Nông sản Sơn La vượt qua đại dịch COVID-19

Những ngày cuối cùng của năm 2020, chúng tôi tới thăm HTX nông nghiệp Hoàng Tuấn, bản Hải Sơn, xã Chiềng Khoong (Sông Mã) đúng lúc ông Đào Ngọc Bằng, Giám đốc HTX đang thăm vườn nhãn. Trò chuyện với chúng tôi, ông Bằng phấn khởi nói: Vụ nhãn năm nay đúng dịp dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp trên thế giới. Trong đó, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chính phải tạm đóng cửa khẩu, khiến cho việc tiêu thụ nông sản trong nước gặp khó khăn. Lúc đó, những người trồng nhãn như chúng tôi đứng ngồi không yên vì lo không tiêu thụ được sản phẩm. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời của các cơ quan chức năng tỉnh và huyện, chúng tôi đã bán hết sản phẩm nhãn với giá có lúc còn cao hơn cả năm 2019.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và thành phố Hải Phòng thăm gian hàng nông sản an toàn Sơn La tại Tuần hàng nông sản an toàn và giới thiệu sản phẩm du lịch Sơn La tại Hải Phòng năm 2020.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và thành phố Hải Phòng thăm gian hàng nông sản an toàn Sơn La tại Tuần hàng nông sản an toàn và giới thiệu sản phẩm du lịch Sơn La tại Hải Phòng năm 2020.

HTX nông nghiệp Hoàng Tuấn được thành lập năm 2011. Đến nay, có 15 thành viên trồng và chăm sóc gần 31 ha nhãn, năng suất bình quân đạt 13 tấn/ha, sản lượng hơn 400 tấn/năm; trong đó, có 5 ha nhãn hữu cơ. Trước những khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, HTX nông nghiệp Hoàng Tuấn đã được các cơ quan chức năng tỉnh và huyện Sông Mã hỗ trợ hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc nhãn, làm bao bì sản phẩm nhãn hữu cơ Oganic và được tham gia Hội nghị giao thương trực tuyến quốc tế sản phẩm nhãn Việt Nam 2020, do UBND tỉnh Sơn La phối hợp với Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 13/8/2020, thu hút khoảng 100 doanh nghiệp nhập khẩu nông sản từ 8 thị trường xuất khẩu nhãn của Việt Nam, gồm: Ấn Độ, Australia, Hàn Quốc, Mỹ, Malaysia, Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc tham gia giao dịch trực tuyến. HTX nông nghiệp Hoàng Tuấn là 1 trong 30 nhà vườn, hợp tác xã, doanh nghiệp nhãn của 8 tỉnh, thành phố ở Việt Nam tham gia tìm kiếm cơ hội xuất khẩu. Nhờ đó, vụ nhãn năm 2020, HTX đã bán được 70 tấn nhãn chín sớm với giá 25.000 đồng/kg vào các siêu thị: BigC và Lotte ở Hà Nội; xuất khẩu long nhãn đi thị trường các nước: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, DuBai với giá trung bình 170.000 đồng/kg, cao hơn 50.000 đồng/kg so với năm 2019. Ông Bằng phấn khởi nói thêm: Do tác động của dịch bệnh COVID-19, năm 2020 có khoảng 60% sản lượng nhãn của HTX chuyển sang chế biến long nhãn để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, giúp chúng tôi chủ động hơn trong khâu bảo quản, thu hái sản phẩm. Doanh thu của HTX đạt 6 tỷ đồng, cao hơn 10% so với năm 2019 do một phần diện tích nhãn của HTX được áp dụng các biện pháp kỹ thuật đạt chuẩn hữu cơ Organic.

Ông Đặng Văn Thửa, Trưởng bản Hải Sơn, xã Chiềng Khoong (Sông Mã) chia sẻ: Bản có 300 hộ, hơn 1.100 nhân khẩu trồng gần 100 ha nhãn, chủ yếu là nhãn ghép giống chín sớm nên bán được giá hơn. Riêng nhà tôi cũng có gần 2 ha nhãn ghép, vụ này thu gần 35 tấn quả, bán được giá từ 15.000-18.000 đồng/kg, trừ chi phí còn lãi khoảng 500 triệu đồng.

Với sự chỉ đạo sát sao, kịp thời gắn với những giải pháp phù hợp, tỉnh Sơn La đã chủ động điều chỉnh cơ cấu thị trường trong tỉnh, trong nước và xuất khẩu. Trong đó, đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, xác định thị trường trong nước là thị trường tiêu thụ chính. Tập trung đẩy mạnh hoạt động chế biến nông sản; khẩn trương hoàn thiện các thủ tục đầu tư đẩy nhanh tiến độ xây dựng và đi vào hoạt động các nhà máy chế biến nông sản có quy mô lớn trên địa bàn tỉnh gắn với quy hoạch vùng nguyên liệu. Cùng với đó, tỉnh ta còn khuyến khích, hỗ trợ các cơ sở chế biến nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh thu mua, chế biến các sản phẩm nông sản thành các sản phẩm sấy khô, sản phẩm OCOP... Cung cấp các thông tin về doanh nghiệp, sản phẩm, số lượng, chất lượng, chủng loại, thời vụ để đề nghị các đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố kết nối tiêu thụ các sản phẩm nông sản của Sơn La tại thị trường trong nước và xuất khẩu; thường xuyên cung cấp thông tin tình hình xuất, nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc, các yêu cầu về chất lượng hàng hóa của nước nhập khẩu để các doanh nghiệp, hợp tác xã trong tỉnh chủ động xuất khẩu hàng hóa. Hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương tham gia thu mua nông sản cho người dân và liên kết với các doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp chế biến tiêu thụ nông sản bền vững. Tăng cường quản lý quy trình chăm sóc vùng trồng cây ăn quả đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX cấp mới mã số vùng trồng và tăng cường quản lý mã số vùng trồng đã cấp; đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử… Sở Công Thương tỉnh cũng phối hợp với Vụ châu Á - châu Phi, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức và hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia nhiều hội nghị xúc tiến thương mại và kết nối tiêu thụ trực tuyến với thị trường các nước và các tỉnh thành phố của nước ta.

Có thể thấy, với sự quan tâm, chủ động vào cuộc kịp thời của các cơ quan chức năng tỉnh thông qua những giải pháp cụ thể, thiết thực đã giúp người dân vượt qua những khó khăn của đại dịch COVID-19 để tiêu thụ nông sản đảm bảo cả 3 mục tiêu: Được mùa, được giá, được thu nhập cho người dân.

Đình Thành

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/nong-san-son-la-vuot-qua-dai-dich-covid19-36435