Nông thôn miền núi phía Bắc trong tiểu thuyết Trịnh Thanh Phong
Dẫu sáng tác ở thể loại nào, đề tài nào Trịnh Thanh Phong cũng đều gặt hái được những vụ mùa bội thu, tạo nên 'cơn địa chấn' đối với bạn đọc và các nhà nghiên cứu, phê bình văn học. Đặc sắc, thành công nhất, và đã làm nên tên tuổi của ông trong làng văn xuôi đương đại Việt Nam, với một 'thương hiệu' riêng biệt Phong ma làng.
Nhà văn Trịnh Thanh Phong sinh năm 1949, tại làng Thông, Trường Sinh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Hiện nay, ông sống và viết tại tổ 12, phường Minh Xuân, thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang. Ông nguyên là Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Tuyên Quang, là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, hội viên Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Tuyên Quang. Trịnh Thanh Phong từng là một người lính tham gia chiến đấu ở mặt trận Lào trong những năm 70 của thế kỷ trước. Sau khi xuất ngủ, Trịnh Thanh Phong trở về quê hương làm ăn sinh sống và đã trở thành chiến sĩ hăng hái trên mặt trận văn hóa, nghệ thuật. Tính đến thời điểm này, Trịnh Thanh Phong đã có hàng chục tác phẩm, thuộc các thể loại khác nhau như: Đôi mắt vầng trăng(tập thơ, 1989); Bãi cuối sông (1990), Gặp lại (1997), Lời ru ban mai (2000), Vết thương thời bình (2008) - truyện ngắn; Bức tường xanh (2001), Bao giờ chim vành khuyên bay về (2004) - truyện thiếu nhi; Dưới chân núi BắcQuan (2003), Hiện ra từ huyền thoại (2010) - ký; Ma làng (2002), Đất cánh đồng Chum (2007), Đồnglàng đom đóm (2009), Ông Mãnh về làng (2011), Ngày thơ dại (2015), Cổ tích đời người (2018), Kẻ sống sót (2020) - tiểu thuyết,... Dẫu sáng tác ở thể loại nào, đề tài nào Trịnh Thanh Phong cũng đều gặt hái được những vụ mùa bội thu, tạo nên "cơn địa chấn" đối với bạn đọc và các nhà nghiên cứu, phê bình văn học. Đề tài trong sáng tác của ông chủ yếu tập trung hai đề tài lớn: nông thôn và chiến tranh, trong đó nông thôn là một trong những đề tài nổi bật, đặc sắc, thành công nhất, và đã làm nên tên tuổi của ông trong làng văn xuôi đương đại Việt Nam, với một "thương hiệu" riêng biệt Phong ma làng. Có lẽ đưa đến sự thành công của Trịnh Thanh Phong, trước hết phải kể đến tiểu thuyết Ma làng. Tác phẩm đạt giải Nhì của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam năm 2002, được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Hội Nhà văn Việt Nam trao tặng giải A về đề tài Nông nghiệp, nông dân và nông thôn năm 2011. Sau đó tác phẩm đã được chuyển thể thành bộ phim truyền hình dài tập nổi tiếng cùng tên, được công chiếu rộng rãi khắp cả nước, gây tiếng vang lớn trong đời sống xã hội Việt Nam lúc bấy giờ. Nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã có nhận xét rất đúng, khi cho rằng: “Một nhà văn [Trịnh Thanh Phong - BNH nhấn mạnh] sống ở miền núi Tuyên Quang mà làm nên được một Ma làng gây xôn xao dư luận trong nước và thế giới. Rõ ràng đây không chỉ là thành công riêng của Trịnh Thanh Phong mà còn là đóng góp của văn học nước nhà cho công cuộc đổi mới”. Sau thành công vang dội đó, Trịnh Thanh Phong tiếp tục cày ải trên cánh đồng màu mỡ này, và đã tiếp tục hạ sinh thêm những đứa con tinh thần nữa, được độc giả đón nhận, quan tâm, đó là Đất cánh đồng Chum (Giải thưởng Văn học Đông Dương sông Mê Công lần thứ 2 năm 2008 và giải B của Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam năm 2008), Đồng làng đom đóm (Giải thưởng Tân Trào của UBND tỉnh Tuyên Quang năm 2012), Ông Mãnh về làng, Cổ tích đời người,...
Nông thôn và nông dân miền núi phía Bắc trong tiểu thuyết viết về đề tài này được Trịnh Thanh Phong tái hiện chân thực, sinh động, với đủ gam màu sáng/tối, mang những nét đặc trưng riêng về cảnh vật, về con người, về phong tục tập quán,... qua hai thời kỳ trước và sau Đổi mới.
Bức tranh nông thôn miền núi phía Bắc trước Đổi mới
Bức tranh làng Lộc (Ma làng), làng Bâm Dương (Ông Mãnh về làng), làng Thông (Đồng làng đom đóm), làng Rồng, bản Vòn (Cổ tích đời người),... vùng hạ huyện Sơn Dương trước thời kỳ Đổi mới được nhà văn miêu tả với những vẻ đẹp ngàn đời, rất mộc mạc, đơn sơ và yên ả, thanh bình. Nơi vùng quê bán sơn cước ấy, có những dãy núi trùng trùng điệp điệp, những con suối, con sông quanh năm xanh ngắt một màu, những ruộng lúa, những đàn cò trắng lặn lội, sải cánh tung bay và có cả gốc đa đầu làng, mảnh vườn, hàng rào dâm bụt,... Tất cả đã làm gợi lên một không gian làng quê bán sơn cước trong trẻo, thuần khiết, rất đỗi quen thuộc, thân thương. Nhưng đằng sau sự bình dị, thân thuộc ấy, đời sống xã hội và người nông dân miền bán sơn cước trong “đêm trở dạ” lại hoàn toàn khác, vẫn còn nhọc nhằn, cực khổ, nghèo đói, lạc hậu, thân phận người dân vẫn quẩn quanh nơi lũy tre làng, hằng ngày phải đi đánh giậm, đánh ống lươn, bắt con cua, con cá, củ sắn, củ khoai, bắp ngô,... để kiếm cơm qua ngày, cải thiện bữa ăn. Xót xa hơn, đời sống của người dân nơi đây ngày càng trở nên khốn khổ, phức tạp, rối ren vì những hệ lụy, mặt trái từ những di hại của chiến tranh, từ những biến cố lịch sử của công cuộc cải cách ruộng đất, từ những căn bệnh quan liêu, thói lộng quyền, cửa quyền do cơ chế bao cấp để lại, từ những chuyện làng, chuyện xã, những thói tục xưa cũ, tệ lậu, vị kỷ, toan tính manh mún,... Những xáo trộn này đã làm ảnh hưởng, cản trở sự phát triển kinh tế, xã hội và người dân vùng quê miền bán sơn cước này. Làng Thông (Đồng làng đom đóm) kể từ khi cải cách ruộng đất đến thời kỳ tiền Đổi mới đã xảy ra nhiều biến động dữ dội, gây ra những hậu quả nặng nề, làm cho đời sống của người dân rơi vào cảnh khốn cùng, nhà tan cửa nát. Chỉ vì muốn mua một ít đường cho bà cụ Vuông đang ốm nặng mà Hữu đã bị đuổi học. Dần vì muốn giúp đỡ, thực hiện ước mơ của Hữu mở bệnh xá tư để chăm lo sức khỏe của người dân cũng bị điều tiếng nặng nề, ảnh hưởng đến công việc, cuộc sống gia đình. Chính những sai lầm trong cải cách ruộng đất đã dẫn đến bước ngoặt trong cuộc đời lão Bành, lão có cớ để đốt nhà mình vu oan cho em rể khiến cả gia đình bà cụ Vuông li tán, từ đó lão Bành mới gặp mẹ Hữu, bà cụ Vuông, bà lang Đồng Mụng mới tha hương. Làng Lộc - cái làng quê lở lói bám quanh viền núi Châm (Ma làng) trước Đổi mới diễn ra càng dữ dội hơn, được xem là “điểm nóng”, với những biến động, xung đột, sai lầm, đầy thách thức, cam go của công cuộc cải cách ruộng đất, cùng với những biến chứng của căn bệnh quan liêu, cửa quyền, gây bè kết cánh của một số người nhân danh Đảng, lợi dụng uy tín của Đảng, của tập thể để mưu cầu danh lợi riêng cho chính mình; với những toan tính, thanh trừng lẫn nhau giữa các chi phái, dòng họ để tranh dành quyền lợi, mâm trên mâm dưới cho dòng họ, người thân và gia đình,... đã khiến cho cuộc sống của người dân nơi đây càng khốn khổ hơn, rơi vào bi kịch. Điển hình là, cuộc xung đột gay gắt, thanh trừng lẫn nhau giữa họ Phạm và họ Trương. Vây cánh Phạm Tòng đã trùm bóng đen lên khắp làng Lộc, với những toan tính, âm mưu đen tối, thâm độc nhằm loại trừ phe cánh họ Trương. Để loại trừ, tiêu diệt triệt để cánh họ Trương, Phạm Tòng dặn dò, ra lệnh lũ đàn em “phải biết mượn cái vỏ của Đảng để củng cố cái phái”. Để đạt thành công đó, vay cánh họ Phạm Tòng, Lường, Luồn,... đã bàn bạc, thống nhất thực hiện hành động trước mắt phải nhổ bằng được anh Tâm - người xã đội mẫu mực, được nhân dân tín nhiệm, yêu mến, phải dùng mọi thủ đoạn để hạ uy tín ông Tĩnh - một Đảng viên có năm mươi năm tuổi Đảng, phải đưa cô Mưa vào tròng - người đã trót mang trong mình dòng máu của nhà họ Phạm, phải mua chuộc chị Ló - người đàn bà vốn là “sản phẩm của lưu manh hóa”. Để củng cố, có thêm quyền lực, Phạm Tòng dùng đủ mánh khóe, bỏ qua tất cả điều tiếng, danh dự của gia đình để buộc con trai của mình phải lấy bằng được con của một vị có quyền chức trên huyện bị sứt môi.
Tác giả đã nhìn thấu, soi rõ mọi ngóc ngách của hiện thực đời sống, từ đó cắt nghĩa, lý giả một cách sâu sắc, mọi ngọn nguồn của bản chất vấn đề, đó là vì tư lợi cá nhân, đầu óc thủ cựu vốn hằn sâu trong nếp nghĩ, cách hành xử của con người. Nay bùng phát, trở thành ung nhọt kìm hãm sự phát triển của nông thôn. Ngoài việc tập trung phản ánh mặt trái của hiện thực nông thôn, nhà văn còn rất tâm huyết xây dựng, nêu lên những nhân tố sáng ngời, tích cực, tạo nên sự cân bằng trong đời sống xã hội nông thôn và người nông dân miền bán sơn cước như Anh Tâm (Ma làng), Hữu, Dần (Đồng làng đom đóm), Đặng Ngạn, Mua, Minh, Tươi (Cổ tích đời người),... Họ có hoàn cảnh khác nhau, địa vị xã hội cũng khác nhau nhưng lại có chung một điểm, đó là thật thà, nhân hậu, giàu lòng nhân ái, tình yêu thương con người; đồng thời có bản lĩnh, trách nhiệm với chính mình, với cuộc đời trong việc đấu tranh chống tiêu cực, diệt trừ cái ác, cái phi đạo đức,... Họ chính là biểu tượng của cái thiện, cái mới, của niềm tin, hi vọng, của sự hiện thân Chân - Thiện - Mĩ bất diệt ở đời.
Bức tranh nông thôn miền núi phía Bắc sau Đổi mới
Kể từ khi thực hiện đường lối đổi mới của Đảng năm 1986 đến nay, đời sống xã hội - kinh tế của làng Lộc (Ma làng), làng Bâm Dương (Ông Mãnh về làng), làng Thông (Đồng làng đom đóm), làng Rồng, bản Vòn (Cổ tích đời người),... nơi rẻo cao vùng núi phía Bắc đã có những đổi thay rất đáng kể. Làng Lộc - một vùng quê viền quanh chân núi Châm nghèo xơ xác, khép kín, nay đã thay da đổi thịt cả về vật chất lẫn tinh thần. Điện, đường, trường, trạm được đầu tư, các công trình văn hóa được tu bổ, xây mới, nhiều dự án cụm công nghiệp, nhà máy được mọc lên, trung tâm bò sữa được thành lập ngay xã, sông Lô được nạo vét, xây kè để chống sạc lở,... nên làng Lộc đã được mở mang, to đẹp, công ăn việc làm nhiều hơn, các tệ nạn xã hội được bại trừ, hết dần, an ninh trật tự được củng cố, người dân nơi đây không còn lo cái ăn, cái mặc như trước, chỉ quan tâm cải thiện đời sống, làm giàu trên chính mảnh đất của mình: “Bước xuống xe, tôi bàng hoàng thấy viền quanh chân núi Châm ánh điện xanh đỏ nhấp nháy, tiếng đài, tiếng ti vi vang rộn trời đất, làng Lộc thay da đổi thịt nhanh quá,…”.
Đằng sau sự đổi thay diệu kì của làng quê bán sơn cước ấy, vẫn còn đó muôn vàn ngổn ngang, bộn bề. Vùng quê viền quanh chân núi Châm vốn dĩ bình yên, trong lành, dân số ít, thưa thớt. Nhưng bây giờ, dân số lại tăng vọt vì người dân ở các địa phương khác đến làm ăn, sinh sống; quán sá, khách sạn, nhà nghỉ mọc lên san sát, tụ tập; các đoàn kiểm tra, cán bộ về thanh tra, họp hành, công nhân nhà máy đường, đám tàu vét sỏi ngoài sông, công nhân dự án đường sá giao thông, đám “da phấn mắt xanh”, những đứa trong làng “đỏng đảnh lười biếng”, khách làng chơi,... đến đây tụ tập, ăn nhậu, hát hò thâu đêm suốt sáng, đã làm nảy sinh nhiều hệ lụy, nhiều trò đồ trụy, bê tha, đảo lộn bao nếp sống sinh hoạt, nếp nghĩ của người dân nơi đây. Một số chính sách, chủ trương phát triển kinh tế, xã hội nông thôn được triển khai, áp dụng không phù hợp, bộc lộ nhiều yếu kém, thiếu sót, trở thành những câu chuyện dở cười, dở khóc, để lại nhiều hệ lụy khôn lường như: chủ trương đưa hàng ngàn con bò sữa về nuôi và xây dựng nhà máy sữa bò tại làng Lộc; chủ trương trồng mía thay trồng ngô, khoai, đỗ lạc gối mùa ở vùng đất sỏi bãi ven Lô,... Nhưng lạ thay, trớ trêu thay, người dân vẫn biết chính sách ấy, chủ trương ấy không phù hợp, không đúng, bị thua thiệt, khó khăn, đói kém nhưng lại tung hô, cổ vũ: Dân tôi “giàu lên” từ mía, từ bò sữa. Cán bộ xã, làng lại tự hào, tin tưởng “sẽ là một tấm gương, một mô hình đặc biệt cho cả nước noi theo”. Các nhà thơ, nhà văn thì sáng tác để “ngợi ca người trồng cỏ”,...
Cơn bão của đô thị hóa nông thôn, của thời cơ chế thị trường nên đồng tiền, quyền lực, lợi ích cá nhân đã trở thành sức mạnh vạn năng, làm thước đo cho mọi giá trị, khiến nhiều người nông dân đã không làm chủ được hoàn cảnh, bị lôi kéo, mua chuộc để rồi trở nên tham lam, thực dụng, ích kỉ, nhỏ nhen; một số cán bộ quản lý, những kẻ cơ hội đã lợi dụng cơ chế để trục lợi, thủ đoạn, hãm hại lẫn nhau, biến chất, tha hóa về đạo đức, nhân cách,... Đà - chủ tịch tỉnh, Ất, Lại, Mãnh, Hỏa (Ông Mãnh về làng), Dón, Răm, Bật (Cổ tích đời người),... là những kẻ kém hiểu biết, bất tài, độc đoán, cơ hội, xu nịnh, dùng mọi thủ đoạn để trục lợi, thăng tiến mặc người dân rơi vào cảnh khốn đốn, bần cùng. Nhưng đó chỉ là một bộ phận nhỏ, bởi ở những làng quê miền núi phía Bắc vẫn còn đó rất nhiều những người cán bộ, những người nông dân như Tâm, Lập, Nghiệp, Mưa,… hiền lành, lương thiện, siêng năng, chăm chỉ, vì nước vì dân, nhạy bén, mạnh bạo trong công việc, ứng biến được với mọi hoàn cảnh cũng đã góp phần rất lớn trong việc bảo vệ, xây dựng và phát triển đời sống xã hội nông thôn. Tâm (Ma làng) là một trường hợp điển hình, anh vốn là cán bộ chỉ huy xuất ngũ, trở về làng Bầm Dương với ước mơ công hiến trí tuệ, sức lực của mình, góp phần dựng xây quê hương ngày càng giàu đẹp, trù phú. Trong mọi công việc vì thế Tâm đều tiên phong, đi đầu trong các phong trào, tạo công ăn việc làm cho người dân, đem lại nhiều lợi ích cho nhân dân, khiến các tệ nạn, lối sống trụy lạc, gây mất an ninh trật tự trong thôn xóm, làng xã được đẩy lùi. Tâm chính là một hình mẫu, mà tác giả muốn đưa đến thông điệp đối với các nhà hoạch định chính sách, quản lý nông nghiệp và nông thôn mới phải nâng cao chất lượng trong việc đào tạo nguồn nhân lực có đủ trình độ, tri thức khoa học, kinh nghiệm, bởi đó mới là yếu tố tiên quyết của công cuộc đổi mới, xây dựng nông thôn mới. Ngay như Ló, Nghiệp, Dỏ,… một thời lầm lỗi, tưởng như ở tận cùng của sự đau khổ, bất hạnh lại cũng đã có suy nghĩ, thức nhận tích cực nên đã thoát khỏi những tháng ngày đen tối, vượt qua khó khăn, định kiến, mặc cảm vươn lên, hết lòng vì lợi ích chung của cộng đồng, góp phần xây dựng làng Bâm Dương ngày càng giàu đẹp, trù phú.
Có thể nêu một vài nét về phương diện kỹ thuật viết tiểu thuyết về đề tài nông thôn miền núi phía Bắc của Trịnh Thanh Phong. Trong khi một số nhà văn đương đại đang trở mình, bứt phá, đi tìm một lối viết mới nhằm cách tân nghệ thuật tiểu thuyết, thì nhà văn họ Trịnh vẫn trung thành vận dụng những thủ pháp nghệ thuật truyền thống nhưng vẫn tạo nên dấu ấn riêng nhất định, vẫn có sức hấp dẫn, thu hút bạn đọc. Điểm nổi bật, đặc sắc trong nghệ thuật tự sự của tiểu thuyết viết về đề tài này chính là sự xuất hiện phổ biến kiểu cốt truyện đơn tuyến - kiểu cốt truyện có dung lượng nhỏ, vừa, được sắp xếp sự kiện theo trình tự thời gian. Mỗi cốt truyện được kể gọn gàng, đơn giản về quá trình phát triển tính cách, xung đột của nhân vật. Tiểu thuyết Đồng Làng Đom Đóm được tác giả xây dựng cốt truyện theo kiểu như thế. Tác phẩm chủ yếu xoay quanh kể về cuộc đời của hai nhân vật chính: Hữu và Dần. Hữu - một cậu bé sớm mồ côi cha, rồi đến cả mẹ, phải ở với lão Bành - bố dượng của Hữu, một kẻ nát rượu, ác độc. Tuổi thơ của Hữu là những chuổi ngày cơ cực, đòi roi nhưng với tấm lòng hiếu thảo, nhân ái Hữu đã cảm hóa được bố dượng nên đã cùng nhau sống hòa thuận, yêu thương, trở thành một học sinh giỏi. Lớn lên, Hữu đi bộ đội, trở thành một đại đội trưởng gương mẫu, dũng cảm. Năm 1972, trong một trận đánh ác liệt trên sông Thạch Hãn, Hữu đã bị thương nặng, rồi mất vì chất độc da cam. Dần - một bác sĩ tài giỏi, giàu lòng nhân ái. Thuở thiếu thời, Dần là người bạn thân cùng nối khố với Hữu. Sau khi trở thành bác sĩ, Dần xin vào mặt trận để được gặp Hữu, sau đó đã lấy Hữu làm chồng, sinh con, cùng sống với nhau rất hạnh phúc. Chiến tranh kết thúc, Dần trở về thành lập bệnh viện dân thường, giúp đỡ bệnh nhân, chăm sóc, nuôi dạy con cái. Như vậy, sự kiện, tình tiết về cuộc đời của Hữu và Dần được tác giả kể lại rất gọn gàng, đơn giản, ít thay đổi, nếu có cũng chỉ củng cố thêm để phù hợp với từng hoàn cảnh, thời điểm, đúng như bản chất, tính cách vốn có của nhân vật. Như Hữu vốn dĩ là đứa trẻ ngoan ngoãn, thường xuyên cam chịu bị bố dượng hành hạ, đòi roi nhưng vẫn không thù hận, vẫn hiếu thảo, nhân hậu với bố dượng. Lão Bành - bố dượng của Hữu là một kẻ độc ác, man rợ nhưng rồi trước những hành động của Hữu đã khiến lão phải cảm động, thay đổi, bỏ rượu chè, thương yêu Hữu, trở thành một con người hiền lành, lao động giỏi. Nghệ thuật xây dựng nhân vật độc đáo, mỗi nhân vật có tích cách, số phận, tình cảm riêng, không ai giống ai. Sự riêng khác này thể hiện rõ qua diện mạo, tác phong, cử chỉ, hành động, ăn mặc, lời nói của nhân vật. Ngoại hình nhân vật như thế nào thì tính cách, nội tâm của nhân vật như thế ấy. Hữu, Dần, ông Bành, bà cụ Vuông, Tùng,... trong Đồng làng đom đóm có ngoại hình, tính cách, nội tâm riêng. Cậu bé Hữu tuy loắt choắt, nhếch nhác, nhưng lại có thân hình rắn chắc, nhanh nhẹn, ánh mắt thông minh nên được mọi người yêu mến, cảm tình. Dần - một cô gái có vẻ đẹp mảnh dẻ, dịu dàng, ngây thơ, có ánh mắt dịu hiền, đôi tay mềm mại đến thánh thiện, như một cô tiên trong cổ tích. Bà cụ Vuông có mái đầu bạc phơ, khuôn mặt phúc hậu,... Với một hình dáng như thế, nên tính cách, tâm hồn của Hữu, Dần, bà cụ Vuông,... khỏe khắn, thánh thiện, đôn hậu, bao dung, độ lượng, biết yêu thương, chia sẻ, giúp đỡ mọi người. Còn lão Bành có dáng ngật ngưỡng, gầm gừ “như con chó dại”, cười “sằng sặc”, mắt “long lên sòng sọc”, hai tay “nghều ngào”, cái mồm “nhai ngồm ngoàm”,... và Tùng với dáng to béo, lười nhác, láu cá,... nên tính cách, tâm hồn, hành động rất ma quái, tàn ác, lừa lọc, ranh mãnh. Ngôn ngữ trong tiểu thuyết Trịnh Thanh Phong viết về đề tài này cũng tạo được hấp lực nơi người đọc. Ngôn ngữ chủ yếu sử dụng mang tính khẩu ngữ, chân chất, hồn nhiên, bình dị của người nông dân - đậm đặc dấu ấn phương ngữ, từ ngữ đặc thù, mang sắc thái riêng của tâm hồn và cách tư duy của người nông dân bản địa vùng núi phía Bắc. Sau khi thoát khỏi sự hành hạ của con ma men, lão Bành (Đồng làng đom đóm) đã thổ lộ rất chân tình với bà cụ Tứ: “Cho lão Bành tôi hỏi thật chuyện này bà Tứ nhá! Còn chuyện này chưa nói với ai, nó cứ như cái cục ở trong bụng, nay tôi muốn bửa ra để bà nom hộ tôi. Chuyện gì ông cứ bửa ra xem nào”. Cách nói chuyện của anh Dỏ (Ma làng) rất thẳng thật, pha chút đùa tếu: “Chỉ được cái mồm ra rả. Chả anh Dỏ này cày thì ai cày… Mẹ mầy cứ việc vùi đầu ngủ, không ngủ được thì cứ bầy sẵn ruộng nương ra đấy, rượu về anh Dỏ săn cày…”. Những thành ngữ, tục ngữ cũng được người dân miền sơn cước vận dụng trong giao tiếp hằng ngày rất linh hoạt, tự nhiên, thanh thoát. Trong cuộc chia tay nhau bên dòng suối – một cuộc chia ly không hẹn ngày về, cũng là lần hẹn ước đầu tiên Dần (Đồng làng đom đóm) đã vận dụng thành ngữ “chân cứng đá mềm” nhằm dặn dò, thể hiện tâm tư, tình cảm với Hữu rất chân thanh, mộc mạc: “Hữu cứ bình tâm lên đường cho cái chân thật cứng, hòn đá thật mềm.”.
Từ những phân tích trên thấy hiện rõ bức tranh nông thôn miền núi Bắc Bộ trước và sau thời kỳ Đổi mới được Trịnh Thanh Phong tái hiện rất rõ nét, sinh động, phong phú. Nhà văn họ Trịnh rất dũng cảm, nhìn thẳng vào sự thật, xông thẳng, bóc tách vào những vấn đề nhức nhối của hiện thực đời sống xã hội nông thôn miền sơn cước đã/đang tồn tại dai dẳng, xáo trộn phức tạp, với những chuyển biến qua từng giai đoạn, để lại những hệ lụy không nhỏ cả về vật chất lẫn tinh thần, làm cản trở công cuộc cải cách, đổi mới nông thôn trong tiến trình hiện đại hóa, công nghiệp hóa của đất nước. Vấn đề trọng yếu Trịnh Thanh Phong đặt ra thông qua tác phẩm viết về đề tài này chính là vấn đề con người và giáo dục con người. Đây chính yếu tố tiên quyết để các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý nông nghiệp và nông thôn mới có kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, từ đó mới có một đội ngũ cán bộ đủ trình độ, tri thức khoa học, tận tâm, tận lực dựng xây, phù hợp với ý Đảng lòng dân đổi mới đời sống xã hội nông thôn miền núi phía Bắc trên con đường dựng xây và hội nhập toàn cầu.
B-N-H
_____________________________
Tài liệu tham khảo chính
1. Trịnh Thanh Phong (2007), Đất cánh đồng Chum, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội.
2. Trịnh Thanh Phong (2009), Đồng làng đom đóm, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội.
3. Trịnh Thanh Phong (2001), Ma làng, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội.
4. Trịnh Thanh Phong (2011), Ông mãnh về làng, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội.
5. Trịnh Thanh Phong (2018), Cổ tích đời người, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội.
.