Nông sản phục vụ Tết Nguyên đán năm 2025
Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 đang đến gần, thời điểm này, các hộ sản xuất nông sản phục vụ nhu cầu người tiêu dùng tất bật chuẩn bị nguồn cung cho thị trường dịp tết.
Tất bật chuẩn bị cho thị trường cuối năm
Mong muốn mang lại những mặt hàng đẹp, chất lượng, có nguồn thu nhập khá vào dịp cuối năm, các nhà vườn luôn đặt tâm huyết của mình vào việc chăm sóc cây trái, rau màu. Trong đó, dưa hấu luôn là mặt hàng được nhiều gia đình lựa chọn để trưng bày trên mâm ngũ quả hay làm quà biếu vì có ý nghĩa may mắn và sung túc.
Từ cuối tháng 10 (Âm lịch), nông dân (ND) các vùng trồng dưa hấu trên địa bàn tỉnh Long An tất bật chăm sóc để kịp cung ứng cho thị trường Tết Nguyên đán năm 2025.
Anh Hồ Văn Đức (ấp Lộc Trung, xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc) gắn bó với nghề trồng dưa hấu hơn 20 năm qua. Với diện tích canh tác 1,3ha, mỗi năm, anh trồng một vụ dưa hấu vào dịp cuối năm, các tháng còn lại thì luân canh các loại rau màu như cải xanh, cải ngọt,...
Anh Đức cho biết: “Nếu năm nào được giá, sau khi trừ chi phí, mỗi vụ dưa hấu tôi thu lợi nhuận khoảng 70 triệu đồng. Nhờ đó, gia đình có một cái tết ấm cúng hơn”.
Theo anh Đức, việc trồng dưa hấu không đơn giản, đòi hỏi sự tỉ mỉ và cẩn thận. “Dây dưa hấu yếu nhất ở giai đoạn đầu, dễ bị bệnh sương mai. Tôi phải kiểm tra từng dây dưa mỗi ngày, nếu phát hiện bệnh thì xử lý ngay để tránh lây lan. Đến giai đoạn gần thu hoạch, sâu xanh da láng lại là nỗi lo lớn, chúng phá trái rất nhanh. Thời tiết cũng thất thường nên cần theo dõi sát để kịp thời điều chỉnh. Năm nay, tôi áp dụng hệ thống tưới tự động, vừa tiết kiệm chi phí, vừa đỡ tốn công sức” - anh Đức chia sẻ.
Những năm gần đây, giá dưa hấu trên thị trường thường dao động từ 13.000-17.000 đồng/kg. Theo anh Đức, giá cả không chỉ phản ánh công sức của ND mà còn quyết định trực tiếp đến mức lợi nhuận sau mỗi vụ mùa.
Năm nay, anh kỳ vọng thời tiết sẽ thuận lợi, dưa hấu phát triển tốt, cho năng suất cao, chất lượng đồng đều và giá cả thị trường giữ được ổn định để không chỉ riêng gia đình anh mà tất cả ND trồng dưa hấu có một cái Tết Nguyên đán thật sung túc, đủ đầy.
Ông Huỳnh Văn Xài (ấp Trong, xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc) có hơn 10 năm kinh nghiệm trong nghề trồng rau. Hiện nay, ông canh tác rau trên diện tích 0,4ha, với phương pháp xen canh nhiều loại rau khác nhau để tăng hiệu quả kinh tế.
Tuy nhiên năm nay, ông quyết định trồng rau húng quế, một loại rau đang có giá ổn định và được thị trường ưa chuộng. Rau của ông chủ yếu được tiêu thụ qua thương lái và hợp tác xã với hơn 2 tấn rau mỗi tháng.
Với kinh nghiệm nhiều năm, ông Xài luôn chú trọng đến việc cải tạo đất sau mỗi vụ trồng. Một trong những phương pháp ông sử dụng là rải vôi diệt khuẩn; đồng thời, bổ sung phân hữu cơ để cải thiện chất lượng đất. Ông cũng đặc biệt chú trọng việc lựa chọn phân bón chất lượng trong suốt quá trình canh tác nhằm bảo đảm năng suất và chất lượng rau. Tuy nhiên, trồng rau không phải là việc dễ dàng.
Theo ông Xài, một trong những khó khăn lớn nhất là sâu xanh, loài côn trùng có thể tấn công rau bất cứ lúc nào. Chính vì vậy, việc kiểm tra và xử lý kịp thời là rất quan trọng để bảo vệ vườn rau.
Ông Xài hy vọng vào một mùa rau bội thu với giá cả ổn định vào Tết Nguyên đán năm 2025, giúp gia đình ông có một cái tết đủ đầy, sung túc. “Rau húng quế được thị trường ưa chuộng, giá ổn định, tôi hy vọng mùa này sẽ bội thu và mang lại niềm vui cho ND chúng tôi” - ông Xài chia sẻ thêm.
Sản xuất theo tình hình thị trường
Những ngày này, người nuôi tôm trên địa bàn tỉnh tất bật tập trung cho vụ nuôi thu hoạch vào dịp Tết Nguyên đán năm 2025. Theo nhiều người nuôi tôm, thông thường, vào những tháng cuối năm, giá tôm tăng cao nên người nuôi hy vọng vào một mùa bội thu.
Nắm bắt nhu cầu thị trường, anh Ung Hoàng Phúc (ấp Bình Khương, xã Thuận Mỹ, huyện Châu Thành) thả nuôi 900.000 con giống trên diện tích 12.000m2. Hiện anh tập trung chăm sóc cho tôm đạt tiêu chuẩn về trọng lượng cũng như chất lượng để kịp thu hoạch vào những ngày tết.
Theo anh Phúc, giá tôm thẻ trên thị trường đang ở mức cao, cụ thể cỡ khoảng 30 con/kg, giá từ 190.000-200.000 đồng/kg; cỡ khoảng 100 con/kg, giá từ 90.000-100.000 đồng/kg. Nếu vụ nuôi thuận lợi, dự kiến gia đình anh sẽ cung cấp khoảng 24 tấn tôm phục vụ thị trường tết. Để vụ nuôi thuận lợi, anh cẩn thận xử lý các khâu đầu vào, từ việc chọn con giống chất lượng đến việc vệ sinh kỹ đáy ao bằng vôi và hóa chất nhằm tiêu diệt mầm bệnh, hạn chế rủi ro trong quá trình nuôi.
Anh Phúc cho biết: “Từ đầu vụ 2024 đến nay, tôm nuôi thường xuyên rớt giá, dịch bệnh hoành hành như EHP, phân trắng, đốm trắng,... trong khi giá các loại thức ăn, thuốc và trang thiết bị phục vụ sản xuất tôm thì liên tục tăng nên gây nhiều khó khăn cho người nuôi tôm. Tôi chỉ hy vọng vụ giáp tết này giá tôm sẽ tăng và bình ổn để người nuôi tôm có thể kết thúc vụ mùa 2024 với niềm vui được mùa, trúng giá”.
Bên cạnh rau màu, mặt hàng thủy sản, các loại trái cây cũng hút khách vào dịp cuối năm. Trong đó, bưởi là loại trái cây thường được dâng trên bàn thờ gia tiên vào những ngày tết, vì vậy, nhu cầu của người dân đối với loại trái này cũng khá cao.
Nắm bắt được nhu cầu thị trường, ông Phạm Hoàng Lân (ấp Bình Cang 1, xã Bình Thạnh, huyện Thủ Thừa) đang chăm sóc 120 gốc bưởi của gia đình để bán dần từ nay đến sau Tết Nguyên đán.
Trước khi trồng bưởi, ông Lân lên liếp và đắp thành mô cao, giúp bộ rễ của cây thông thoáng, kết hợp trồng với khoảng cách hợp lý để cây phát triển. Để bảo đảm tỷ lệ hoa đậu trái cao, ông Lân chăm bón rất kỹ từ lúc cây mới ra hoa.
Ngoài ra, ông chú trọng khâu cắt cành, tạo tán, tỉa trái để giúp cây mang số lượng trái vừa đủ, chỉ để lại những trái có kích cỡ đều nhau, không bị bệnh. Hàng năm, sau khi trừ các chi phí, ông thu về lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng.
Dẫn chúng tôi đến thăm vườn bưởi, cây nào cũng trái sai trĩu cành, ông Lân cho biết: “Ưu điểm của bưởi da xanh dễ trồng, mau trái và cho năng suất cao. Trung bình mỗi trái nặng từ 1,5-2kg. Hiện tôi tập trung chăm sóc vườn bưởi, phòng, chống dịch bệnh, nhất là sâu đục trái, để bưởi đạt chất lượng cao, trái to, đẹp, bán được giá. Vụ bưởi tết năm nay, tôi dự kiến cung cấp cho thị trường khoảng 3 tấn trái”.
Hiện nay, các vùng trồng rau màu, cây ăn trái trên địa bàn tỉnh tất bật chuẩn bị phục vụ thị trường Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025. Dù tình hình thời tiết những ngày cuối năm đôi lúc diễn biến thất thường nhưng với kinh nghiệm nhiều năm của ND, nhìn chung sản xuất rau màu và cây ăn trái tại các địa phương khá thuận lợi. Với sản lượng khá lớn chuẩn bị cho thị trường cuối năm và được tích cực chăm sóc, tin rằng, ND sẽ có nguồn thu nhập cao trong dịp tết./.
Hiện gia đình tôi tất bật chăm sóc vườn dưa lưới để phục vụ kịp vào mùa tết. Trung bình mỗi trái từ 2-2,5kg. Dự kiến vườn dưa lưới của gia đình sẽ cung cấp khoảng 4-5 tấn trái ra thị trường trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025. Ngoài giống dưa lưới truyền thống, tôi còn trồng thêm giống dưa lưới vàng Mã Lai. Đặc biệt, để bắt kịp xu hướng người tiêu dùng, tôi còn viết thư pháp tài, lộc lên dưa gửi đến mọi người thông điệp về sự may mắn, phát tài cả năm”.
Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp và Nuôi trồng thủy sản xã Long Phụng (huyện Cần Giuộc) - Hứa Thanh Phú
Năm nay, tôi sẽ dành riêng 300 gốc bưởi để cung cấp cho thị trường dịp Tết Nguyên đán năm 2025. Tôi hy vọng thời tiết thuận lợi để bưởi phát triển tốt, đạt chất lượng cao và thu hoạch đúng thời điểm; đồng thời, các cơ quan nhà nước sẽ có các giải pháp hỗ trợ, bình ổn thị trường trong dịp cuối năm, giúp ND có đầu ra ổn đinh”.
Ông Đào Văn Thành-(ấp Bình Hòa, xã Bình Trinh Đông, huyện Tân Trụ)
Nguồn Long An: https://baolongan.vn/nong-san-phuc-vu-tet-nguyen-dan-nam-2025-a186843.html