Nông sản quyết tâm nói không với xuất khẩu tiểu ngạch

Chính phủ, Bộ NN&PTNT quyết tâm đẩy mạnh xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc qua con đường chính ngạch. Tuy nhiên, để 'cuộc cách mạng thành công' thì người nông dân, doanh nghiệp cần phải chuyển đổi tư duy sản xuất, kinh doanh để đi cùng một con đường, khó khăn là rất lớn nhưng nếu không đi thì không bao giờ chấm dứt được tình cảnh ùn ứ nông sản ở biên giới.

Trong thư tháng 3 gửi tới toàn thể cán bộ công nhân viên ngành Nông nghiệp, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh câu chuyện ùn ứ nông sản ở các cửa khẩu phía Bắc và nhiệm vụ chuyển từ xuất khẩu tiểu ngạch sang xuất khẩu chính ngạch theo chỉ đạo của Chính phủ và chiến lược phát triển bền vững vừa được ban hành. "Chúng ta phải có cách tiếp cận đồng bộ, hệ thống từ trên xuống dưới kết hợp từ dưới lên trên, từ đầu sản xuất nối kết với đầu thị trường, từ chức năng quản lý, điều phối của nhà nước và phát huy vai trò của doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng", ông nhắn nhủ.

Khởi phát 'cách mạng' xuất khẩu chính ngạch

Tất nhiên, người đứng đầu Ngành nông nghiệp cũng nhìn nhận mọi sự thay đổi cần lộ trình nhưng nếu không khởi hành thì không kết thúc được vấn đề. Mọi sự thay đổi đều khó khăn, nhưng nếu không thay đổi thì sẽ khó khăn hơn.

Xe nông sản chờ thông quan qua đường chuyên dụng vận tải hàng hóa cửa khẩu Tân Thanh - Pò Chài.

Xe nông sản chờ thông quan qua đường chuyên dụng vận tải hàng hóa cửa khẩu Tân Thanh - Pò Chài.

Khó khăn ngay từ khi bắt đầu, thống kê từ Sở Công Thương Lạng Sơn cho thấy đến 20 giờ ngày 13/3, tổng lượng xe chờ xuất ở các cửa khẩu của địa phương này là 1.583 xe, trong đó lượng xe chở hoa quả chờ xuất khẩu là 1.075 xe, chiếm khoảng 68% tổng lượng xe chờ xuất khẩu.

Bà Đoàn Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, nhận định trên địa bàn 90% nông sản xuất khẩu tiểu ngạch, phần lớn không có hợp đồng mà chủ yếu rao bán qua chợ biên giới. Vì vậy, việc chuyển mạnh từ tiểu ngạch sang chính ngạch không phải bây giờ mới nói mà nói nhiều nhưng vẫn khó khăn trong việc thay đổi tập quán sản xuất, xuất khẩu, chất lượng hàng hóa, thói quen mua bán của cư dân biên giới....

"Từ 90% xuất khẩu tiểu ngạch không thể chuyển ngay thành 100% chính ngạch mà phải có lộ trình và kế hoạch căn cơ. Việc xây dựng lộ trình này là cấp bách, phải hành động từ hôm nay", bà Hà nhấn mạnh.

Đáng chú ý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn nhận định thời gian qua hình thức mua bán tiểu ngạch được ưa chuộng vì phía Trung Quốc có chính sách hỗ trợ thuế 8 nghìn tệ với 1 cư dân biên giới. Tuy vậy, chính sách này nhiều khả năng có thể thay đổi trong thời gian tới theo định hướng phát triển của Trung Quốc.

Do vậy, bà Hà nhấn mạnh dù chuyển sang xuất khẩu chính ngạch khó khăn nhưng phải bắt đầu từ hôm nay để chủ động hơn trong việc bảo vệ, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, giúp nông sản Việt Nam cạnh tranh với sản phẩm nông nghiệp nội địa của Trung Quốc, cũng như với các nước có sản phẩm tương đồng.

"Tôi nghĩ đó là giải pháp quan trọng để các địa phương rà soát lại các tiêu chí, vùng trồng, sản lượng tiêu thụ và xuất khẩu nông sản, để cân đối giữa quy mô và thị trường tiêu thụ", bà Hà nhấn mạnh.

Với kinh nghiệm làm việc với thị trường Trung Quốc 20 năm, từ khi còn xuất khẩu tiểu ngạch trái chôm chôm, nhãn, bà Ngô Tường Vy, Phó giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (Bến Tre), cho biết thời điểm này đừng ai nói rằng đây là thị trường dễ tính, thậm chí có những yêu cầu còn khắt khe hơn thị trường Mỹ.

5 năm trở lại đây, Chánh Thu cho biết đã từng bước chủ động thay đổi, đáp ứng các yêu cầu khắt khe mà phía Trung Quốc đưa ra. Vì vậy, đa phần trái cây xuất khẩu tại xưởng đã được đối tác thanh toán 100%.

"Trước những khó khăn, thách thức ùn ứ ở cửa khẩu, chúng tôi không gặp phải tình trạng này. Tuy nhiên, ảnh hưởng gián tiếp về sức mua, đứt gãy liên kết là có". Vì vậy, bà Vy cho rằng cần phải nhanh chóng thay đổi phương thức xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Bà Vy nhấn mạnh: "Chúng ta đừng nghĩ rằng nông sản gặp khó ở thị trường Trung Quốc là vì chính sách "zero COVID" của phía bạn mà cần nhìn thẳng ra nông sản Việt Nam đã và sẽ đáp ứng các tiêu chuẩn sắp tới mà Trung Quốc đưa ra như thế nào".

Thay đổi tư duy sản xuất từ hôm nay

Đại diện Chánh Thu đặt vấn đề cần xây dựng một hệ thống tiêu chuẩn chất lượng đồng bộ cho nông sản Việt Nam. Làm sao chính quyền địa phương, doanh nhân phải thay đổi ngay lập tức để thích ứng với yêu cầu mới. Ngoài xuất khẩu sang Trung Quốc thì có thể đẩy mạnh xuất sang các thị trường khác. Đây mới là con đường bền vững.

Phản ánh những bất cập về câu chuyện quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, ông Nguyễn Khắc Tiến, Chủ tịch HĐQT công ty CP Ameii Việt Nam, dẫn trường hợp của trái thanh long, đơn hàng không thiếu, nhưng khó khăn nhất của doanh nghiệp là quản lý cơ sở đóng gói đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Ông Tiến cho biết cách đây 2 năm có thời điểm doanh nghiệp xuất khẩu 60 container thanh long một tháng nhưng do việc cơ sở đóng gói không tuân thủ yêu cầu mà doanh nghiệp đặt ra nên một số đơn hàng bị đối tác phàn nàn, trả về.

"Chúng tôi thậm chí còn phải nhờ cơ quan chức năng đến giám sát thì cơ sở mới thực hiện đúng cam kết. Vì vậy, ông Tiến mong muốn các địa phương quan tâm hơn tới câu chuyện này", Chủ tịch Ameii chia sẻ đây cũng là lý do doanh nghiệp không dám nhận thêm các đơn hàng xuất khẩu thanh long.

Điều này cho thấy để chấm dứt hẳn câu chuyện "giải cứu","dội chợ" nông sản Việt là câu chuyện khó, nhất là khi con đường này cần sự chung tay, góp sức của tất cả các bên. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ, việc ùn tắc nông sản ở cửa khẩu có thể khiến doanh nghiệp lỗ một chuyến hàng, chuyến sau còn đi buôn thì sẽ lấy lại được. Còn với bà con nông dân, mất một vựa trái cây là gần như mất trắng cả gia sản, không cách nào gỡ lại được.

Ông Hoan cũng kể lại câu chuyện, cách đây khoảng nửa tháng, khi đến một địa phương gặp một Chủ tịch Hiệp hội ngành hàng đang xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc và bị ùn ứ. "Anh ấy có hỏi tôi rằng: Bộ trưởng có thể giúp cho những doanh nghiệp như chúng tôi hiểu được sự thay đổi thị trường Trung Quốc?", ông kể và cho rằng khá bất ngờ bởi thời gian qua Bộ NN&PTNT cùng Bộ Công Thương thường xuyên tổ chức, hướng dẫn doanh nghiệp. Tuy nhiên, dường như nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ rất thờ ơ. Trong khi hơn ai hết, doanh nghiệp phải năng động, tìm kiếm những thông tin thị trường, trong đó có quy định về từng loại thị trường.

Theo đó, Bộ trưởng NN&PTNT nhấn mạnh chính doanh nghiệp là người dẫn dắt nông dân sản xuất, bởi vì doanh nghiệp mua như thế nào thì người dân sản xuất như thế. Nếu doanh nghiệp thấy thị trường Trung Quốc là thị trường khó tính, tầng lớp trung lưu nhiều, họ tìm kiếm nông sản không như ngày xưa nữa thì chính doanh nghiệp đó sẽ dẫn dắt người nông dân.

Mặt khác, Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương cùng các bộ, ngành liên quan sẽ cùng nhau ngồi lại phân tích câu chuyện thị trường khi chúng ta không phải "một mình một chợ" và độ khó khăn phức tạp càng cao hơn. Làm sao phải tổ chức lại sản xuất đúng với yêu cầu thị trường cần.

"Tôi được biết anh em bên Trung Quốc có nói, hằng ngày khi chợ đầu mối Bắc Kinh mở cửa thì một giờ sau nông dân Thái Lan nắm bắt được giá cả, thị trường. Còn chúng ta hơi chậm hơn trong vấn đề thông tin đến doanh nghiệp và các hợp tác xã", ông Hoan nhấn mạnh đây cũng là việc mà mình còn yếu và cần phải làm để xuất khẩu nông sản đi được con đường chính ngạch.

TS. Nguyễn Đình Cung

Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

Làm sao chúng ta phải cho người nông dân, doanh nghiệp và cả cơ quan quản lý ở các địa phương hiểu rằng con đường xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc là không tiếp tục đi được nữa thì mới có tư duy, động lực để thay đổi. Nông nghiệp không thể phát triển nếu vẫn còn tồn tại tư duy giải cứu mà hãy vận động theo yêu cầu từ thị trường. Thị trường ra tín hiệu để chúng ta cùng nhau thay đổi.

Ông Nguyễn Như Cường

Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT)

Thực tế, ngay cả những nước phát triển như Mỹ, châu Âu cũng vẫn xảy ra tình cảnh nông dân đổ nông sản. Đây là thực tế khó tránh khỏi khi thị trường bị tác động tiêu cực nhưng làm sao chúng ta phải hạn chế thấp nhất rủi ro "được mùa rớt giá" này. Về quy hoạch, ngành trồng trọt không có quy hoạch cho từng ngành sản xuất, quy hoạch ngành trồng trọt gắn kết vào quy hoạch chung của các tỉnh. Do vậy, đề nghị các tỉnh xây dựng quy hoạch chung, cũng phải quy hoạch ngành trồng trọt một cách rõ ràng, gắn với hạ tầng giao thông, tránh tình trạng nay đầu tư, mai phá. Từ đó có định hướng dài hơi hơn về cơ sở hạ tầng, logistics cho phát triển nông sản.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng

Chủ tịch Nafoods Group

Làm sao phải phát triển chuỗi giá trị nông sản Việt Nam một cách bền vững, không để tình trạng thỉnh thoảng các ngành chức năng lại phải đứng ra giải quyết ùn ứ nông sản. Trên khía cạnh của doanh nghiệp, nguyên liệu nhiều, nhà máy mừng nhưng sản phẩm bắt buộc phải đảm bảo an toàn chất lượng, không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật. Đây là điều kiện tiên quyết để đưa nông sản tới bất cứ thị trường nào.

Lê Thúy

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/nong-san-quyet-tam-noi-khong-voi-xuat-khau-tieu-ngach-1084210.html