau quả hết quý III/2023 sẽ đạt được kết quả bằng quý III/2022, quý IV/2023 tăng tốc thì con số 55 tỷ xuất khẩu nông, lâm, thủy sản có thể về đích.
Tuy nhiên, ông Tiến cho rằng, cần tập trung chỉ đạo sản xuất để duy trì đà tăng trưởng, chú trọng công tác thị trường để đẩy mạnh xuất khẩu. Đồng thời đẩy mạnh phát triển thị trường tiêu thụ trong nước, tiếp tục xử lý các vấn đề thị trường nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu nông sản, thủy sản, đặc biệt là thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU...
Cùng với đó, ngành nông nghiệp cần tận dụng các FTA, đặc biệt là Hiệp định CPTPP, EVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy sản chủ lực, hỗ trợ doanh nghiệp ký kết đơn hàng xuất khẩu mới. Phối hợp hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ở nước ngoài.
Nhằm tiếp tục gỡ khó cho hoạt động xuất nhập khẩu, thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ Công thương đã, đang và sẽ tập trung đổi mới và tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại hướng đến các thị trường mới, thị trường còn tiềm năng như Ấn Độ, châu Phi, Trung Đông và châu Mỹ La tinh, Đông Âu… và các thị trường ít bị ảnh hưởng bởi lạm phát và tăng trưởng khả quan (ASEAN).
Đặc biệt, quyết liệt đột phá vào các thị trường mới, nơi có tầng lớp trung lưu gia tăng. Bên cạnh đó, đẩy mạnh khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA). Tạo thuận lợi hóa, tăng cường chuyển đổi số trong công tác cấp Giấy chứng nhận xuất xứ C/O ưu đãi, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các FTA.
Để thực hiện mục tiêu đưa gạo Việt vào các thị trường lớn, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đến năm 2030, chiến lược nêu rõ, xuất khẩu gạo gắn với phát triển gạo có thương hiệu, nhãn hiệu gạo Việt trên thị trường thế giới, bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm, phù hợp với xu hướng nhu cầu, yêu cầu, thị hiếu tiêu thụ của từng thị trường.
Theo Bộ Công thương, sau một thời gian gặp khó khăn, với các biện pháp đồng bộ hỗ trợ sản xuất trong nước và xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu được triển khai mạnh mẽ nên kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 5 phục hồi tích cực, tăng khá so với tháng trước (tăng 5,3%, ước đạt 55,86 tỷ USD) nhưng giảm 12,3% so với cùng kỳ năm trước.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/nong-san-pha-ky-luc-5720716.html