Nông sản xuất khẩu với khát vọng 100 tỷ USD – Bài cuối: Viết tiếp những kỳ tích

Năm 2025 và chặng đường sắp tới được dự báo sẽ đầy thách thức đối với xuất khẩu nông sản Việt Nam. Tuy nhiên, thách thức cũng đồng nghĩa với cơ hội để ngành nông nghiệp tái cơ cấu, đổi mới và phát triển mạnh mẽ hơn.

Trái bưởi Việt Nam đã và đang chinh phục nhiều thị trường khó tính. Ảnh: M.H.

Trái bưởi Việt Nam đã và đang chinh phục nhiều thị trường khó tính. Ảnh: M.H.

Tăng tốc đột phá hơn nữa

Trước các thách thức lớn từ nhiều thị trường chủ lực, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) cho biết, một trong những giải pháp quan trọng để thúc đẩy xuất khẩu nông sản bền vững chính là vấn đề chất lượng. Chính vì vậy, Bộ NNPTNT vẫn tiếp tục triển khai thực hiện các đề án thúc đẩy xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang các thị trường Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, EU… Đặc biệt, tập trung phát triển nông nghiệp xanh theo hướng tăng cường sản xuất nông nghiệp hữu cơ để đáp ứng các yêu cầu mới nhất của các nước nhập khẩu về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.

Hiện nay, tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp hữu cơ của cả nước khoảng hơn 75.000ha, trong đó có 38.780ha sản xuất hữu cơ được chứng nhận tiêu chuẩn Việt Nam hoặc theo tiêu chuẩn của EU, Mỹ, Nhật Bản. Các địa phương cũng đẩy mạnh quy hoạch vùng sản xuất và hỗ trợ các mô hình sản xuất hữu cơ ở tất cả các lĩnh vực như: Trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp.

Trong bối cảnh xuất khẩu gạo đối diện với nhiều thách thức, những giải pháp đang được ngành nông nghiệp tính đến nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào một số thị trường và để ngành lúa gạo vững vàng trước những "cơn sóng cả". Theo đó, ngành nông nghiệp có định hướng điều tiết lại nguồn tiêu thụ sản phẩm cân đối hơn giữa xuất khẩu và tiêu dùng trong nước. Trong đó, đồng bằng sông Cửu Long là vùng sản xuất lúa gạo chính của Việt Nam, chiếm trên 50% sản lượng lúa và 90% lượng gạo xuất khẩu của cả nước. Những vùng khác đa phần để phục vụ cho tiêu thụ nội địa.

Hiện, ngành nông nghiệp và các địa phương đang phối hợp triển khai Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp. Đây là mô hình sản xuất lúa chất lượng cao, giảm phát thải thấp đầu tiên trên thế giới nên được nhiều tổ chức quốc tế, doanh nghiệp (DN) tham gia, đồng hành.

Đề án xác định rõ, giá trị gia tăng trong chuỗi lúa gạo tăng 30%, trong đó tỷ suất lợi nhuận của người nông dân đạt trên 40%; lượng gạo xuất khẩu chất lượng cao và phát thải thấp chiếm trên 20% tổng lượng gạo xuất khẩu của toàn vùng chuyên canh.

Để ngành nông sản tiếp tục đạt được kỳ tích hướng đến mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu 100 tỷ USD trong tương lai, giới chuyên gia trong ngành cũng cho rằng, cần đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, ưu tiên thúc đẩy các ngành hàng như lúa gạo, thủy sản và rau quả theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả là con đường duy nhất để tăng kim ngạch xuất khẩu nông sản cũng như xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế. Để làm được điều này cần có sự liên kết, thông suốt về mặt chính sách. Về phía các DN phải làm nghiêm túc hơn từ khâu sản xuất, chế biến đến xuất khẩu.

"Tìm kiếm, mở cửa các thị trường đã khó, giữ được thị trường càng khó hơn. Do đó, chúng ta cần hướng đến mô hình sản xuất chuyên nghiệp hơn ngay từ khâu sản xuất đảm bảo truy xuất nguồn gốc, cơ sở đóng gói... theo đúng quy định của các nước nhập khẩu, để nông sản của ta có thể tiếp cận được cả những thị trường khó tính nhất" - chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy khuyến nghị.

Đề cập về định hướng để xuất khẩu nông sản trong giai đoạn tiếp theo, khi còn ở cương vị Bộ trưởng Bộ NNPTNT, ông Lê Minh Hoan cho rằng, đến thời điểm này, có thể khẳng định tăng trưởng của ngành nông nghiệp đã vượt xa mục tiêu của nhiệm kỳ 2021-2025, chẳng hạn mục tiêu năm 2030 xuất khẩu rau quả đạt 5 tỷ USD thì nay đã vượt mốc 7 tỷ USD. Bởi vậy, ngành nông nghiệp phải định hướng những nhiệm vụ mới, làm sao để tăng tốc, đột phá hơn nữa trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

“Nông nghiệp, nông sản nếu chỉ khai thác dưới khía cạnh thực phẩm, thì chúng ta mới tận dụng được tầng thấp nhất, trong khi bất kỳ một nông sản nào cũng đều có giá trị dược liệu, dược phẩm và mỹ phẩm. Sau nền nông nghiệp sản lượng, đã đến lúc chúng ta cùng ngồi lại để tìm kiếm những giá trị thặng dư cao hơn” – ông Hoan nhấn mạnh.

Tận dụng cơ hội mở rộng thị trường

Với những nỗ lực của mình, các ngành xuất khẩu nông lâm, thủy sản đã ghi được những thành quả đáng nể trong thời gian qua. Những con số kim ngạch xuất khẩu mà các lĩnh vực thủy sản, rau quả, ngành gạo... đạt được là một minh chứng rõ nét. Để viết tiếp những kỳ tích của ngành, giới chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp xuất khẩu cần nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm bằng cách gia tăng chế biến sâu, đảm bảo các quy chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm... Bên cạnh đó, nỗ lực mở rộng thị trường là yếu tố không kém phần quan trọng.

Theo PGS.TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), DN cần tìm kiếm, mở rộng sang các thị trường mới như Trung Đông, châu Phi… để giảm thiểu rủi ro và tận dụng cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết. Tuy nhiên, ông Long lưu ý, dù ở bất cứ thị trường nào thì việc nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng cũng sẽ giúp DN trụ vững hơn trên thị trường. Mỗi thị trường đều có những tiêu chuẩn khác nhau nên DN cần đảm bảo sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn này để duy trì và mở rộng thị phần.

Đề cập đến vấn đề thị trường, Bộ Công thương cho rằng, hiện Việt Nam đã tham gia 20 FTA với các nước, trong đó có 17 FTA đã đi vào thực thi và 3 FTA đang trong quá trình đàm phán, dự kiến hoàn tất trong năm 2025. Khi thực thi đầy đủ cả 20 hiệp định, Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận một thị trường tiêu thụ hàng hóa lên tới 6 tỷ người. Điều này mở ra tiềm năng lớn cho sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là các sản phẩm nông, lâm, thủy sản nhiệt đới - lợi thế đặc trưng của Việt Nam.

Để hiện thực hóa mục tiêu 100 tỷ USD xuất khẩu nông sản, theo Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, việc xây dựng các vùng trồng và vùng nuôi đạt chuẩn quốc tế, ứng dụng công nghệ hiện đại, và tổ chức sản xuất khoa học là những yếu tố quyết định để nông sản Việt có thể đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của thị trường toàn cầu. Đồng thời, tăng cường chuỗi liên kết giữa DN, hợp tác xã và nông dân sẽ đảm bảo tính ổn định và bền vững cho ngành xuất khẩu.

Khanh Lê

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/nong-san-xuat-khau-voi-khat-vong-100-ty-usd-bai-cuoi-viet-tiep-nhung-ky-tich-10300347.html