Nông sản Việt cần chiến lược xuất khẩu để hướng tới thị trường Mỹ
Nông sản Việt Nam đang giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc và tăng cường xuất sang các thị trường có giá trị cao hơn.
Đây là một trong những nhiệm vụ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đặt ra tại Hội nghị thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản, tổ chức ngày 16/12, tại TP.HCM.
Nông sản giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc
Ông Lê Thanh Hòa - Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết, năm 2024 là một năm bứt phá của nông nghiệp Việt Nam cả về sản xuất và xuất khẩu.
Kim ngạch xuất khẩu nông sản ước đạt trên 62 tỷ USD; tăng hơn 18% so năm 2023. Dự báo, nhóm hàng nông sản vẫn tiếp tục tăng trưởng tốt trong quý I/2025.
Một trong những điểm cần chú ý là xuất khẩu nông sản đã giảm sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Mỹ đã vượt qua Trung Quốc trở thành thị trường nhập khẩu nông lâm thủy sản lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch đạt khoảng 8,7 tỷ USD, chiếm 25,4% tổng giá trị xuất khẩu. Một số thị trường khác cũng có sự gia tăng thị phần như ASEAN, Trung Đông, EU.
Ông Hòa cho rằng, những thay đổi và chuyển dịch này đặt ra vấn đề định hướng lại chiến lược xuất khẩu phù hợp với yêu cầu và xu hướng mới.
Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu vào Trung Quốc có chậm lại trong các tháng gần đây. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn là một điểm đến quan trọng trong xuất khẩu nông sản Việt.
Đơn cử như mặt hàng sầu riêng xuất sang Trung Quốc dự kiến đạt 3,2-3,5 tỷ USD trong năm 2024. Con số này tăng 1,75 lần so với 2023.
Ông Nông Đức Lai, Tham tán thương mại Việt Nam tại thị trường Trung Quốc, cũng cho biết nhu cầu tiêu dùng và nhập khẩu trái cây nhiệt đới của Trung Quốc vẫn tăng. Dự báo đến năm 2026, số lượng tiêu thụ và nhập khẩu các loại trái cây này lần lượt đạt 319 triệu tấn và 15 triệu tấn.
Tuy nhiên thị trường Trung Quốc ngày càng đặt ra các tiêu chuẩn khắt khe. Mỗi năm có hàng nghìn trường hợp hàng hóa nông sản, thực phẩm từ các nước vi phạm quy định, tiêu chuẩn nhập khẩu của Trung Quốc.
Việt Nam nằm trong nhóm 10 quốc gia có số lượng hàng hóa nông sản, thực phẩm bị cảnh báo nhiều nhất.
Hoạt động sản xuất của các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam đang phục hồi mạnh nhằm phục vụ nhu cầu trong nước. “Điều này cũng làm gia tăng sự cạnh tranh giữa hàng hóa nhập khẩu của các nước và hàng hóa nội địa, đặc biệt là Trung Quốc”, ông Lai lưu ý.
Đáp ứng yêu cầu thị trường thế giới
Năm 2024, cả nước thu hồi 139 mã số vùng trồng, 192 mã số cơ sở đóng gói đối với các sản phẩm xoài, vú sữa, thanh long, nhãn và mít; do không đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu, trong đó có thị trường Trung Quốc.
Ông Lê Văn Thiệt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết, số lượng mã số cần thu hồi và phải khắc phục vẫn còn khá cao so với năm 2023.
Đây là hệ quả của việc đăng ký, phát triển mã số xuất khẩu ồ ạt khi Trung Quốc đặt yêu cầu bắt buộc để đưa nông sản vào thị trường này. Thế nhưng, khâu quản lý ở các địa phương trong những năm qua còn lỏng lẻo, hình thức.
Các thị trường khó tính khác cũng nâng cao rào cản kỹ thuật về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm. Trong khi Việt Nam thiếu các nghiên cứu, dự báo có chiều sâu và toàn diện về nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng tại các thị trường trọng điểm cũng như về các đối thủ cạnh tranh với nông sản Việt.
Điểm yếu nữa là hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ, năng lực đầu tư công nghệ bảo quản, chế biến và tổ chức vùng nguyên liệu yếu. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp còn kinh doanh chụp giật, gian lận khi xuất khẩu và làm thủ tục kiểm dịch thực vật.
“Việc cạnh tranh không lành mạnh, làm mất uy tín nông sản Việt, và tất yếu là làm mất thị trường đã rất khó khăn mới mở cửa được”, ông Thiệt nói.
Ông Nguyễn Anh Phong, Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển Nông nghiệp nông thôn cho biết, năm 2024, Việt Nam ghi nhận sự gia tăng bất thường về số lượng các hoạt chất cần đặc biệt chú ý khi sản xuất và xuất khẩu nông sản vào EU.
Theo quy định tăng cường tần suất kiểm tra biên giới, 4 mặt hàng nông sản Việt phải chịu sự kiểm soát nghiêm ngặt hơn, bao gồm thanh long (30%), ớt (50%), đậu bắp (50%) và sầu riêng (10%).
Trong năm tới, thị trường Mỹ có thể gia tăng các chính sách kiểm tra, đặc biệt là với thủy sản và các sản phẩm chế biến từ gỗ.
“Một trong những ưu tiên của ngành nông nghiệp là đảm bảo an toàn thực phẩm và đáp ứng các yêu cầu khắt khe của thị trường. Trong nước cần chuẩn bị tốt các khâu để không bị gián đoạn xuất khẩu”, ông Phong đề nghị.