Nông sản thực phẩm của Việt Nam bị EU cảnh báo đang gia tăng, vì sao?
Tính riêng trong 2 tháng đầu năm 2025, trong 624 cảnh báo của EU đối với nông sản thực phẩm, Việt Nam bị 16 cảnh báo, Thái Lan 6, Indonesia bị 2 cảnh báo.
Sáng 24-2, Văn phòng SPS Việt Nam (Bộ NN&PTNT) phối hợp Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức hội nghị triển khai cấp bách các biện pháp tăng cường tuân thủ quy định an toàn thực phẩm của thị trường EU.
Thống kê cảnh báo của EU đối với nông sản thực phẩm, TS. Ngô Xuân Nam, Phó giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, cho biết trong năm 2024, EU đã phát 5.268 cảnh báo cho tất cả quốc gia và vùng lãnh thổ. Các cảnh báo về vi sinh vật gây bệnh, dư lượng thuốc trừ sâu, thuốc kháng sinh luôn chiếm tỷ lệ cao.
Đáng chú ý, năm 2024, EU có 37 cảnh báo về các thực phẩm mới. Con số này đã tăng lên 8 cảnh báo chỉ trong 2 tháng đầu năm 2025.
“Trong 8 cảnh báo về thực phẩm mới này, có 4 cảnh báo liên quan đến sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam, chiếm 50%” - ông Nam nói.

Hội nghị triển khai cấp bách các biện pháp tăng cường tuân thủ quy định an toàn thực phẩm của thị trường EU, sáng 24-2. Ảnh: Tùng Đinh
Tiếp tục thông tin, Phó giám đốc của Văn phòng SPS Việt Nam cho biết trong số các quốc gia, vùng lãnh thổ có sản phẩm bị EU cảnh báo trong năm 2024, nội khối EU bị cảnh báo nhiều nhất, với 1.965 cảnh báo.
Việt Nam bị 114 cảnh báo, tăng gần gấp đôi so với năm 2023; Thái Lan có 68 cảnh báo; Indonesia có 27 cảnh báo…
Tính riêng trong 2 tháng đầu năm 2025, trong 624 cảnh báo thì nội khối EU bị 248 cảnh báo, Việt Nam bị 16 cảnh báo, Thái Lan bị 6 cảnh báo, Indonesia bị 2 cảnh báo.
“Thống kê trên cho thấy nếu so với cả năm 2024, con số bị cảnh báo của Việt Nam đã tăng từ 2.2% lên 2.6%. Và nếu so sánh với một số quốc gia và vùng lãnh thổ có điều kiện tương tự xuất khẩu nông sản thực phẩm sang EU như Thái Lan, Indonesia… thì con số 16 cảnh báo của Việt Nam tương đối cao” - ông Nam đánh giá.
Phân theo các mối nguy đối với cảnh báo sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam vào EU, mối nguy về dư lượng hóa chất (thuốc trừ sâu, thuốc thú y) chiếm tỉ lệ cao nhất, theo sau là ô nhiễm vi sinh vật và độc tố nấm mốc.
Đáng chú ý, số cảnh báo về phụ gia thực phẩm và thực phẩm mới đang gia tăng trong những năm gần đây.
“Đây là những dấu hiệu mà chúng ta cần quan tâm để các cấp có chỉ đạo kiểm soát tốt các quy định này” - ông Nam nhấn mạnh, đồng thời cho hay TP.HCM và Hà Nội là hai địa phương bị cảnh báo nhiều nhất.
Ngoài ra, các tỉnh, TP khác như Tiền Giang, Khánh Hòa, Bình Dương, Cần Thơ… cũng bị cảnh báo. Hầu hết các tỉnh bị nhiều cảnh báo là những địa phương chưa xây dựng kế hoạch thực thi đề án SPS mà Thủ tướng đã phê duyệt.
Phân tích về nguyên nhân, theo lãnh đạo Văn phòng SPS Việt Nam, hiện nay các quốc gia, vùng lãnh thổ đang gia tăng các biện pháp an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh động thực vật đối với nông sản thực phẩm và thủy sản nhập khẩu.
Trong khi đó, hiện sản xuất trong nước, một số vùng trồng vẫn chưa tuân thủ các quy định của nhà nhập khẩu vì mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đối với mỗi hoạt chất của mỗi sản phẩm là khác nhau. Trong các vùng nuôi thủy sản, một số vùng nuôi còn lạm dụng kháng sinh trong nuôi trồng, thiếu hiểu biết về vi khuẩn gây bệnh, môi trường nuôi bị ô nhiễm…
Các cơ sở đóng gói, sơ chế, chế biến thì chưa cập nhật đầy đủ các quy định mới của EU về danh mục thực phẩm mới, nhãn mác sản phẩm, sản phẩm tổng hợp để đáp ứng đúng quy định.
Về phía cơ quan quản lý, một số cơ quan quản lý địa phương cũng chưa sát sao với vấn đề liên quan đến SPS. Việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm bị cảnh báo chưa được quan tâm đúng mức...
Thực phẩm mới là bất kỳ thực phẩm báo chưa được con người tiêu thụ ở mức độ đáng kể ở EU trước ngày 15-5-1997 và thuộc ít nhất một trong các loại sau:
- Thực phẩm có cấu trúc phân tử mới, thực phẩm có chứa hoặc được phân lập từ hoặc được sản xuất từ vi sinh vật, nấm hoặc tảo;
- Thực phẩm có chứa hoặc được tách ra hoặc được sản xuất từ vật liệu có nguồn gốc khoáng sản;
- Thực phẩm có chứa hoặc được phân lập từ hoặc được sản xuất từ động vật hoặc các bộ phận của chúng, ngoại trừ động vật thu được bằng phương pháp chăn nuôi truyền thống…
Ví dụ, món ăn từ dế được coi là thực phẩm mới trong EU do không được tiêu thụ nhiều trước 15-5-1997.