Hoa Kỳ hủy điều tra, xuất khẩu sản phẩm gỗ Việt Nam rộng đường tăng trưởng cuối năm

Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam nửa đầu năm đạt mức cao gần 8 tỷ USD và với động thái mới nhất của Hoa Kỳ liên quan tới vụ việc điều tra phòng vệ thương mại với tủ gỗ, xuất khẩu nhóm hàng này sẽ thuận lợi hơn nữa trong những tháng cuối năm.

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, trong tháng 6/2024, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt 1,25 tỷ USD, giảm 1,3% so với tháng 5/2024, nhưng tăng 13,3% so với tháng 6/2023. Trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 853,9 triệu USD, tăng 2,3% so với tháng 5/2023 và tăng 12,7% so với tháng 6/2023.

Nửa đầu năm, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam vượt 7,5 tỷ USD

Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt 7,5 tỷ USD, tăng 23,1% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 5,1 tỷ USD, tăng 22,2% so với cùng kỳ năm 2023.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) và Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại, với việc nhu cầu phục hồi từ các thị trường xuất khẩu chính, hoạt động xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam ghi nhận tốc độ tăng trưởng tích cực trong nửa đầu năm 2024. Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng gỗ và sản phẩm gỗ tăng trưởng rất mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu nhiều nhất tới thị trường Hoa Kỳ, đạt 4,1 tỷ USD, tăng 24,5% so với cùng kỳ năm 2023. Tiếp theo là thị trường Trung Quốc đạt 1,05 tỷ USD, tăng 49,3%; Nhật Bản đạt 796,8 triệu USD, giảm 2,2%; Hàn Quốc đạt 389,2 triệu USD, giảm 1,4%...

Triển vọng tiếp tục tăng trưởng khả quan trong thời gian tới

Về triển vọng thời gian tới, kinh tế, thương mại toàn cầu đang trên đà hồi phục và tăng trưởng tốt hơn vào năm 2025. Theo Tổ chức Thương mại Thế giới WTO (tháng 04/2024), khối lượng thương mại hàng hóa thế giới tăng trưởng 2,6% năm 2024 và 3,3% năm 2025. Các tín hiệu tích cực từ nền kinh tế toàn cầu sẽ góp phần thúc đẩy hàng hóa xuất khẩu, trong đó có xuất khẩu mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam nửa cuối năm 2024 tiếp tục tăng trưởng khả quan.

Bên cạnh đó, theo tính chu kỳ, dự báo kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao trong những tháng tới.

Đặc biệt, động thái mới từ Hoa Kỳ - thị trường xuất khẩu lớn nhất của gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam đang mang lại những tín hiệu tích cực hơn nữa.

Ngày 17/7, Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương cho biết, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã ban hành kết luận cuối cùng của vụ việc điều tra xem xét phạm vi sản phẩm và chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá/chống trợ cấp với tủ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam.

Cụ thể, về điều tra xem xét phạm vi sản phẩm, DOC giữ nguyên kết luận sơ bộ điều chỉnh vào tháng 9/2023. Theo đó, 3 trường hợp tủ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam có các bộ phận sản xuất tại Trung Quốc bị xác định thuộc phạm vi của lệnh áp thuế hiện hành với Trung Quốc, gồm: Sản phẩm có thành phần cửa, mặt hộc và khung gỗ sản xuất tại Trung Quốc, sau đó được lắp ráp tại Việt Nam và được kết hợp với hộp ván tủ và hộp hộc kéo sản xuất ở Việt Nam; Sản phẩm có cửa, mặt hộc và khung gỗ là bán thành phẩm được sản xuất tại Trung Quốc, sau đó tiếp tục gia công tại Việt Nam và được kết hợp với hộp ván tủ và hộp hộc kéo sản xuất ở Việt Nam; Sản phẩm có các chi tiết bán thành phẩm của cửa, mặt hộc và khung gỗ (bao gồm đai, trụ, ván) được sản xuất tại Trung Quốc, sau đó tiếp tục gia công tại Việt Nam và được kết hợp với hộp ván tủ và hộp hộc kéo sản xuất ở Việt Nam.

Tiếp theo, DOC sẽ gửi thông báo cho Cơ quan Hải quan và Biên phòng Hoa Kỳ (CBP) hướng dẫn áp dụng Cơ chế tự xác nhận (Certificate Regime) với tủ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam. Cơ chế này cho phép các doanh nghiệp xuất khẩu tủ gỗ của Việt Nam không thuộc 3 trường hợp nêu trên được loại trừ, không phải nộp thuế chống bán phá giá/chống trợ cấp khi xuất khẩu sang Hoa Kỳ.

Về điều tra chống lẩn tránh, Cục Phòng vệ thương mại cho hay, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã hủy bỏ toàn bộ vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá/chống trợ cấp với tủ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam.

Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam ghi nhận sự phục hồi và tăng trưởng khá mạnh mẽ từ đầu năm 2024 đến nay. (Ảnh minh họa)

Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam ghi nhận sự phục hồi và tăng trưởng khá mạnh mẽ từ đầu năm 2024 đến nay. (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, các chuyên gia dự báo trong nửa cuối năm 2024, vẫn còn không ít thách thức với hoạt động xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ như: Xung đột địa chính trị tiếp tục căng thẳng đẩy giá cước vận tải lên cao, các thách thức liên quan đến quy định về môi trường, phát triển bền vững, chuyển đổi xanh... của các thị trường.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí Công Thương bên lề một sự kiện tổ chức mới đây, ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam cho biết, hoạt động xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ từ đầu năm 2024 tới nay có sự phục hồi, khởi sắc tích cực hơn so với các năm trước; các doanh nghiệp đẩy mạnh khai thác các thị trường trọng điểm.

Đối với quy định mới của EU liên quan tới phòng chống phá rừng (Quy định EUDR) được đánh giá sẽ ảnh hưởng tới ngành gỗ, ông Ngô Sỹ Hoài cho biết, mặc dù thị trường EU chiếm tỷ trọng không lớn trong tổng thể thị trường xuất khẩu của ngành gỗ Việt Nam nhưng các doanh nghiệp đã bước đầu có sự tiếp cận, chuẩn bị để đáp ứng, tuân thủ các quy định này bởi đây là xu hướng chung về phát triển bền vững trên toàn thế giới.

Việt Hằng

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/hoa-ky-huy-dieu-tra--xuat-khau-san-pham-go-viet-nam-rong-duong-tang-truong-cuoi-nam-123752.htm