Nông sản phải hướng đến chế biến sâu

Theo Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Nguyễn Quốc Toản, hiện nay xu hướng tiêu dùng thay đổi, tập trung chủ yếu vào sản phẩm chế biến sâu và đa dụng, buộc doanh nghiệp phải đầu tư công nghệ để đáp ứng.

Nhiều nút thắt phải giải quyết

Tại diễn đàn “Đa dạng hóa sản phẩm rau quả chế biến, bảo quản gắn với yêu cầu của thị trường tiêu thụ” ngày 7.7, PGS.TS. Phạm Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch cho biết, sản lượng rau quả nước ta đạt 31 triệu tấn nhưng tỷ lệ chế biến chỉ đạt khoảng 12 - 17%. Ngành chế biến chỉ mới đáp ứng khoảng 8 - 10% sản lượng rau quả hàng năm. Trong khi đó, đến nay, hơn 76% rau quả xuất khẩu chưa qua chế biến, việc tiêu thụ vẫn đang ở dạng tươi hoặc sơ chế bảo quản là chủ yếu, dẫn đến tổn thất sau thu hoạch khá cao.

Đa dạng sản phẩm rau quả chế biến gắn với nhu cầu thị trường. Nguồn: ITN

Đa dạng sản phẩm rau quả chế biến gắn với nhu cầu thị trường. Nguồn: ITN

Về những nút thắt của ngành chế biến rau quả, ông Ngô Quang Tú, đại diện Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho hay, tình trạng thiếu nguyên liệu vẫn xảy ra. Nguyên liệu mới đáp ứng 50 - 60% công suất chế biến. Nguyên nhân là diện tích canh tác nhỏ lẻ, phân tán, không đồng nhất; chế biến theo mùa vụ (2 - 3 tháng/năm); chất lượng an toàn thực phẩm chưa bảo đảm; một số loại rau quả giá thành còn cao...

Nội tại doanh nghiệp chế biến rau quả hiện thiếu vốn sản xuất, quy mô vốn rất nhỏ với hơn 80% số cơ sở có vốn dưới 2 tỷ đồng. Cùng với đó là khó khăn, không được ưu tiên về mặt bằng sản xuất. Bảo quản sau thu hoạch kém, thiếu thiết bị tối thiểu (điện, nước, kho lạnh...), dẫn tới tổn thất sau thu hoạch hơn 20%. Trình độ quản lý và tay nghề thấp...

Về thị trường tiêu thụ, sản phẩm chế biến càng sâu thì thị trường tiêu thụ càng hẹp; thói quen tiêu dùng vẫn sử dụng tươi. Nhiều rào cản xuất khẩu như quy định ngặt nghèo về dư lượng kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật...). Chi phí logistics cao chiếm từ 35 - 50% giá xuất, giá bán cao khó cạnh tranh và chưa phù hợp với thu nhập người dân. Đối với cơ chế chính sách, mức hỗ trợ thấp, thủ tục phức tạp, chỉ khoảng 30% doanh nghiệp có khả năng tiếp cận vốn ngân hàng, lãi suất vay chưa phù hợp với 80% doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Nắm chắc yêu cầu của thị trường

Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Nguyễn Quốc Toản cho biết, hiện nay xu hướng tiêu dùng thay đổi, tập trung chủ yếu vào sản phẩm chế biến sâu và đa dụng, buộc doanh nghiệp phải đầu tư công nghệ để đáp ứng và nắm chắc quy định của từng thị trường.

TS. Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cho rằng, các biện pháp kiểm dịch động thực vật (SPS) liên quan tới chế biến rau quả là những mảnh ghép để hoàn thiện công tác xuất khẩu. Doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân cần nắm chắc để bảo đảm giao thương không bị gián đoạn.

Trong 6 tháng đầu năm, Việt Nam nhận 504 thông báo liên quan đến an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật, bao gồm thay đổi các biện pháp thay đổi mức dư lượng, phương pháp kiểm dịch. So với cùng kỳ năm 2021, số thông báo tăng khoảng 9%. Nhật Bản là quốc gia có nhiều thông báo nhất, với 83 thông báo, chiếm 16,47%. Tiếp đến là Brazil, EU, Canada, Mỹ. Đây là điều phù hợp với quy luật vận động trên trường quốc tế hiện nay.

Chia sẻ một số biện pháp SPS liên quan đến chế biến rau quả ở các thị trường trọng điểm, ông Nam nhấn mạnh, mỗi thị trường sẽ có một bộ tiêu chuẩn cũng như đối tượng quan tâm khác nhau. Hai thị trường cần chú trọng là EU và Trung Quốc. Trong đó, EU đặc biệt lưu tâm đến các mức dư lượng tại cả sản phẩm quả tươi lẫn sản phẩm chế biến, đồ khô. Vì vậy, ông Nam khuyến cáo, doanh nghiệp cần kiểm soát tốt mức dư lượng tối đa cho phép trong sản phẩm; quan tâm, lưu ý việc khai báo các chất phụ gia trong chế biến, hay những vấn đề tác động đến cảm quan sản phẩm.

Cùng quan điểm, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu I, II Phan Thị Thu Hiền cho biết, từng thị trường có những yêu cầu khác nhau. Do đó, về tổng thể, hợp tác xã, hộ nông dân cần phối hợp cơ quan quản lý nhà nước bảo đảm, giám sát chặt chẽ mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói đối với nông sản xuất khẩu. Riêng EU, những nông sản như xoài, bưởi, chanh và một số loài rau ăn lá nằm trong nhóm được yêu cầu. Nếu bảo đảm được thì những đặc sản vùng miền hoặc sản phẩm OCOP Việt Nam chắc chắn sẽ xuất hiện ngày càng nhiều tại đây.

Ông Trần Văn Công, Tham tán Nông nghiệp của Việt Nam tại EU nhiều lần nhấn mạnh, một trong những tiêu chí, tiêu chuẩn quan trọng của nông sản xuất khẩu sang EU là phải đạt ngưỡng dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, các loại hóa chất tồn dư dưới mức quy định. Ngoài ra, khâu thiết kế mẫu mã, bao bì phù hợp với thị trường, thân thiện với môi trường. Vừa qua, các doanh nghiệp quy mô lớn, có công nghệ sản xuất hiện đại đã làm tốt công tác chế biến sản phẩm để thâm nhập thị trường. “Đối với sản phẩm chế biến, Việt Nam hoàn toàn có thể tiếp cận thị trường EU bằng sản phẩm rau củ quả đông lạnh, đóng lon…”, ông Công thông tin.

Hạnh Nhung

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/nong-san-phai-huong-den-che-bien-sau-i294617/