Nông thôn mới Đồng Tháp bứt phá với những cách làm hay

Hơn 10 năm xây dựng nông thôn mới, tỉnh Đồng Tháp đang đạt được những thành tựu đáng ghi nhận, với hàng loạt mô hình sản xuất điểm có cách làm hay, tư duy mới, vô cùng sáng tạo, mang lại hiệu quả cao.

Mô hình Hội quán cùng nhau làm du lịch tại Làng hoa Sa Đéc - Thành phố Sa Đéc là một trong những mô hình điển hình mang lại những ưu điểm vượt trội trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, từng được Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá rất cao khi đi tham quan trong chuyến công tác hồi đầu năm 2022.

Nhiều mô hình hay, hiệu quả thiết thực

Những năm qua, sự phát triển của Làng hoa Sa Đéc đã mang lại bộ mặt mới cho làng quê, đồng thời thu hút du khách gần xa đến tham quan trải nghiệm. Làng hoa Sa Đéc phát triển còn giúp cải thiện môi trường sinh thái và thể hiện sự đoàn kết, thống nhất phát triển sản xuất của người dân...

Hội quán cùng nhau làm du lịch được xây dựng dựa trên tinh thần hợp tác trong sản xuất kinh doanh, lắng nghe nhau, trao niềm tin cho nhau. Đây là không gian khởi nghiệp nông nghiệp, tạo ra được giá trị thiết thực trong quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp.

Ông Trần Thanh Hùng, Chủ nhiệm Hội quán cùng nhau làm du lịch tại Làng hoa Sa Đéc cho biết, từ năm 2015 trở về trước, nhiều hộ gia đình trồng cây kiểng ở làng hoa hơn 100 tuổi này thiếu sự liên kết, quy mô nhỏ lẻ, sản xuất kinh doanh kém hiệu quả.

Thực hiện chủ trương của tỉnh, từ năm 2015, nhiều hộ dân đã liên kết hình thành Hội quán cùng nhau làm du lịch, đến nay thu hút được 27 thành viên, mở rộng quy mô hoạt động lữ hành, lưu trú, homestay, khách sạn.

Với 12 khu điểm du lịch được đầu tư hàng trăm tỷ đồng, mỗi năm Hội quán thu hút hơn 1 triệu lượt khách đến Làng hoa Sa Đéc, lợi nhuận gấp 4 - 5 lần so với nghề trồng hoa truyền thống.

Mô hình Hội quán nông nghiệp là sáng kiến đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp.

Mô hình Hội quán nông nghiệp là sáng kiến đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp.

Cùng với hội quán làm du lịch, ở Đồng Tháp còn nhiều mô hình nổi bật, hiệu quả trong quá trình thực hiện xây dựng nông thôn mới. Điển hình như mô hình “cây xoài nhà tôi” của HTX xoài Mỹ Xương (Cao Lãnh), mô hình “Cây cam vườn tôi” của Đông Tân Hội quán, xã Tân Thuận Đông (Cao Lãnh), mô hình “Canh tác lúa thông minh” của HTX Mỹ Đông 2…

Các hội quán đã và đang góp phần xây dựng nhãn hiệu hàng hóa cho các sản phẩm đặc thù như xoài Cao Lãnh, xoài Cát chu Cao Lãnh, chanh Cao Lãnh, hoa kiểng Sa Đéc, quýt hồng Lai Vung…

Chính từ mô hình hội quán, tỉnh Đồng Tháp đã và đang phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng đề án “Làng thông minh” giúp người nông dân tự tìm hiểu về nhu cầu giáo dục, kết nối làm ăn, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy làm kinh tế nông nghiệp, hướng tới phát triển bền vững.

Thay đổi diện mạo nông thôn

Không chỉ tạo nên những giá trị kinh tế, đóng góp trực tiếp vào các tiêu chí về thu nhập, giảm nghèo, các mô hình sản xuất đầy sáng tạo trên còn mang lại những lợi ích tích cực về môi trường sinh thái – một trong những tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới.

Điển hình như HTX xoài Mỹ Xương (TP.Cao Lãnh), nhờ chất lượng vượt trội, sản phẩm của HTX đang chinh phục hàng loạt thị trường khó tính từ khắp châu Á, châu Âu đến châu Mỹ xa xôi.

Đại diện HTX xoài Mỹ Xương cho biết nếu như trước đây, nhà vườn chỉ dựa vào kinh nghiệm, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học, thì nay việc trồng xoài dựa vào kỹ thuật, công nghệ, loại bỏ các loại hóa chất gây hại cho môi trường.

Hiện, 100% thành viên HTX nắm vững quy trình sản xuất xoài theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, được cấp mã số vùng trồng, đáp ứng được yêu cầu khắt khe của thị trường xuất khẩu. Không chỉ nâng cao lợi ích kinh tế, sản xuất sạch còn góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Theo thống kê, đến nay, toàn tỉnh Đồng Tháp có 92 “Hội quán” với gần 5.000 thành viên đã triển khai 110 mô hình hoạt động gắn với từng ngành, nghề đặc trưng của địa phương, tạo được xu hướng mới trong hợp tác sản xuất.

Hiệu quả của các mô hình điểm có cách làm sáng tạo, tư duy hiện đại, đang góp phần giúp Đồng Tháp gặt hái nhiều thành công trong xây dựng nông thôn mới.

Cụ thể, toàn tỉnh Đồng Tháp hiện có 103 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 10 xã được công nhận xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao. Toàn tỉnh có 269 sản phẩm OCOP đạt 3-4 sao, các sản phẩm này được kết nối đưa vào hệ thống các cửa hàng đặc sản tại các điểm du lịch…

Trong giai đoạn 2021- 2025, Đồng Tháp tiếp tục gắn kết chặt chẽ Chương trình xây dựng nông thôn mới với Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng bền vững, đi vào chiều sâu, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và môi trường sống của người dân nông thôn.

Theo đó, phấn đấu đến năm 2025 có thêm 18 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số lên 104 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt tỷ lệ 90%). Trong đó, có 31 xã nông thôn mới đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (đạt tỷ lệ 30%) và 3 xã nông thôn mới nâng cao đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (đạt tỷ lệ 10%).

Để công tác xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu nông nghiệp mang lại hiệu quả tích cực hơn trong thời gian tới, lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp yêu cầu các Sở ban ngành liên quan rà soát lại công việc cụ thể của các địa phương để tiếp tục tập trung thực hiện tốt các tiêu chí nông thôn mới, trong đó duy trì phát triển tốt các mô hình hiệu quả.

Hồng Lâm

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//mo-hinh/nong-thon-moi-dong-thap-but-pha-voi-nhung-cac-lam-hay-1089697.html